Những nhịp cầu đưa mùa xuân về với bản làng
Điện Biên TV - Những cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh đang gấp rút hoàn thiện; điều đó đã mang lại niềm vui khôn siết cho nhân dân, nhất là bà con ở vùng xa xôi, vùng khó khăn. Sau những vất vả bơi sông, lội suối, nay được chứng kiến cây cầu vững chắc đang trong giai đoạn hoàn thiện những nhịp cuối cùng, ai ai cũng phải vỡ òa cảm xúc ngắm nhìn những cây cầu nối đôi bờ mùa xuân.
Dưới cái nắng dịu của những ngày cuối năm 2017, chúng tôi có dịp trở lại bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Thời điểm này, trên con đường dẫn vào bản, những cánh hoa đào mỏng manh đã bắt đầu đua nhau khoe sắc, gợi cảm giác mùa xuân mới đang đến rất gần.
Còn nhớ, cách đây gần 1 năm, để đến trung tâm bản, chúng tôi phải vượt qua cây cầu treo nối 2 bản: Phiêng Kham và Mường Nhé; đó cũng là nỗi ám ảnh đối với thầy, trò trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ và người dân địa phương. Bởi cây cầu được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, lượng người qua lại nhiều khiến cầu rung lắc, tròng trành vô cùng nguy hiểm.
Phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, cầu treo bản Mường Nhé, xã Mường Nhé gấp rút hoàn thành các hạng mục trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. |
Nhưng mùa xuân này đường đến bản Phiêng Kham đã dễ dàng, an toàn hơn, vì cây cầu treo mới chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có mặt tại công trường xây dựng cầu treo, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều cảm xúc, niềm vui của người dân khi nhịp cầu đã nối đôi bờ. Ngày nào cũng ra ngắm cầu, mong chờ cây cầu sớm hoàn thành, anh Mào Văn Them, Trưởng bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), cho biết: “Cầu treo bản Mường Nhé cũ vừa nhỏ hẹp, hệ thống dây cáp, lan can 2 bên cầu xuống cấp mà người dân và các cháu học sinh đi lại đông đúc nên nguy hiểm vẫn luôn rình rập; tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhất là trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt là ô tô không thể đi qua cây cầu để vào bản thu mua các loại cây trồng nông, lâm sản nên bà con làm ra lương thực, thực phẩm nhưng luôn rơi vào cảnh “mua đắt, bán rẻ”. Khi hay tin, chiếc cầu treo bắc qua sông được xây mới, người dân trong bản phấn khởi lắm! Bà con háo hức chờ đến ngày khánh thành để được bước chân lên cầu mới cho thỏa ước nguyện bấy lâu nay và hy vọng về tương lai, cây cầu này sẽ mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Là người thường xuyên có mặt ở cây cầu này để giúp đỡ, hướng dẫn học sinh qua lại đây, anh Mào Văn Thực, nhân viên bảo vệ Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, chia sẻ: “Cầu treo xây dựng xong không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân, thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển sản xuất mà còn giúp con đường đến trường của các em học sinh trong nhà trường và Trường Mầm non Mường Nhé được an toàn hơn.
Đến giờ tan học, lượng học sinh, phụ huynh qua cầu rất đông; tuy nhiên, do cây cầu cũ đã xuống cấp nên nhà trường phải yêu cầu phụ huynh không đi xe máy qua cầu; đồng thời hạn chế người đi lại cùng một lúc để đảm bảo an toàn. Khi cầu mới được khởi công xây dựng, ai ai cũng mong cây cầu được hoàn thành thật nhanh, nối liền hai bên bờ sông, để con em họ yên tâm qua cầu đến lớp, đến trường”.
Mùa xuân này, người dân và học sinh của 2 điểm trường: Tiểu học số 1, Mầm non số 1 (bản Xôm, xã Pá Khoang, huyện Điện Biên) cũng được bước đi trên cây cầu treo mới. Cách đây không lâu, có dịp đến bản, chúng tôi ái ngại trước những nhịp cầu treo, mặt ván gỗ chắp vá với không ít những khoảng trống “tử thần”. Lần trở lại này, hình ảnh rệu rã của cây cầu treo bản Xôm mấy tháng trước nay không còn. Thay vào đó, sàn cầu đã được thay thế chắc chắn.
Ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang, cho biết: Thực hiện Chương trình “Cầu nối yêu thương”, vừa qua, Công ty Cổ phần Nhựa thiếu niên tiền phong đã đầu tư, tài trợ hơn 600 triệu đồng để khởi công xây dựng lại cầu treo dân sinh và làm mới 250m đường dẫn vào 2 điểm trường: Tiểu học số 1 và Mầm non số 1 (bản Xôm). Nhờ sự giúp đỡ của các “mạnh thường quân”, cây cầu xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn xã đã được tu sửa mới trong niềm vui khôn xiết của bà con… Từ ngày xây dựng lại cây cầu treo này, đến nay ai ai cũng phấn khởi, nhất là gia đình có con em đang đi học đi lại sẽ an toàn, thuận tiện hơn.
Không giấu nổi niềm vui, anh Lò Văn Lả, người dân bản Xôm khoe với chúng tôi: “Cây cầu được tu sửa lại và đưa vào sử dụng đã giúp cho người dân nơi đây đi lại cũng như vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn; qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đời sống của bà con vì thế sẽ được nâng lên. Đặc biệt, gia đình tôi có 2 cháu đi học phải qua cầu hàng ngày; bây giờ thì yên tâm rồi, các cháu đi học không cần phải đưa đi, đón về như trước nữa”.
Một mùa xuân mới đang đến gần, trong không khí những ngày cận Tết Nguyên đán và suy nghĩ về những chia sẻ của bà con, chúng tôi liên tưởng đến giai điệu của hát bài “Nhịp cầu nối những bờ vui” mà trong lòng tràn đầy hy vọng những cây cầu mới sẽ nhanh chóng đem đến sự đổi thay cho bản làng và tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
CTV - Phạm Quang