Làm rõ nguyên nhân ô nhiễm nghiêm trọng suối Nậm Núa tại Điện Biên

Thứ Ba, 16/01/2018, 07:59 [GMT+7]

Thời gian gần đây, nước suối Nậm Núa (Điện Biên) bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến thủy sinh bị chết hàng loạt nổi trắng trên bề mặt.
 
Liên quan đến sự việc suối Nậm Núa chảy qua địa bàn 2 xã Hẹ Muông và Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị ô nhiễm, khiến cá chết nổi trắng suối mà phóng viên VOV đã thông tin, ngay trong ngày 15/1, đoàn công tác liên ngành của huyện Điện Biên và Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã xuống kiểm tra quy trình xử lý nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn - Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp. Qua kiểm tra ban đầu xác định nguyên nhân gây ô nhiễm là do nhà máy này bị vỡ bể chứa xử lý chất thải, khiến nước thải chảy trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm.

Trước đó vào các ngày 14 và rạng sáng ngày 15/1, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn các xã Hẹ Muông và Núa Ngam, thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên phản ánh, nước suối Nậm Núa bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến thủy sinh bị chết hàng loạt nổi trắng trên bề mặt. Nguyên nhân được xác định có thể do Nhà máy chế biến tinh bột sắn - Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp, có địa chỉ tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
 

1
 Toàn bộ nước thải chưa qua xử lý trong ao tràn toàn bộ ra suối Nậm Núa, gây ô nhiễm nghiêm trọng.


Theo ghi nhận của phóng viên VOV tại trụ sở của công ty này vào trưa ngày 15/1, hoạt động thu gom sắn vẫn diễn ra, còn các hoạt động sơ chế đã tạm dừng. Một ao chứa chất thải đã bị vỡ phần phía đuôi, khiến toàn bộ nước thải chưa qua xử lý trong ao tràn toàn bộ ra suối Nậm Núa, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngay khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã lập đoàn kiểm tra và xác nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm dòng suối Nậm Núa.

Ông Cao Đăng Nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: "Ngay sau khi phát hiện sự cố xã đã tổ chức đoàn công tác của xã xuống trực tiếp hiện trường, xuống lòng suối của xã Núa Ngam để kiểm tra và đã thu nhận các hình ảnh trực tiếp về nguồn nước nó bị ô nhiễm, màu rất khó chịu ảnh hưởng tới sức khỏe bà con. Sinh vật dưới nước là cũng chết hết, nổi hết lên".

Ngay khi sự cố xảy ra, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên và Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo Công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp về vấn đề này. Tại buổi kiểm tra, đại diện công ty Hồng Diệp cũng xác nhận, vào ngày 14/1 vừa qua, do công ty sản xuất hết công suất các dây chuyền, nên bể chứa bị tăng áp lực, dẫn đến vỡ ao, tràn toàn bộ chất thải chưa xử lý ra môi trường gây ô nhiễm. Điều đáng nói là trước đó, đơn vị đã bị Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên yêu cầu tạm dừng hoạt động vì chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên công ty vẫn cố tình hoạt động, gây ra sự cố nghiêm trọng trên.

Trung tá Nguyễn Tuấn Bắc, Phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Ngày 11/1 vừa qua chúng tôi cũng đã phối hợp với Chi cục môi trường xuống kiểm tra về việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải. Xác định hiện nay doanh nghiệp chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, chúng tôi cũng đã yêu cầu doanh nghiệp dừng các hoạt động để hoàn thiện các thủ tục trước khi đi vào hoạt động.
 

1
Một ao chứa chất thải đã bị vỡ phần phía đuôi.


Tuy nhiên vừa rồi doanh nghiệp đã để xảy ra sự cố vỡ ao chứa nước thải dẫn đến việc phát tán nước thải ra môi trường. Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra đánh giá lại toàn bộ thủ tục pháp lý liên quan đến dự án này, lấy mẫu để phân tích, trên cơ sở đó để xác định mức độ ô nhiễm, căn cứ vào những kết quả kiểm tra, xác định sai phạm, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật".

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác liên ngành của huyện và Công an tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của công ty cổ phần tinh bột Hồng Diệp về các thủ tục pháp lý, như: việc thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch quản lý sử dụng đất đai, cam kết bảo vệ môi trường…

Trước những sai phạm nghiêm trọng này, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động, hoàn thiện các thủ tục, trình các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đảm bảo điều kiện mới được phép hoạt động.

Ông Bùi Hải Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nói: "Theo quy trình kỹ thuật là phải qua hệ thống xử lý Biogas, qua các hệ thống bể chứa, bể lắng, bể lọc, theo quy trình của nó mới được xả thải ra môi trường. Tuy nhiên hiện tại đơn vị thực hiện không đúng quy trình, tự ý đào những hố đất giáp bờ suối, khai thác hoạt động mạnh vào ban đêm và trong quá trình khai thác chất thải đã vượt quá giới hạn nên đâm ra gây vỡ bờ chứa. Về vấn đề này chúng tôi cũng đã cương quyết yêu cầu đơn vị dừng hoạt động và tiếp tục chỉ đạo các phòng ban cơ quan chuyên môn thuộc huyện tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát hoạt động và làm công tác tuyên truyền cho người dân yên tâm sản xuất".

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Hẹ Muông được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 189 ngày 15/3/2017. Nhà máy được xây dựng với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng trên diện tích đất 20.000 mét vuông, công suất dự ước khoảng 80 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày, thời gian thực hiện dự án trong 50 năm. Việc xây dựng nhà máy sẽ giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm sắn của người dân địa phương, ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Do vậy, chính quyền huyện Điện Biên cho biết sẽ tạo mọi điều kiện, phối hợp với nhà máy hoàn thiện các thủ tục, trên cơ sở đó đảm bảo kịp thời vụ cũng như thu hoạch của người dân./.

 

 

Theo Vũ Lợi/VOV

.