Hội LHPN tỉnh Điện Biên với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em
Điện Biên TV - Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được Hội LHPN tỉnh Điện Biên triển khai kịp thời, lồng ghép trong hoạt động phong trào Hội, công tác truyền thông, vận động, được tiến hành thường xuyên liên tục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điện Biên là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ hoạt động vui chơi giải trí chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ; nhiều thói quen, tập quán có hại cho trẻ em chưa được đấu tranh loại bỏ như việc đánh đập, mắng chửi, chưa quan tâm đầy đủ đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó tệ nạn xã hội, ma túy, mua bán trẻ em, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn tới công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh đặc biệt đối với trẻ em vùng cao, vùng dân tộc ít người.
Các cấp hội đã chú trọng công tác tuyên truyền tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Điện Biên. |
Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” đến 100% các chi, tổ phụ nữ, thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tuyên truyền vận động hội viên phát động phong trào chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em, do vậy công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em được thực hiện thường xuyên, với phương châm lấy giáo dục và tuyên truyền là chính, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên đối với công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Các cấp hội đã chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp Luật của nhà Nước như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật phòng, chống Bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…đặc biệt chú trọng đến các chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái trên các lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, hôn nhân gia đình, chăm sóc sức khỏe, góp phần thực hiện đầy đủ hơn quyền trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh... đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong toàn xã hội, nhất là từng gia đình đối với việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cộng đồng
Các phong trào chăm sóc bảo vệ trẻ em đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong toàn xã hội, nhất là từng gia đình đối với việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cộng đồng. |
Duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như Câu lạc bộ Sống khỏe; Câu lạc bộ Gia đình không sinh con thứ ba; Câu lạc bộ Gia đình không có con suy dinh dưỡng; Câu lạc bộ phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em; Câu lạc bộ phòng chống ma túy; Câu lạc bộ kết nối Mẹ và con gái; xây dựng gia đình “5 không - 3 sạch”, chú trọng tới tiêu chí không sinh con thứ 3, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học giữa chừng.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đầu tư giúp đỡ đối tượng là trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, trong 5 năm (Từ 2012 – 2017) đã tổ chức trao trực tiếp gần 3.000 xuất học bổng cho gần 3000 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ; Mường Nhé; Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên với tổng giá trị là hơn 2 tỷ đồng
Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã vận động xây dựng 3 nhà lớp học và nhà bán trú cho học sinh vùng sâu vùng xa với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng và 1 điểm trường mầm non xã Vàng Lếch huyện Nậm Pồ trị giá 120 triệu đồng; 2 Mái ấm tình thương cho 4 anh em mồ côi tại xã Mường Báng huyện Tủa Chùa và 3 trẻ mồ côi tại xã Sen Thượng huyện Mường Nhé với tổng trị giá trên 180 triệu đồng
Hội LHPN tỉnh Điện Biên thường xuyên phối hợp tuyên truyền các chính sách về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh; bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; Triển khai luật Bảo hiểm Y tế đảm bảo cho 100% trẻ em dưới 06 tuổi đều có thẻ khám chữa bệnh và được khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định của Nhà nước.
Vận động các bà mẹ đưa con em đi tiêm chủng đủ 7 loại vắc xin, uống VitaminA đạt 100%; quan tâm tạo điều kiện đưa trẻ đi phẫu thuật, chỉnh hình cho các trẻ em bị khe hỡ môi - hàm ếch, khuyết tật về mắt hay khuyết tật vận động.
Phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Công ty Viettel Điện Biên tổ chức tuyên truyền khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em từ 1 đến 16 tuổi trong toàn tỉnh, nhằm sớm phát hiện bệnh tim bẩm sinh, đã khám sàng lọc cho 3.300 trẻ nhằm phát hiện và chỉ định mổ chữa trị cho trẻ bị tim bẩm sinh. .
Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã phối hợp với nhãn hàng Lifebuoy tổ chức Ngày Hội truyền thông “Rửa tay với xà phòng” cho trẻ tại 2 huyện Điện Biên Đông và huyện Tuần Giáo, có trên 1.600 thầy, cô giáo và các em học sinh tham gia
Những năm qua, Hội LHPN tỉnh Điện Biên luôn chú trọng đến công tác Phòng chống mua bán Phụ nữ, trẻ em; phòng chống Mại dâm, Ma túy, Bạo lực gia đình, tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng tránh tệ nạn xã hội; cảnh báo cho trẻ các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột lao động; phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, tổ chức các hoạt động thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em, dự án bạn hữu trẻ em từ đó có những đề xuất, giải quyết kịp thời những vụ việc liên quan đến trẻ em trên địa bàn
Hội LHPN tỉnh Điện Biên thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục, Bộ đội biên phòng và các ngành chức năng tích cực tuyên truyền vận động trẻ em trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt trên 95%, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày gia càng tăng; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh trong nhà trường.
Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đầu tư giúp đỡ đối tượng là trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh |
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn những hạn chế nhất định như tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng; trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao; các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu; tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; việc huy động cộng đồng vào chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở nông thôn còn hạn chế; ban bảo vệ trẻ em một số xã hoạt động chưa hiệu quả. nguồn lực dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Có thể nói sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người lao động trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, góp phần thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, từng bước tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển một cách toàn diện nhất, các quyền và nghĩa vụ, bổn phận của trẻ ngày càng được thực hiện tốt hơn trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Hương Trà/Dienbientv.vn