Điện Biên liên tiếp xảy ra động đất: Nguyên nhân do đâu?

Thứ Hai, 15/01/2018, 14:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong 2 ngày (8 – 9/1), trên địa bàn tỉnh Điện Biên liên tiếp xảy ra 2 trận động đất. Tuy không gây thiệt hại về nhà ở, công trình xây dựng, song dư chấn động đất khiến người dân khu vực lòng chảo Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cảm nhận được sự rung lắc nhà cửa và các đồ đạc; gây ra hoang mang, lo sợ sẽ xảy ra động đất với cường độ lớn hơn.

Trận động đất xảy ra vào lúc 3 giờ 14 phút ngày 8/1, mạnh 3,9 độ Richter và trận động đất lúc 6 giờ 21 phút ngày 9/1, mạnh 4,3 độ Richter; độ sâu chấn tiêu cả 2 trận động đất khoảng 10km, tâm chấn 2 trận cách nhau khoảng 15km.

2 trận động đất liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên có tâm chấn cách nhau khoảng 10km

 

Cảm nhận rõ được những rung lắc trong 2 trận động đất vừa qua, bà Trần Thị Thu, TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Do tuổi cao nên bà Thu thường rất nhạy cảm với tiếng động, rung lắc nên dễ tỉnh giấc. Vì vậy, trong 2 ngày (8 – 9/1) xảy ra 2 trận động đất, bà cảm nhận rất rõ sự rung lắc của vật dụng trong gia đình. Ban đầu, bà nghĩ do xe ô tô đi lại gây rung nhưng sau đó nghe mọi người trong tổ dân phố bàn tán, bà mới biết là do động đất. Vì ngôi nhà xây đã lâu, nền móng kém nên bà Thu lo sợ nếu xảy ra trận động đất mạnh hơn sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình xây dựng của gia đình và hơn nữa là gây nguy hiểm cho con người.

Để giải đáp những thắc mắc của người dân về nguyên nhân xảy ra 2 trận động đất và liệu có xảy ra trận động đất mạnh hơn, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất TP. Điện Biên Phủ (Viện Vật lý địa cầu). Ông Sơn giải thích: Điện Biên thuộc khu vực xảy ra động đất nhiều và mạnh nhất cả nước. Do nằm trên 2 đứt gãy địa chất lớn, thường xuyên hoạt động gây ra chấn động lòng đất, là: Đứt gãy Lai Châu – Điện Biên chạy qua khu vực lòng chảo Điện Biên sang bên nước bạn Lào và đứt gãy địa chất Sông Mã – Sơn La chạy qua khu vực huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông.

Còn về khả năng xảy ra một trận động đất mạnh hơn 2 trận động đất vừa qua, ông Sơn nhận định: Theo đánh giá hoạt động địa chất trên địa bàn Tây Bắc thì hai trận động đất này không phải là tiền chấn cho một trận động đất mạnh. Trận động đất ngày 8/1 với cường độ 3,9 độ Richter chính là tiền chấn của trận động đất ngày 9/1 với cường độ 4,3 độ Richter. 2 trận động đất này thang rung động cấp 5/12 trung bình yếu, tâm chấn cách nhau rất ngắn và khẳng định đây là động đất kiến tạo.

Trên thế giới có 2 vành đai chính hoạt động mạnh nhất là vành đai Thái Bình Dương và vành đai Địa Trung Hải. Lãnh thổ Việt Nam không nằm trong 2 vành đai trên, tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng của 2 vành đai địa chất này nên thường xuyên xảy ra động đất. Khu vực Tây Bắc, nhất là Điện Biên, Lai Châu là khu vực hoạt động địa chất mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam; vì vậy 100 năm trở lại đây, các trận động đất lớn chủ yếu xảy ra trên vùng Tây Bắc.

1
Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất TP. Điện Biên Phủ quan trắc số liệu động đất.

 

Ngoài ra, nguyên nhân gây ra động đất thường xuyên tại vùng Tây Bắc, nhất là Điện Biên còn do khu vực Tây Bắc có 3 thủy điện lớn nhất cả nước; khi các nhà máy thủy điện bắt đầu tích nước, lòng hồ thủy điện cũng gây ra các trận động đất kích thích do tích nước lòng hồ. Nhưng động đất kích thích không lớn; cụ thể như khi tích nước lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đã xảy ra động đất, cường độ lớn nhất là 4,9 độ Richter; tích nước lòng hồ Thủy điện Sơn La cũng xảy ra động đất, cường độ lớn nhất là 4,7 độ Richter.

Trong năm 2017, Trạm Quan trắc tỉnh ghi nhận được 7 trận, cường độ các trận động đất từ 2,1 - 3,9 độ Richter. Đa phần các trận động đất với cường độ yếu, không gây thiệt hại cho các công trình trên địa bàn. Nhưng ngay đầu năm 2018 xảy ra 2 trận động đất có cường độ trung bình yếu, cách nhau 25 giờ nên đã gây hoang mang cho người dân.

Trước những thông tin về 2 trận động đất liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, vừa qua, đoàn công tác do PGS.TS Cao Đình Chiều, Viện trưởng Viện nghiên cứu Vật lý trái đất làm trưởng đoàn đã lên khảo sát, kiểm tra trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Qua quá trình kiểm tra, phân tích, đoàn công tác đánh giá, do 2 đứt gãy Lai Châu – Điện Biên và đứt gãy địa chất Sông Mã – Sơn La hoạt động thường xuyên nên mới có liên tiếp các trận động đất từ 5,5 độ Richter trở xuống dày như vậy, nhưng rất khó phát sinh các trận động đất lớn hơn.

Đơn cử, năm 2001, khi xảy ra trận động đất mạnh 5,3 độ Richter thì chỉ sau 2 giờ lại xảy ra trận động đất mạnh 4,8 độ Richter. Còn các trận động đất lớn và vừa thì có chu kỳ dài hơn phải từ 20 năm, 40 năm, 60 năm, 100 năm. Sau khi khảo sát, đánh giá, đoàn công tác Viện nghiên cứu Vật lý trái đất nhận định do tỉnh Điện Biên nằm trên 2 đứt gãy nên thường xuyên có các trận động đất yếu, không ảnh hưởng đến các công trình Nhà nước, dân sinh; nhân dân trên địa bàn có thể yên tâm lao động, sản xuất, không nên hoang mang, lo sợ về khả năng xảy ra trận động đất có cường độ lớn hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, công việc.

 

 

CTV - Phạm Quang

.