Điện Biên: Hỗ trợ tối đa 500 triệu/mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững
Điện Biên TV - Ngày 07/12, tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn.
Đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đọc tờ trình tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2016 2021. |
Theo đó, mức hỗ trợ đối với các dự án, mô hình là tối đa 500 triệu đồng/dự án, mô hình. Mức chi xây dựng và quản lý dự án là không quá 5% tổng kinh phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án. Mức hỗ trợ các hộ gia đình: Hộ nghèo tối đa 12 triệu đồng/hộ/năm; hộ cận nghèo tối đa 10 triệu đồng/hộ/năm; hộ mới thoát nghèo tối đa 8 triệu đồng/hộ/năm. Mức hỗ trợ nhóm hộ: Mức hỗ trợ tối đa/nhóm hộ = Số hộ nghèo x 12 triệu đồng + Số hộ cận nghèo x 10 triệu đồng + Số hộ mới thoát nghèo x 8 triệu đồng.
Mức hỗ trợ nhà xưởng: tối đa 70% chi phí xây dựng nhà xưởng nhưng không quá 60 triệu đồng/dự án. Mức hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất: tối đa 70% kinh phí hỗ trợ nhưng không quá 150 triệu/dự án. Mức hỗ trợ chi phí vận chuyển nông sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thuộc dự án: 1.500 đồng/tấn/km; khoảng cách được tính từ địa điểm sản xuất của nông dân đến cơ sở chế biến hoặc sơ chế sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên và hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án.
Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả dự án giảm nghèo trên địa bàn, tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị ở cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân có ý thức tự lực vươn lên trong phát triển sản xuất để sớm thoát nghèo.
Lường Hương/Dienbientv.vn