Xã Phu Luông, huyện Điện Biên

Bao giờ điện mới về bản

Thứ Sáu, 03/11/2017, 14:52 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện tại, trên địa bàn xã Phu Luông, huyện Điện Biên vẫn còn 4 bản: Pá Chả- Huổi Cảnh- Lọng Ngua và mốc C5 chưa được sử dụng điện. Không có điện lưới sử dụng, đời sống của bà con vùng cao gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù đã rất nhiều lần kiến nghị tới chính quyền, các cấp song cho đến nay, điện lưới vẫn là chỉ niềm mơ ước khát khao của hàng nghìn người dân nơi đây.

Cách trung tâm xã Phu Luông khoảng 7km, bản Huổi Cảnh có 36 hộ gần 200 nhân khẩu và 100% đồng bào dân tộc khơ mú sinh sống. Đời sống bà con ở đây đã từ lâu đã không biết đến ánh sáng của điện lưới quốc gia, để có nguồn điện chiếu sáng tạm thời, một số hộ dân đã lợi dụng sức nước của con suối đầu nguồn sông Mã, chế lắp tua-bin phát điện. Tuy nhiên, mùa mưa nước nhiều thì có đủ điện để thắp, nhưng đến mùa hanh khô như hiện nay thì suối nước cạn thì hoàn toàn không có điện, giải pháp tối ưu tạm thời là dùng đèn dầu và bình ắc quy.

1
Mọi sinh hoạt của người dân bản Huổi Cảnh- xã Phu Luông- huyện Điện Biên gặp nhiều khó khăn khi trời tối do không có điện thắp sáng,

 

Nhiều khi, đến bữa ăn tối nhà nào có bóng sáng phải tranh thủ ăn trước để nhường lại cho các hộ khác dùng. Đôi lúc là vậy, có khi không điện, không đèn dầu cả bản mù mịt trong đêm tối tĩnh lặng của núi rừng sâu thăm thẳm, vậy nên ban ngày họ đều cố gắng làm cho xong việc, đến khi trời nhá nhem tối nhà nào nhà ấy lại về sum họp bên ánh lửa bập bùng.

Ông Lò Văn Khụt- Trưởng bản Huổi Cảnh- xã Phu Luông- huyện Điện Biên chia sẻ : “Nói chung khó khăn lớn nhất của dân bản là về nguồn điện, đến mùa mưa tuy có điện dùng nhưng nước lũ lại cuốn trôi hết các nguồn thủy điện nhỏ do dân tự làm, còn về mùa hanh khô thì lại không có đủ sức nước để chạy điện vì do ở quá đầu nguồn lại nằm sát bên khu vực biên giới, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên xã, thế nhưng đến nay vẫn chưa có điện”

Đến thăm gia đình ông Lò Văn Chơ- Người dân bản Huổi Cảnh- xã Phu Luông- huyện Điện Biên, ông tâm sự: “Nhiều hôm vợ chồng cãi nhau, con cháu quấy khóc cũng vì không có điện. Không chỉ nhà tôi mà nhiều hộ trong bản khi nấu nướng đã chuyển bếp ra ngoài để nhìn cho rõ chứ trong nhà tối om chả thấy gì.

1
Ông Lò Văn Chơ- Người dân bản Huổi Cảnh- xã Phu Luông- huyện Điện Biên bên chiếc đèn dầu tự chế

 

Hằng năm, khi có các đoàn về khảo sát đường điện, bà con trong bản ai nấy đều nơm nớp nuôi hy vọng điện sẽ về. Lúc ấy, tôi lại mua thêm vật dụng đồ điện, để chờ có điện sẽ sử dụng, thế nhưng các vật dụng trong nhà như: tivi, đầu đĩa, nồi cơm điện mua về để lâu quá hầu hết đều hư hỏng, bụi bám thành lớp, rò rỉ không sử dụng được, thoáng nghĩ mua về chỉ để trở thành đồ chơi cho các cháu”.

UBND xã đã hỗ trợ hàng tháng cho những hộ gia đình nghèo,  mỗi hộ được 20 nghìn đồng tiền mua dầu. Không chỉ người dân sống trong bản mới gặp khó khăn về điện mà ngay cả chính quyền địa phương đôi khi cũng gặp khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền

Anh Lò Văn Biên- Chủ tịch UBND xã Phu Luông- huyện Điện Biên nói: “trên địa bàn xã hiện tại là có 10 bản, trong đó chỉ có 6 bản được sử dụng điện còn 4 bản trên tuyến Pá Chả- Huổi Cảnh- Lọng Ngua và mốc C5 hiện tại là chưa có điện. Từ việc chưa có điện đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần vật chất của người dân gặp nhiều khó khăn, xã cũng đã đề nghị với cấp trên xem xét tạo điều kiện để kéo đường điện cho 4 bản. Trước kia là cũng nghe thông tin có chương trình kéo điện từ bản Xôm lên mốc C5, nhưng đến thời điểm này thì chưa triển khai và năm vừa rồi cũng có đề án 84 của Bộ Quốc phòng đã lên khảo sát và nếu đề án này có khả thi thì trên tuyến này cũng sẽ được sử dụng điện, nhưng do đề án chưa được phê duyệt nên hiện tại các bản trên này vẫn chưa có điện”

Mặc dù hàng năm đều có các đoàn về khảo sát nhưng ngành điện trả lời vẫn chưa thể kéo điện cho bản Huổi Cảnh do dân cư thưa thớt và cần vốn lớn. Mọi hy vọng của bà con đều trông chờ vào dự án của nhà nước. Hiện nay, điện lưới cho các bản vùng cao vẫn đang là bài toán khó cần được các cấp quan tâm hỗ trợ đầu tư./.
                                                                                                                                

 

Thúy Hằng
 

.