Doanh nghiệp trốn, nợ đóng Bảo hiểm xã hội gia tăng
Tình trạng trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi an sinh xã hội của người lao động...
Tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV, vấn đề giải quyết thiếu việc làm, chế độ đóng bảo hiểm xã hội cho lao động nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.
Công nhân đang thiếu thốn đủ bề
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) lo ngại về tình trạng thiếu việc làm, việc làm không bền vững. Hàng năm, số người từ 30 đến 40 tuổi phải kết thúc hợp đồng lao động tăng mạnh, trong đó chủ yếu là lao động nữ. Theo thống kê có khoảng 600.000 đến 700.000 người/năm. Thu nhập nói chung còn thấp, một bộ phận thu nhập không đảm bảo nhu cầu của cuộc sống tối thiểu.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) |
Công nhân đang thiếu thốn đủ bề, từ nhà trọ đến thời gian nghỉ ngơi, các thiết chế văn hóa, phương tiện đi lại, tình cảm để chia sẻ bạn bè. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật vi phạm trắng trợn các quy định pháp luật về lao động, bảo hiểm, công đoàn...
Tình trạng trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng. Cả nước có 47% doanh nghiệp đóng bảo hiểm, chỉ có 24,9% người lao động được đóng bảo hiểm.
Một số chủ doanh nghiệp ứng xử thiếu văn hóa, coi thường người lao động, đưa ra định mức cao và kéo dài thời gian lao động khiến người lao động kiệt sức, ốm đau thường xuyên. Việc kiện bảo hiểm xã hội của tổ chức công đoàn đang bế tắc do bất cập của hệ thống pháp luật.
Trước những bất cập trên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ, bên cạnh quan tâm các chính sách pháp luật hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo việc làm bền vững và bảo vệ người lao động, nhất là sớm sửa quy định đảm bảo quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn đối với bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra cần đánh giá tác động và có giải pháp phù hợp giải quyết kiến nghị của người lao động về việc những lao động về hưu từ ngày 1/1/2018, nhất là lao động nữ sẽ phải chịu thiệt thòi trên dưới 10% so với những người về hưu vào năm 2017.
Các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc phối hợp với tổ chức công đoàn, chăm lo cuộc sống người lao động, như tạo quỹ đất, dành kinh phí để đảm bảo cho người lao động có điều kiện tốt hơn.
Số doanh nghiệp nợ, chiếm dụng bảo hiểm xã hội còn cao
Trên lĩnh vực lao động việc làm, hiện nay quá trình chuyển dịch lao động sang các lĩnh vực ngành nghề có giá trị cao chưa có sự chuyển biến rõ nét, đặc biệt còn có sự chênh lệch đáng kể từ tỷ lệ lao động qua đào tạo giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) |
Tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm đối với lao động trẻ có chuyên môn, kỹ thuật vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, tình trạng thất nghiệp trong đội ngũ nữ công nhân qua 35 tuổi đang có xu hướng gia tăng.
Số lượng doanh nghiệp nợ, chiếm dụng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn cao đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi an sinh xã hội của người lao động và đi ngược lại với chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Từ thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) kiến nghị Chính phủ, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường rà soát quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề, danh mục ngành nghề nhằm thống nhất mục tiêu chương trình khung giảng dạy, quy mô thời gian đào tạo, học phí trên cơ sở nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động.
Bên cạnh đó là cần có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển dạy nghề gắn với tạo việc làm, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến việc làm, tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của quốc gia.
Đặc biệt chú trọng hơn nữa công tác phối hợp liên ngành để tăng cường các biện pháp ngăn ngừa xử lý nghiêm nhằm hạn chế tối đa tình trạng chiếm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện. Tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của người lao động, nhất là lao động nữ sau tuổi 35 đang có nguy cơ bị cắt hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp.
Lao động từ 15-24 tuổi thất nghiệp đang gia tăng
Năm 2017, năng suất lao động tiếp tục được cải thiện, ước đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động, tăng 5,87% so với năm 2016. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Lao động trong khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 41%.
Đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) |
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) quan tâm đến tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đối với lao động trẻ từ 15 - 24 tuổi thất nghiệp 7,63% có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên.
Gần 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm. Đi cùng với hiện tượng cho thôi việc và chấm dứt hợp đồng lao động với lao động ở độ tuổi 35 - 40 trong những ngành nghề thông dụng.
Trước thực trạng trên, bà Trần Thị Hằng cho rằng, với quyết tâm cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng, ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong 9 tháng cũng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Do đó, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục, nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo là giải pháp cần được các bộ, ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo./.
Theo Bích Lan/VOV.VN