Người cao tuổi làm kinh tế giỏi xã Mường Luân
Điện Biên TV - Phát huy vai trò “Tuổi cao - Gương sáng”, nhiều cán bộ, hội viên người cao tuổi tại tỉnh Điện Biên đã gương mẫu tham gia lao động sản xuất và trở thành những tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Ðiển hình như ông Lò Văn Sáng (59 tuổi, ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông) đã vượt qua những khó khăn, tiên phong trong lao động sản xuất.
Nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc từ năm 1976, đến năm 1981 ông xuất ngũ về địa phương với đôi bàn tay trắng, hai vợ chông ông chỉ có một căn nhà tạm ba gian tranh tre vách nứa. Lúc bấy giờ lực lượng, tư liệu sản xuất và đồ dùng gia đình ông không có thứ gì đáng giá đến 100 ngìn đồng. Hằng năm đến mùa giáp hạt gia đình lại rơi vào cảnh khó khăn, thiếu ăn đến 2-3 tháng, có bữa no bữa đói, chủ yếu là ăn củ mài, củ sắn và sống bằng nghề hái lượm rau rừng, mò cua bắt ốc.
Ông Lò Văn Sáng - Tấm gương tiêu biểu người cao tuổi làm kinh tế giỏi của huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên. Ảnh - Ông Lò Văn Sáng tham luận báo cáo điển hình trong Hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi tỉnh Điện Biên lần thứ II năm 2017 |
Là một người Đảng viên được tôi luyện trong môi trường Quân đội, ông không cam chịu cảnh đói nghèo. Những vất vả được thay đổi bằng sự cần cù siêng năng, chịu khó lao động sản xuất, trong ông luôn ấp ủ, cháy bỏng những ước mơ làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. "Phi thương bất phú" - từ những suy nghĩ đó đã thôi thúc ông đã quyết định tìm ra hướng đi mới cho mình. Năm 1985, được Đảng và nhà nước, chính phủ quan tâm thực hiện chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trong đó gia đình ông thuộc diện hộ bộ đội xuất ngũ được ưu tiên vay vốn tính dụng với số tiền là 2,5 triệu đồng.
Sau khi vay được tiền, ông cùng vợ bàn bạc thống nhất mua một con trâu cái làm giống và có sức cầy kéo, gia đình ông mở mang thêm diện tích khai hoang trồng lúa nước trên 1 ha, trồng thêm ngô lai, giống lúa nếp hạt dài có năng suất chất lượng cao đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, xây dựng mô hình kinh tế VAC tổng hợp. Đến năm 2000 gia đình đã có 18 con trâu, 14 con bò sinh sản, 1,5 tấn lợn thịt và hàng trăm con gia cầm các loại khác. Năm 2002, gia đình ông bán ra thị trường những nông sản hàng hóa, gia súc gia cầm từ mô hình kinh tế VAC đem lại, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu được lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng.
Tích góp được đồng vốn, năm 2005 gia đình ông mua được mảnh đất ven đường quốc lộ tại Trung tâm xã Mường Luân, mở quán tạp hóa kinh doanh, bán hàng thức ăn chăn nuôi, phụ tùng máy móc nông cụ sản xuất các loại. Ông cũng đi học thêm 2 năm lớp điện dân dụng và sửa chữa đồng hồ, con trai ông đi học thêm lớp sửa chữa xe gắn máy, hai bố con sau 2 năm học nghề đã thành thạo việc thay thế phụ tùng, máy nông cụ sản xuất, sửa chữa xe gắn máy, đồng hồ, điện dân dụng cho bà con trong xã và vùng lân cận khi có nhu cầu.
Sau 10 năm kinh doanh bán hàng tạp hóa, thu nhập gia đình đã ổn định hơn trước, năm 2015 gia đình ông đầu tư một chiếc xe oto tải 3,5 tấn trị giá 450 triệu đồng để chở hàng, chở thóc ngô, thu mua nông sản của bà con dân bản chở ra thị trường Điện Biên tiêu thụ, trung bình mỗi tháng mùa khô chở được từ 20-25 chuyến hàng ra vào. Năm 2016 tổng thu nhập từ mô hình kinh tế VAC đem lại và bán hàng tạp hóa, thu mua nông sản.. trừ chi phí gia đình ông thu về lợi nhuận từ 180-190 triệu đồng, tạo cho 03 lao động có công ăn việc làm thu nhập ổn định.
Chia sẻ với phóng viên chúng tôi, ông cho biết: "Hiện nay gia đình tôi đang tiếp tục kinh doanh mở thêm quán bán bia hơi, nước giải khát phục vụ công nhân xây dựng trên thủy điện Sông Mã 2 Na Ngựu thuộc xã Phì Nhừ. Nay gia đình đã có của ăn của để, mua sắm được phương tiện như oto, xe máy, tivi, tủ lạnh, đồ dùng tiện nghi trong gia đình, hai đứa con lớn đã học xong đại học và xây dựng gia đình, hiện là cán bộ giáo viên trường THCS xã Mường Luân, ba đứa cháu nhỏ được đi học theo độ tuổi".
Là hội viên Hội Người cao tuổi xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, được xét chọn và công nhận "Tuổi cao - Gương sáng" trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo và là hộ được bầu chọn Người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp tỉnh, trong những năm qua, ông đã tìm được hướng đi đúng cho mình, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Không những vậy, ông còn giúp đỡ được 08 hộ người cao tuổi khác trong bản biết cách làm ăn thoát nghèo bằng cách tổ chức cho người cao tuổi trong bản tham quan mô hình kinh tế VAC của gia đình để các hộ khác học tập và làm theo, giúp đỡ họ bằng ngày công để họ xây dựng mô hình trang trại kinh tế VAC tổng hợp, hướng dẫn họ biết cách áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng xuất cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả cao. Ngoài việc tiên phong nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, ông luôn sống mẫu mực, trung thực, chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.
Ông cho biết, trong những năm tới bằng sự quyết tâm và kinh nghiệm, hiểu biết của mình, ông sẽ tiếp tục xây dựng trang trại mô hình kinh tế VAC kết hợp với kinh doanh mở dịch vụ ở nông thôn để nhân ra diện rộng cho hộ người cao tuổi khác học tập và làm theo, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay./.
Minh Trang