Điện Biên

Giảm thiểu nguy cơ cháy nổ từ cơ sở

Thứ Tư, 15/11/2017, 15:16 [GMT+7]

Điện Biên TV - Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 19 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản ước tính trị giá khoảng 1,26 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu các vụ cháy là do sự cố thiết bị điện và người dân không chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy

Đánh giá cho thấy, nguyên nhân chủ yếu các vụ cháy là do sự cố thiết bị điện, không chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, thắp hương thờ cúng... Ngoài sự thiếu ý thức, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy của người dân còn hạn chế thì người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, cơ sở chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, còn thiếu sự quan tâm, coi nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, các cấp đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, do nhận thức về hậu quả và tính tàn khốc của cháy rừng cũng như ý thức, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân còn chưa cao, cùng với tình hình thời tiết khắc nghiệt, khô hanh, gió lớn dẫn đến các vụ cháy rừng vẫn xảy ra tại nhiều địa phương.

1
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy Công an tỉnh Điện Biên triển khai lực lượng dập tắt vụ cháy tại Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Huyền ở thành phố Điện Biên Phủ ngày 6/7/2017


Đối với tỉnh Điện Biên, thời gian qua, tình hình cháy trên địa bàn không xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản; công tác PCCC đã được duy trì thường xuyên; hiệu quả, quản lý nhà nước về công tác PCCC đã được tăng cường.

Từ đầu năm đến nay lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã phối hợp với các sở, ban, ngành, Công an các huyện, thị, thành mở 8 chuyên đề kiểm tra liên ngành với 610 lượt kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao về cháy nổ, phát hiện 336 cơ sở thiếu sót, qua đó xử lý 15 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 12,5 triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tổ chức huấn luyện thường xuyên ngoài thao trường và huấn luyện tập trung nhằm nâng cao trình độ, kỹ thuật, chiến thuật cho cán bộ chiến sỹ, xử lý thành thạo các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu hộ cứu nạn với 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia đạt yêu cầu; lập 10 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tổ chức thực tập 7 phương án chữa cháy đạt chất lượng cao và an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia.

Đối với nhiệm vụ chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã xuất 19 lượt xe, với 165 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy 6 vụ, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, ngăn không cho cháy lớn, cháy lan khi sảy ra hỏa hoạn.

1
Lực lượng chức năng kiểm tra các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cao về cháy nổ .

 

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình thời tiết dự báo diễn biến bất thường, khô hanh; các nguy cơ xảy ra cháy nổ ở một số cơ sở như: chợ, cơ sở kinh doanh khí gas, xăng dầu; đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp.

Thời gian tới, các cấp, các ngành, nhất là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân cần quan tâm thực hiện một số vấn đề, công tác trọng tâm như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn, đặc biệt là với các khu vực đông dân cư, các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao... nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, người dân, nhất là người đứng đầu các cơ sở hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình về công tác chữa cháy; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng với các sở, ban, ngành, địa phương để đẩy mạnh hơn nữa Phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”.

Đẩy mạnh chức năng quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay các sai phạm, sơ hở, thiếu sót là nguyên nhân gây cháy lan, cháy lớn đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, các cấp, các ngành, các chủ rừng cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; gắn trách nhiệm của các chủ rừng và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng; thường xuyên làm mới, tu sửa đường băng cản lửa ở những khu vực có nguy cơ cháy cao, thường trực 24/24 giờ trong thời gian nắng nóng, khô hanh; tiến hành kiện toàn, củng cố lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng, phát huy có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ sở thường xuyên quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị các hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cải tạo, bổ sung hệ thống cấp nước chữa cháy cho các khu đô thị, khu đông dân cư nhằm bảo đảm duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; tuyên truyền, vận động nhân dân trang bị các bình bột, bình bọt chữa cháy ban đầu để bảo vệ tài sản của chính mình khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

1
Các cơ sở kinh doanh xăng dầu là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ sảy ra


Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện thường xuyên và mở các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào các cơ sở có nhiều nguy hiểm cháy nổ như: Các chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh xăng dầu, vật liệu nổ công nghiệp, nhà hàng, karaoke, khách sạn, khu dân cư tập trung... Tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy ở các đơn vị trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy.

Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn xây dựng, củng cố, huấn luyện các đội dân phòng, đội chữa cháy cơ sở bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống cháy nổ xảy ra ngay từ khi mới phát sinh. Tổ chức thường trực bảo đảm về lực lượng, phương tiện 24/24 giờ trong ngày, nhanh chóng kịp thời chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu quả khi có cháy nổ và các tình huống đột xuất xảy ra.

Nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn khắp nơi, nhất là các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu dân cư... Do vậy, chính quyền, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy.  Mỗi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy sẽ góp phần giữ gìn sự bình yên cuộc sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra./.

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.