Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả của bão số 12
Mặc dù chỉ bị ảnh hưởng bởi rìa phía Tây Bắc của cơn bão số 12 nhưng tại tỉnh Gia Lai cũng đã chịu nhiều thiệt hại.
Sau khi bão đi qua, chính quyền, ngành chức năng địa phương đang tập trung giúp dân khắc phục hậu quả.
Tại huyện Krông Pa, tiếp giáp với huyện Sơn Hòa và Sông Hinh của tỉnh Phú Yên, gió bão đã làm gần 40 căn nhà bị sập và tốc mái; hơn 500 ha mía bị ngã rạp. Cùng với đó, nước lũ cũng đã làm hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng, cuốn trôi nhiều gia súc của người dân. Chính quyền và ngành chức năng địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại và nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả.
Cùng với mưa bão, việc các thủy điện, thủy lợi xả lũ cũng làm gia tăng mức độ thiệt hại đối với sản xuất của người dân ba huyện thị phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai là Krông Pa, Kong Chro và thị xã An Khê. Tại ba huyện thị này, thống kê sơ bộ có hơn 120 căn nhà bị sập và tốc mái; hàng nghìn ha cây trồng bị đổ và ngập.
Tàn dư do bão |
Riêng tại thị xã An Khê, vùng chuyên canh rau và hoa, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy cho biết, gần như toàn bộ các điểm trồng rau và hoa công nghệ cao của thị xã đã bị thiệt hại bởi gió bão và nước lũ. Cùng với đó, các công trình giao thông cũng bị hư hại nghiêm trọng. Ước thiệt hại tại thị xã lên đến hàng chục tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng cho biết, từ chiều qua, cả hệ thống chính trị của thị xã đã được huy động để giúp dân khắc phục hậu quả của mưa bão.
Những hậu quả do bão số 12 gây ra tại tỉnh Gia Lai sẽ sớm được khắc phục. |
Đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai mưa đã giảm hẳn, nước lũ trên các sông suối cũng đã rút xuống. Với sự chung tay của chính quyền và người dân, những hậu quả do bão số 12 gây ra tại tỉnh Gia Lai sẽ sớm được khắc phục.
** Đèo Lò Xo qua tỉnh Kon Tum có nguy cơ tiếp tục sạt lở rất cao
Hiện các phương tiện đã lưu thông được qua đèo theo cả hai chiều Bắc- Nam. Tuy nhiên nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở tắc đường trên đoạn đèo này còn rất cao.
Sau nhiều giờ nỗ lực, đến 3h sáng nay (5/11), ách tắc do sạt lở đất và cây đổ ở đèo Lò Xo, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã được khắc phục.
Để khắc phục được các điểm sạt lở thông đèo Lò Xo, các lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum, gồm đơn vị quản lý đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông, cán bộ và người dân huyện Đăk Glei cùng với 4 máy xúc, máy ủi trong suốt buổi chiều và cả đêm qua đã nỗ lực dọn dẹp cây cối ngã đổ, san gạt hàng trăm m3 đất đá.
Thiếu tá Hoàng Anh Tâm, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Ngọc Hồi- Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum cho biết: “Đến 3h sáng nay (5/11), tất cả các phương tiện đã qua lại được đèo Lò Xo theo cả hai chiều từ tỉnh Kon Tum xuống và tỉnh Quảng Nam lên. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua đèo, lực lượng của Trạm được bố trí trực, tuần tra liên tục nhằm phát hiện các điểm sạt lở mới kịp thời cảnh báo cho các phương tiện”.
Theo Thiếu tá Hoàng Anh Tâm, hiện trên khu vực đèo Lò Xo vẫn đang còn mưa, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở đất đá vẫn rất cao. Vì vậy, các phương tiện nếu không quá cần thiết thì nên tạm thời dừng lưu thông qua khu vực này. Đối với các phương tiện lưu thông qua đèo cần hết sức thận trọng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.
Trước đó ngày 4/11, do ảnh hưởng của bão số 12, tại khu vực đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum có mưa lớn kèm gió mạnh khiến hàng ngàn m3 đất đá, cây cối sạt lở, ngã đổ vùi lấp nhiều điểm trên tuyến đèo này.
Ghi nhận của lực lượng chức năng địa phương cho thấy, sạt lở đã khiến một xe bồn biểm kiểm soát 43C-111.72 bị đẩy lật úp, 1 xe container gặp nạn với phần thùng gần như rơi xuống vực. Trong hàng chục điểm sạt lở, có 4 điểm nghiêm trọng nhất tại Km1409+100, Km1411+900, Km1413+ 400 và Km1415+ 800.
** Đến sáng nay (5/11), trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ngớt mưa và có nắng. Chính quyền và ngành chức năng đang khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 12, với phương châm không để dân đói và không có chỗ ở.
Tại buôn Tar, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, hầu hết nhà cửa của 44 hộ dân tộc thiểu số đã bị tàn phá, phần lớn bị tốc mái, sụp đổ hoàn toàn. Trong đống đổ nát hoang tàn, chị H’Thúy Niê đang nhặt nhạnh những gì còn sót lại sau cơn lốc, do cơn bão số 12 gây ra, kể lại sự việc: “Nhiều nhà của buôn bị sập, bay hết không còn tấm tôn nào hết”.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề ở địa phương. Trong đó 1 người chết và 5 người bị thương. Toàn tỉnh có hơn 1.300 nhà dân bị sập hoặc tốc mái, hàng trăm trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế bị thiệt hại. Hơn 7.800 ha cây trồng các loại bị gãy, đổ và ngập lụt.
Mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều tuyến giao thông, cuốn trôi một số cầu, cống, gây chia cắt nhiều khu dân cư, với hơn 2.300 hộ dân bị cô lập, 300 hộ dân phải di dời đến nơi an toàn. Gió bão và mưa lũ đã làm gãy đổ nhiều cột điện, khiến hàng chục xã ở các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Đắk Lắk bị cắt điện.
Từ hôm qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập nhiều đoàn công tác đến các vùng trọng điểm thiên tai gồm các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Pắc và Krông Bông,cùng với chính quyền địa phương và ngành chức năng chỉ đạo, giúp dân khắc phục hậu quả thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra.
Đến kiểm tra tình hình thiệt hại ở huyện Krông Bông, ông Y Giang Gry Niê Knơng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã thăm và động viên gia đình ông Y Soa Niê ở buôn Tar, xã Yang Mao bị chết do sập nhà. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện và ngành chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, không để dân đói, tạm thời bố trí chỗ ở cho dân./.
Theo Quốc Học-Công Bắc/VOV