Người nặng lòng với văn hóa dân tộc

Thứ Năm, 05/05/2022, 12:09 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa là thôn tập trung sinh sống của 100 hộ với hơn 500 nhân khẩu người Xạ Phang. Hiện nay, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì vẫn có những người con của đồng bào Xạ Phang nặng lòng, tâm huyết gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.  

Là người am hiểu và nắm giữ nhiều kỹ năng trong thêu, may trang phục truyền thống, chị Oàng Lùng Sếnh người dân tộc Xạ Phang ở thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa chia sẻ, lúc chị 12 tuổi đã được bà, được mẹ dạy may trang phục, thêu giày. Một cái áo hoàn thành phải mất hai tuần, trong đó lâu nhất vẫn là công đoạn thêu họa tiết. Khi mới tập làm, chị phải vẽ ra để thêu cho chính xác. Hiện tại, chị có thể thêu mà không cần vẽ, mọi họa tiết đều được ghi nhớ và cứ thế thêu lên.

“Trang phục của người Xạ Phang thì mọi người vẫn giữ theo phong tục là mặc hằng ngày và phân ra thành hai loại: trang phục cho thanh niên thì sặc sỡ hơn, trang phục cho người già thì màu tối hơn. Trang phục của người Xạ Phang khác với các dân tộc khác và dễ nhận biết vì có nhiều màu sắc, từ người già đến trẻ đều mặc đúng trang phục của dân tộc mình.” - chị Oàng Lùng Sếnh nói.

Nét độc đáo trên trang phục của dân tộc Xạ Phang là hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng tưởng chừng đơn giản, nhưng màu sắc lại rất rực rỡ; người Xạ Phang yêu thích những gam màu nổi bật. Qua đó, ta có thể cảm nhận được những chiếc áo của người phụ nữ nhìn rất bắt mắt; áo rực rỡ đủ màu như: vàng, xanh lơ, đỏ, xanh lá cây, hồng, trắng.

1
Không bị tác động bởi nhịp sống mới, những phụ nữ người Xạ Phang vẫn tự may quần áo, làm giày thêu để sử dụng trong đời sống thường ngày, đồng thời là cách để bảo tồn văn hóa dân tộc mình.

Tuy nhiên, ngày nay, phần thân áo được may bằng vải đơn sắc, được chị em mua ở chợ về; vải may áo có thể có hoa văn in chìm, chứ không in hoa văn to, hay họa tiết màu đậm. Bởi vậy, phần cầu kỳ và làm nên nét riêng biệt của chiếc áo chính là cổ áo và tay áo. Phần này được thêu hoàn toàn bằng tay, chiếc áo có nổi bật, có tinh tế hay không là nhờ vào tài nghệ phối màu chỉ, thêu các hoa văn, cùng những đường nét thêu tay tinh tế của người làm ra nó, cũng có thể pha thêm một chút vải màu khác để làm hàng cúc

Không chỉ biết may trang phục, chị Oàng Lùng Sếnh còn là người biết làm giày thêu giỏi. Chị đã từng mang chiếc giày thêu truyền thống của dân tộc đi quảng bá ở nhiều lơi, trong và ngoài tỉnh; đồng thời cũng là người nhiệt tình tham gia đề xuất để nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Chị Sếnh cho biết, nghề làm giày thêu được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng, không chỉ là truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người Xạ Phang. Đôi giày của người Xạ Phang do những người phụ nữ tự khâu, thêu cho các thành viên trong gia đình sử dụng và tích lũy dùng dần.
Để hoàn thiện một đôi giày thêu, người phụ nữ Xạ Phang phải mất khoảng thời gian từ 10-12 ngày. Một đôi giày thêu tốt phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp với đối tượng sử dụng để cắt và khâu đế giày, tạo hình hoa văn, thêu hoa văn trên thân giày, khâu ráp thân giày, quai giày với đế để hoàn chỉnh giày.

1
Những bé gái người Xạ Phang ngay từ nhỏ đã được truyền dạy cách thêu thùa, may trang phục, làm giày truyền thống cũng như những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Việc chế tác và thêu các họa tiết hoa văn sặc sỡ, độc đáo thể hiện sự tinh tế, bàn tay khéo léo, tư duy thẩm mỹ sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang. Mỗi đôi giày hoàn thiện đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật, trong đó ẩn chứa tình cảm, tâm tư và những ước mơ, hy vọng của người tạo ra giày; đồng thời thể hiện sự tự tin, lạc quan, luôn hướng tới những niềm vui, những điều may mắn trong cuộc sống.

Khi nói về nét văn hóa trong ẩm thực, người Xạ Phang có một món ăn đặc trưng là món “đậu tình yêu” đã gắn bó từ xa xưa. Chị Sếnh chia sẻ, để làm được món ăn này thì đậu phụ được cắt mỏng khoảng 2cm, thành hình vuông rồi cho vào rán nhỏ lửa đến khi miếng đậu có màu vàng đậm. Sau đó vớt ra để nguội và cắt đôi thành hình tam giác. Rạch miếng đậu phụ hình tam giác ở cạnh mới cắt ra, nhồi nguyên liệu đã tẩm ướp rồi cho vào nồi xếp để phần thịt nhồi hướng lên trên. Sau đó cho một chút nước xâm xấp và đun nhỏ lửa đến khi hương thơm tỏa ra, khi ấy thịt đã chín món ăn đã hoàn thành.

Món “đậu tình yêu” là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Xạ Phang, đặc biệt là cỗ cưới. Có lẽ vì vậy mà những cách giải thích về cái tên của món ăn này đều liên quan đến câu chuyện tình của một đôi trai gái người Xạ Phang hiền lành, chất phác từ thưở xa xưa. Ðây là món ăn truyền thống đã gắn bó lâu đời với người Xạ Phang.

Người Xạ Phang có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình cực kỳ mạnh mẽ. Những bé gái Xạ Phang, ngay từ nhỏ đã được những người phụ nữ trong gia đình dạy cho kỹ thuật thêu thùa, cắt may trang phục truyền thống của dân tộc mình. Điều đó lý giải tại sao những người phụ nữ Xạ Phang dù có thể không biết chữ, nhưng có thể ghi nhớ và sao chép chính xác những hoa văn của dân tộc mình như được in ra từ một bản thiết kế mặc dù sống cách xa nhau hàng chục, hàng trăm km. Và có lẽ cũng nhờ những người như chị Sếnh mà những nét văn hóa của người Xạ Phang được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bị mai một.

 

 

Tuấn Trung - Anh Tuấn/DIENBIENTV.VN
 

.