Tết Khù Sự Chà nơi cực Tây Tổ quốc
Điện Biên TV - Hằng năm cứ vào ngày Thìn hoặc ngày Dần cuối cùng của tháng cuối năm, người Hà Nhì ở các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé lại ăn Tết Khù Sự Chà hay còn gọi là Tết Cơm mới, đây là Tết Cổ truyền có không gian văn hóa đặc sắc nhất của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc.
Từ sáng sớm, khi con gà trống còn chưa cất tiếng gáy gọi bình mình, gia đình ông Khoàng Cà Chừ ở bản Tả Cố Khừ, xã Sín Thầu đã dậy chuẩn bị đồ để làm bánh trôi.
Người Hà Nhì quan niệm phải làm bánh trôi vào ngày đầu tiên của năm mới để đặt lên ban thờ gia tiên, thực hiện nghi thức cúng bái để thông báo, mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Bánh trôi được làm từ nguyên liệu bột nếp nương, có đặc tính rất dẻo và thơm. Khi làm bánh trôi, gia chủ sẽ nặn riêng ba chiếc bánh có kích thước to, tròn trịa để lúc chín sẽ đặt riêng trên một lá chuối non, rắc thêm bột vừng rang chín lên bề mặt bánh, rồi đem vào gian thờ cúng gia tiên.
Trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh trôi đem dâng cúng tổ tiên phải to hơn bánh thường, đó là thể hiện sự tri ân, thành kính, tấm lòng hiếu thuận của con cháu với các đấng sinh thành, bề trên, tiên tổ.
Sau khi kết thúc bữa ăn sáng với món bánh trôi, các gia đình sẽ tiến hành mổ lợn để lấy thịt làm mâm cỗ thực hiện các nghi thức cúng lễ và tạo nguồn thực phẩm dự trữ cho gia đình, chế biến thành các món ăn tiếp đãi khách trong những ngày Tết.
Những người phụ nữ Hà Nhì làm món bánh trôi để dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết Khù Sự Chà. |
Theo phong tục của người Hà Nhì, lợn để ăn Tết chỉ được mổ trong ngày đầu tiên là ngày thìn hoặc ngày thứ ba của Tết, tuyệt đối không được mổ vào ngày thứ hai là ngày Tỵ - kỵ với Hợi. Theo quan niệm, nếu mổ lợn vào ngày xung khắc sau này gia chủ sẽ không thể nuôi lợn được nữa.
Người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, thì sang năm sẽ phát tài phát lộc, cuộc sống no ấm, con cháu sum vầy. Nhà nào mổ con lợn to chứng tỏ năm vừa qua làm ăn tốt, mùa màng bội thu.
Bởi thế những con lợn mổ ngày Tết thường là những con lợn đã được nuôi từ 1 - 2 năm, nhiều con nặng tới hơn một tạ. Khi mổ lợn xong, chủ nhà sẽ cắt mỗi bộ phận một ít đem đi chế biến rồi sắp đặt lên mâm cỗ với các lễ vật khác để cúng bái tổ tiên. Trong những lễ vật trên mâm cúng không thể thiếu món cháo gạo nấu cùng các loại thịt trên các bộ phận của con lợn đã mổ trước đó với tỷ lệ hợp lý.
Việc thờ cúng ngày tết của dân tộc Hà Nhì cũng rất gọn nhẹ mà có ý nghĩa sâu sắc. Không hương hoa, vàng mã, bày biện như một số dân tộc khác, mâm cúng tổ tiên là các sản vật do chính bàn tay con cháu làm ra như bánh giầy, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt, cơm, thịt.
Các gia đình người Hà Nhì thường chuẩn bị một con lợn to để ăn Tết. Con lợn càng to càng cho thấy năm đó gia chủ làm ăn tốt, mùa màng bội thu |
Đặc biệt, việc cúng tổ tiên trong ngày Tết của người Hà Nhì là do phụ nữ đảm nhiệm. Nơi thờ cúng bên nội của người Hà Nhì được đặt ngay bên trên đầu giường của vợ chồng gia chủ. Nơi thờ bên ngoại được đặt ở góc bếp.
Trong mấy ngày Tết, đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp. Những người cao tuổi cùng nhau đi chúc tết các gia đình với những lời tốt đẹp và tình cảm chân thành. Con cháu dù ở đâu cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình như một nét đẹp truyền thống mà người Hà Nhì vẫn giữ được cho đến nay.
Bước sang ngày thứ 2, ngay từ sáng sơm, cả bản được đánh thức bởi tiếng vang từ những nhịp cối giã bánh dầy. Cũng như các dân tộc khác, ngày tết phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo: Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất.
Trong ngày Tết của người Hà Nhì, mọi người cùng chúc nhau năm mới khỏe mạnh, có nhiều ngô lúa, nuôi được lợn béo… Khách đến nhà, chủ nhà đón tiếp niềm nở, bày mâm cỗ đủ đầy đón khách. Không cứ người dân trong bản, kể cả người nơi khác đến với bà con trong dịp này đều được chào đón và có thể đến thăm, cùng nhau ăn uống và chúc tụng cho nhau một năm mới may mắn, mạnh khỏe.
Vào ngày thứ 3, kết thúc Tết, tức là ngày con dê, các gia đình làm một mâm lễ cúng trời đất để cảm ơn đã ban sức khỏe, phù hộ cho dân bản bình an và cầu mong năm mới mùa màng bội thu, vật nuôi đầy đàn, bản làng yên vui. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, trò chơi truyền thống vẫn tiếp diễn trên những bãi đất rộng trong bản.
Tết Khù Sự Chà là tổ hợp các lễ thức tín ngưỡng tâm linh, hoạt động văn hóa, văn nghệ và trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Giá trị nền tảng, cốt lõi được biểu đạt trong Tết là sự tri ân, tấm lòng hiếu thuận của con cháu Hà Nhì với tiên tổ. Tết Khù Sự Chà đến nay vẫn hiệu hữu trong từng nhà, bản làng và từng con người Hà Nhì nơi miền biên cương cực Tây Tổ quốc./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN