Người tâm huyết lưu truyền ngôn ngữ dân tộc Thái

Thứ Hai, 20/04/2020, 15:51 [GMT+7]

Điện Biên TV - Người Thái ở Ðiện Biên chiếm đến gần 40% dân số, nhưng rất ít người, đặc biệt là thế hệ trẻ biết đọc, biết viết chữ viết dân tộc Thái. Trước thực trạng đó, nhiều năm qua, ông Lò Văn Thâng trú tại tổ 10, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã miệt mài với hành trình thu thập, lưu giữ, biên soạn nhiều tư liệu về chữ viết Thái với mong muốn bảo tồn nét văn hóa dân tộc.

1
Ông Lò Văn Thâng trú tại tổ 10, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã miệt mài với hành trình thu thập, lưu giữ, biên soạn nhiều tư liệu về chữ viết Thái với mong muốn bảo tồn nét văn hóa dân tộc

Ông Lò Văn Thâng, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Bây giờ thì những người biết chữ Thái thì còn rất ít, nhưng ở các bản đều có cả. Họ chỉ dạy theo hướng tự phát tức là cha truyền con nối, cha dạy cho con, vì vậy giờ ta cần phải tập trung những vùng có dân tộc nào thì cần biết tiếng và chữ DT ấy. Khi Trung tâm Bảo tồn tri thức bản địa họ có hướng dẫn chúng ta phải giữ gìn chữ Thái cho người Thái thì chúng tôi cũng xác định là mình sẽ làm nhiệm vụ truyền bá lại ngôn ngữ cho con cháu mình...

Năm 2007, sau khi nghỉ hưu, ông Lò Văn Thâng bắt đầu đi khắp các bản làng đồng bào dân tộc Thái trong và ngoài tỉnh để thu thập hàng trăm tài liệu, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái, trong đó có nhiều tư liệu quý về chữ viết dân tộc Thái. Không chỉ dừng lại ở việc thu thập tài liệu, ông Thâng còn dày công tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn thành công nhiều cuốn sách phục vụ cho việc học chữ Thái.

Trong đó: nổi bật là ba cuốn sách dạy tiếng và chữ Thái các tập 1, 2 và 3 để Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên đưa vào giảng dạy trong một số trường học từ năm 2010. Bên cạnh đó, là các cuốn giáo án chuẩn dạy chữ thái Cổ và cuốn sách giáo khoa Tiếng Thái dành cho cán bộ, công chức, viên chức...

Đồng thời, ông cũng tham gia nhóm nghiên cứu biên soạn, chỉnh sửa thống nhất chữ, bộ vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm của dân tộc Thái cùng các thành viên trong câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái Ðiện Biên.

Ông Lò Văn Thâng, Phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Biên soạn thì cũng dựa theo khả năng, nhận thức của người học. Tôi cũng biên soạn theo sách giáo khoa Tiếng Việt nữa. Sau khi biên soạn xong các cuốn sách và dạy thực hành ở các xã, các trường thì tôi thấy là các cuốn sách tôi biên soan đảm bảo cho học sinh dễ học, có những các kiểu ký hiệu, chữ tương ứng nên học sinh cũng dễ so sánh và tiếp thu

1
Việc truyền dạy chữ viết không đơn thuần chỉ là học viết, học đọc mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái.

Đồng hành và ủng hộ ông Thâng trên con đường lưu trữ lại những giá trị dân tộc Thái, những lời hát, chữ viết cổ còn có vợ ông là bà Lò Thị Xôm chung niềm trăn trở với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc mình, bà đã cùng ông tham gia giảng dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ, công chức lớp tiếng Thái do Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ tỉnh, trường Cao đẳng Sư phạm mời và tích cực truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình cách đọc, viết chữ Thái cổ.

Bà Lò Thị Xôm, Vợ ông Lò Văn Thâng cgo biết: Tôi cảm thấy dân tộc mình cũng nhiều người biết chữ nhưng họ chưa truyền được cho người khác vì họ sống trong điều kiện không thuận lợi nên là ông bà tôi thì sống ở dây cũng được tổ chức quan tâm để mình có thể truyền bá lại những kiến thức mình cần lưu giữ ấy cho con cháu thì tôi cảm thấy rất là vui, cảm thấy tự hào, mặc dù đóng góp cũng ít thôi nhưng những giá trị ấy sẽ không bao giờ bị mất đi

Việc truyền dạy chữ viết không đơn thuần chỉ là học viết, học đọc mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái. Là một người con dân tộc Thái, đau đáu những trăn trở về việc giữ gìn nguồn cội văn hóa của cha ông mình, ông Lò Văn Thâng đã âm thầm  cống hiến công sức, trí tuệ của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển ngôn ngữ Thái. Qua đó, giúp người Thái tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tìm lại được những giá trị, bản sắc văn hóa mà tổ tiên họ từ bao đời gìn giữ, để lại cho hôm nay và mai sau./.

                                                                     

 

Phương Dung - Chí Công/DIENBIENTV.VN

.