"Theo bước chân người anh hùng tuổi nhỏ chí lớn Vừ A Dính"
Thứ Bảy, 11/05/2019, 17:15 [GMT+7]
Điện Biên TV - Đó là chủ đề của buổi tọa đàm "Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh" diễn ra tại Tp. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với sự tham gia của đồng chí Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính vào chiều 11/5 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính hy sinh.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm các đại biểu, các em học sinh đã được nghe về cuộc đời và đóng góp của Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính đối với cách mạnh Việt Nam; các thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam học tập và noi gương Anh hùng liệt sỹ Vừa A Dính; tuổi trẻ Việt Nam hôm nay noi gương Anh hùng liệt sỹ Vừ A Dính, sống có lý tưởng cách mạnh, đạo đức, lối sống văn hóa, tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Vừ A Dính (1934 – 1949), sinh ra trong một gia đình người Mông có truyền thống yêu nước tại bản Đề Chia, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Vừ A Dính là một cậu bé thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn, sớm giác ngộ cách mạng và căm thù giặc Pháp xâm lược.
Chưa đầy 13 tuổi, Vừ A Dính đã xung phong đi canh gác như các anh chị lớn và trở thành đội viên liên lạc của Đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Đội vũ trang của Vừ A Dính hoạt động trên một địa bàn rất rộng, từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa, vận động, giúp đỡ bà con các dân tộc ổn định cuộc sống, xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, bí mật tổ chức kháng chiến, đánh Pháp xâm lược.
Nhiệm vụ chính của Vừ A Dính là làm giao liên. Lần nào nhận nhiệm vụ đi liên lạc Dính cũng mưu trí, bảo đảm an toàn và về trước thời gian qui định. Các anh trong đơn vị hỏi tại sao Vừ A Dính luồn rừng và đi giỏi thế, Dính cười bảo: “Từ nhỏ em trèo núi, đi nhanh đã quen chân rồi”. Anh còn nhiều lần được đơn vị giao nhiệm vụ bí mật xuống bản móc nối liên lạc với cơ sở để nhận muối, mực viết, kim chỉ, giấy viết, vải mặc và thuốc men mà đồng bào xuống chợ mua giùm. Được tin mẹ và cả nhà bị địch bắt giam tại đồn Bản Chăn, anh đã đề nghị được xuống núi điều tra nắm tình hình địch và tìm hiểu tin tức về gia đình.
Trung tuần tháng 6/1949, giặc Pháp huy động tổng lực quân lính từ các đồn trong khu vực để vây ráp hòng tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo. Hôm ấy trời mù sương, Vừ A Dính vừa bí mật gặp mẹ trở về, sau lưng anh còn đeo bọc cả trăm viên đạn mà mẹ mới trao cho. Vừ A Dính bất ngờ rơi vào ổ phục kích của giặc. Chúng tra khảo anh suốt 3 ngày đêm nhưng Vừ A Dính kiên quyết không khai nửa lời.
Biết mình khó qua khỏi bàn tay tàn ác của kẻ thù, sáng hôm sau, Vừ A Dính bắt bọn giặc khiêng mình đi hết ngọn núi này sang khu rừng kia để chỉ vị trí đóng quân của bộ đội. Loanh quanh đến chiều tối, Vừ A Dính lại dẫn chúng trở về nơi xuất phát ban đầu. Biết bị lừa, tên đội Tây xả cả một băng đạn vào ngực Vừ A Dính, treo xác anh lên cây đào cổ thụ. Hôm ấy là chiều tối ngày 15-6-1949, Vừ A Dính đã anh dũng hy sinh bên gốc đào cổ thụ ở Khe Trúc gần đồn Bản Chăn, khi chưa tròn 15 tuổi.
Ngay trong năm 1951, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đã tuyên dương Vừ A Dính trong thanh thiếu niên toàn quốc. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ghi nhận Vừ A Dính là một trong những anh hùng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1952, Chính phủ đã truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba cho Vừ A Dính. Tháng 3/1999, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ra Quyết định thành lập Quỹ học bổng Vừ A Dính dành cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cả nước. Ngày 8/11/2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Vừ A Dính.
Cuộc đời người chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi của Đội vũ trang Tuần Giáo đã khép lại nhưng khí phách trung kiên bất khuất của Vừ A Dính trước quân thù vẫn mãi như ngọn đuốc rực sáng núi rừng Tây Bắc./.
Tử Long/DIENBIENTV.VN