Những bộ trang phục đẹp miền Tây Bắc

Chủ Nhật, 21/04/2019, 15:22 [GMT+7]

Điện Biên TV - Điện Biên có 19 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc lại có cách phục trang riêng. Trang phục truyền thống nam giới thường đơn giản, nhưng nữ phục lại luôn được thiết kế cầu kì từ kiểu cách đến hoa văn, trang trí. Mỗi bộ trang phục thể hiện những giá trị thẩm mĩ được lưu giữ qua hàng ngàn đời. 

Từ xa xưa con người đã biết sử dụng các vật liệu tự nhiên để làm trang phục giúp bảo vệ cơ thể. Khi xã hội phát triển, nghề dệt vải đã trở thành nghề thủ công truyền thống có vị trí quan trọng ở nhiều vùng miền, dân tộc trên đất nước ta. Điện Biên có 19 dân tộc sinh sống.

Nhiều dân tộc từng có nghề dệt vải truyền thống phát triển như: Dân tộc Thái, dân tộc Lào, dân tộc Dao, dân tộc Mông và dân tộc Hà Nhì. Đó cũng là nhóm dân tộc có trang phục truyền thống độc đáo nhất trên miền núi rừng Tây Bắc. Cùng với áo dài người Việt, những bộ trang phục của các dân tộc thiểu số Điện Biên vẫn được gìn giữ và tôn vinh.

Những năn gần đây trưng bày, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc, luôn là hoạt động không thể thiếu trong các chương trình lễ hội lớn của tỉnh và địa phương. Tại “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mường Ảng 2019”, phần trình diễn trang phục dân tộc nhận được sự quan tâm, tán thưởng của đông đảo công chúng.

Nói đến những bộ trang phục đẹp của đồng bào Điện Biên, bộ trang phục có sức cuốn hút được nhiều người biết đến nhất có lẽ là trang phục của phụ nữ dân tộc Thái. Bộ trang phục này gồm khăn piêu, áo cóm, váy đen, thắt lưng xanh và dây xà tích bạc.

1
Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái.

 

Trang phục của nhóm Thái đen và Thái trắng Điện Biên tuy có một vài chi tiết khác biệt, nhưng về kết cấu, cách trang trí, phục trang đều giống nhau. Khăn piêu thêu hoa văn rực rỡ không chỉ là vật đội đầu, mà còn là vật định tình của các cô gái Thái. Áo cóm ngắn ngang thắt lưng, được may ôm sát lấy cơ thể, làm nổi bật những đường nét duyên dáng của các cô gái Thái.

Áo cóm của phụ nữ Thái trắng thì cổ áo có hình chữ V, còn áo cóm của người Thái đen lại được may cổ tròn, cao và ôm khít. Trước đây phụ nữ Thái thường mặc váy áo màu đen, được dệt may từ sợi tơ tằm. Ngày nay áo cóm được may bằng các chất liệu khác nhau, màu sắc cũng phong phú hơn.

Hình ảnh những cô gái Thái với khăn piêu, áo cóm, váy đen, đeo thắt lưng xanh và xà tích bạc đã không ít lần đi vào thơ ca. Bộ trang phục truyền thống trang nhã, tôn lên vẻ đẹp của người con gái Thái đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Thái Tây Bắc.
 
Có nhiều nét khá gần gũi với trang phục của phụ nữ dân tộc Thái là bộ trang phục của những phụ nữ Khơ Mú. Phụ nữ Khơ Mú xưa kia không có nghề dệt. Trang phục của họ là những sản phẩm được trao đổi, mua bán và được biến tấu khéo léo tạo nên nét riêng.

Chiếc khăn piêu quen thuộc của các cô gái Thái được chị em Khơ mú quấn trên đầu theo phong cách riêng. Trên góc piêu, họ còn đính thêm chùm tua hoa rực rỡ. Phụ nữ Khơ Mú thích thêm vào chiếc piêu chùm tua màu hồng hay màu đỏ, để được nổi bật giữa đại ngàn.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ dân tộc Khơ Mú, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên trong trang phục truyền thống. ảnh KT

 

Chiếc áo cóm có cổ cao và kín được phụ nữ Khơ mú biến tấu khéo léo bằng cách xẻ sâu hơn. Hai bên hàng cúc bướm, họ đính thêm những đồng bạc sáng lấp lánh, mỗi bước đi đều phát ra âm thanh vui tai. Kết hợp với chiếc áo biến tấu độc đáo là chiếc váy dài chấm gót. Người Khơ mú thường mặc váy thêu hoa giống như người Lào. Biến tấu cho trang phục là cách để các cô gái Khơ mú khẳng định bản sắc riêng của họ.
 
Ở vùng cao Điện Biên, trang phục dân tộc Mông là bộ trang phục mang bản sắc riêng. Trang phục của phụ nữ dân tộc Mông với những mảng hoa văn thêu rực rỡ, khiến những cô gái vùng cao trở nên nổi bật như những đóa hoa trên đá.

Trang phục dân tộc Mông ở Điện Biên khá phong phú với trang phục của các ngành Mông trắng, Mông hoa và Mông đen. Mỗi bộ trang phục mang một màu sắc riêng. Trên sân khấu “Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mường Ảng” chúng ta đang gặp lại những bộ trang phục cổ truyền của nhóm Mông trắng và nhóm Mông đen.

Trang phục của người Mông xưa kia thường được dệt từ sợi lanh, một loại sợi có ý nghĩa đặc biệt về tâm linh với người dân tộc Mông. Phù hợp với khí hậu vùng núi cao quanh năm giá lạnh và cuộc sống lao động gắn với nương, rừng, bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông thường gồm: Áo xẻ ngực, váy xòe hoặc quần chân què, phía trước có tấm vải che dài xuống gần gối.

Họ cũng mang thắt lưng, xà cạp, đầu đội khăn vuông thuê hoa. Những nét hoa văn khi lượn sóng, khi nhấp nhô như trái núi, khi lại giản dị như những đóa hoa rừng trên váy áo khiến các cô gái người Mông trở nên rực rỡ, ấn tượng.
 
Người Mông có rất nhiều loại, nhưng bộ trang phục em đang mặc là của dân tộc Mông đen, bộ truyền thống không bị cách tân. Nguyên liệu may áo là vải lanh, nhuộm bằng chàm. Bộ trang sức của em là nguyên bằng bạc. Khi mình mặc bộ trang phục này mình cảm thấy tôn dáng mình lên khi mình bước lên. Em cũng là người con gái dân tộc Mông đen, nên khi em mặc bộ trang phục này lên em thấy rất tự hào.

Vẻ đẹp và sự độc đáo của các bộ trang phục, nhất là nữ phục truyền thống của các dân tộc Điện Biên, là nét văn hóa cần được gìn giữ và tôn vinh. Trưng bày, trình diễn trang phục truyền thống đã trở thành điểm nhấn đầy sức thu hút trong các lễ hội lớn của tỉnh và các địa phương như: Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, Lễ hội thành Bản phủ và ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Điện Biên, đặc biệt là Lễ hội Hoa ban diễn ra hàng năm.

1
Ở vùng cao Điện Biên, trang phục dân tộc Mông là bộ trang phục mang bản sắc riêng

 

Từ năm 2017, trang phục truyền thống các dân tộc Điện Biên được đặc biệt tôn vinh tại Cuộc thi Người đẹp hoa ban. Những bộ trang phục được những người đẹp tài năng, duyên dáng trình diễn đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm theo dõi. Ngoài các bộ trang phục như trên, đồng bào dân tộc thiểu số Điện Biên còn có một số bộ trang phục đẹp khác như: Trang phục duyên dáng của phụ nữ dân tộc Hà Nhì ; trang phục tinh tế của người Dao. Những bộ trang phục độc đáo này cùng áo dài người Việt, luôn là vẻ đẹp được tôn vinh và là niềm tự hào của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trang phục truyền thống mỗi dân tộc mang một vẻ đẹp riêng. Đó là một trong những cách để khẳng định vẻ đẹp và bản sắc của các dân tộc. Chỉ cần nhìn vào trang phục, người ta có thể đọc tên từng dân tộc. Trang phục truyền thống vì vậy gắn liền với bẳn sắc cộng đồng. Ngày nay những vẻ đẹp ấy, bản sắc riêng có ấy của cộng đồng các dân tộc Điện Biên nói riêng và các dân tộc Việt Nam nói chung, chính là nét hấp dẫn, là niềm tự hào để chúng ta khẳng định mình cùng thế giới.

                                                                             

 

Minh Giang/DIENBIENTV.VN

.