Điện Biên: Ðộc đáo "Tết té nước" của người Lào
Múa hát chào mừng lễ hội cũng là cách để truyền tải các bài hát, điệu múa của dân tộc Lào đến du khách và các thế hệ con cháu trong bản. |
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp giữa tháng Tư dương lịch hằng năm, người dân tộc Lào tại xã Na Sang, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nô nức tổ chức lễ hội té nước “Bun Py May”, hay còn gọi là “Bun Huột Nạm” để chào đón năm mới.
Nghi lễ này cầu cho mọi người may mắn, mạnh khỏe, bình an. Sợi chỉ buộc cổ tay còn mang ý nghĩa nối liền từ dòng họ này đến dòng họ kia, từ dân tộc này đến dân tộc khác… để gắn bó với nhau, không rời nhau, thương yêu nhau. Trong lễ hội này, ai càng được buộc nhiều chỉ ở cổ tay thì càng may mắn |
Tết té nước của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được xem là Tết chính của người Lào. Tết té nước diễn ra trong nhiều ngày với những hoạt động có ý nghĩa tín ngưỡng, tâm linh như cúng bản, cúng tổ tiên… nhưng vấn đề cốt lõi là cầu cho mưa thuận gió hòa với hoạt động chính là “té nước”. Té nước có ý nghĩa là để tẩy rửa những điều xui xẻo trong năm cũ. Người dân té nước cho nhau với mong muốn năm tới sẽ có những điều tốt lành. Mục đích chính của té nước là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu một vụ gieo trồng mới.
Tết té nước “Bun Huột Nặm” gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ thường bắt đầu bằng các nghi lễ cầu may mắn, cầu sức khỏe. |
Trong khuôn khổ Tết Té nước (Bun Huột Nặm) năm nay, gồm các hoạt động như: cúng bản, cúng tổ tiên… thể hiện tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân thể hiện sự biết ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn.
Sau nghi thức cúng lễ là những trò chơi dân gian truyền thống sôi nổi và hấp dẫn như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), buộc chỉ cổ tay, xưa khốp mu (hổ vồ lợn), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe)...
Sau lễ cầu mưa, tất cả mọi người xuống suối té nước vào nhau để cầu chúc sức khỏe và đằm mình trong dòng suối mát để làm thanh khiết bản thân. |
Tết té nước của người Lào tại xã Núa Ngam đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của tộc người cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là lễ hội, tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng dân tộc, mang đậm triết lý nhân sinh để lễ tạ ơn các thần linh, tổ tiên đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người mạnh khỏe, may mắn trong năm qua và cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc, cầu an đầu năm mới./.
Tử Long/DIENBIENTV.VN