Hoa ban trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái
Điện Biên TV - Từ xa xưa, Hoa Ban luôn được coi là loài hoa biểu trưng và gắn liền với đời sống vật chất cũng như văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vùng núi Tây Bắc. Trong tiềm thức của họ, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu của nàng Ban và chàng Khum khi xưa, mà nó còn gắn liền với hầu hết các phong tục, sinh hoạt tín ngưỡng, các bài hát, điệu múa và những lễ hội. Bên cạnh đó, Hoa Ban còn biết đến trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Tương truyền rằng, Hoa Ban gắn với một truyền thuyết từ rất xa xưa của đồng bào dân tộc Thái ở vùng đất Tây Bắc đó là tình yêu thắm thiết của một đôi trai gái là Nàng Ban và chàng Khum. Dù kết thúc của câu chuyện là họ không đến được với nhau song tình yêu của nàng Ban và chàng Khum đã kết tinh vào loài Hoa Ban xinh đẹp và cứ mỗi độ xuân về từ những thung lũng sâu đến những bản làng, hay nơi triền đồi của núi rừng Tây Bắc lại ngập trong sắc trắng của Hoa Ban.
Dọc các con đường trên thành phố Điện Biên Phủ những cây Hoa Ban đang nở trắng đường |
Hoa Ban bung nở cùng với những tầng mây phủ khắp núi rừng Tây Bắc một vẻ đẹp tinh khiết, lãng mạn và rất đỗi yên bình... Khi bừng nở, những cánh hoa trắng muốt ôm lấy nhụy cánh tiên phớt hồng tím, khẽ rung rinh trong gió, hương hoa chỉ khẽ thoang thoảng, phơn phớt, nhưng lưu lại rất lâu, có lẽ cũng bởi vậy mà loài hoa này không chỉ có sức quyến rũ đối với các loài lấy mật mà nó còn có sức hút mãnh liệt đối với du khách xa gần...
Vốn là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, Hoa Ban bắt đầu có nụ vào tháng 2 Âm lịch và đầu tháng 3 chính là thời điểm hoa nở rộ nhất. Cây Ban lại có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt, do đó, dù là trên đất dốc, đất cằn hay đồi trọc Ban vẫn có thể vươn mình sinh sôi phát triển.
Trong tiếng Thái, Ban có nghĩa là ngọt và trong tiềm thức của người đồng bào dân tộc Thái, Hoa Ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu của nàng Ban và chàng Khum khi xưa, mà nó còn gắn liền với hầu hết phong tục, những sinh hoạt tín ngưỡng, hay các điệu múa, bài hát, lễ hội... của họ.
Và cũng bởi Hoa Ban là kết tinh của tình yêu đôi lứa do đó người dân tộc Thái quan niệm những món ăn chế biến từ Hoa Ban cũng chính là mạch nguồn nuôi dưỡng để giúp cho nòi giống của người Thái sinh sôi, phát triển và cũng mong cho tình yêu sau này của con cháu họ được bền chặt, không bị ngăn cản, gặp trắc trở, đôi lứa yêu nhau sẽ được ở bên nhau. Không chỉ đi sâu trong tiềm thức, đời sống, phong tục, tín ngưỡng... mà Hoa Ban còn góp phần làm nên nét đặc sắc cho nền văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái Điện Biên.
Hoa Ban vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng Tây Bắc |
Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái thì lá Ban giúp mau lành vết thương, Hoa Ban ăn đẹp da. Không chỉ hoa và ngọn Ban có tác dụng bồi bổ sức khỏe, mà thân, vỏ của loài cây này khi phơi khô, sắc uống có thể chữa trị được các bệnh liên quan đến đường ruột. Hơn thế, sau khi ra hoa, kết quả, hạt của loại quả này còn có tác dụng giải nhiệt như một loại trà uống hàng ngày, nếu luộc hoặc nướng hạt Ban để sử dụng còn giúp tăng cường trí nhớ.
Và dưới bàn tay của các bà, các chị, Hoa Ban trở thành một loại thực phẩm vừa giản dị, vừa dân dã mà không kém phần độc đáo. Đặc biệt là hoa và ngọn của cây Ban có thể dùng để để chế biến rất nhiều món ăn, với đặc trưng là mùi thơm dịu nhẹ, vị ngọt xen lẫn vị chát, có tính âm - dương hài hòa.
Và trong rất nhiều món ăn được chế biến từ loài hoa này, đầu tiên có lẽ phải kể đến món nộm Hoa Ban với măng đắng. Nghe tên cũng đủ thấy nguyên liệu và cách chế biến món ăn này, tuy nhiên, để có được món nộm Hoa ban măng đắng thơm ngon, hấp dẫn, ngoài sự khéo léo từ đôi bàn tay của người chế biến thì khâu chọn nguyên liệu cũng hết sức quan trọng.
Hoa Ban được chọn để làm nộm phải là loại hoa đã nở rộ, mới hái và còn tươi, không bị dập nát. Còn măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng đắng. Sau khi đã chọn lựa, loại bỏ những cậng hoa cứng và phần gốc măng thì đem các nguyên liệu này rửa sạch.
Ở phần chế biến, nếu măng phải luộc trong thời gian từ 30-45 phút tùy theo cây măng to hay nhỏ thì Hoa Ban chỉ cần luộc từ 5-7 phút là chín. Tiếp đó măng đắng cần vớt ra để ráo, rồi tước nhỏ, còn Hoa ban sau khi luộc xong thì để nguội và phải vắt cho bớt nước chát.
Ban có hai loại là Ban trắng và Ban đỏ, ban nào cũng có thể dùng để chế biến món ăn. Ngoài món nộm Hoa Ban với măng đắng thì đồng bào dân tộc Thái Điện Biên còn có rất nhiều các món ăn khác được chế biến từ Hoa Ban. Đơn giản nhất phải kể đến món Hoa Ban luộc chấm với nước quả nhót chín hoặc nước măng chua, hay chẩm chéo đều rất ngon và lạ miệng.
Bên cạnh đó Hoa Ban còn được hầm với xương, móng giò, hầm gà, hầm cá, hay Hoa ban xào thịt, gan, hoa ban đồ, nộm với hoa riềng rừng, rau rớn, trộn vừng... Cũng bởi Hoa Ban chỉ ra vào một mùa duy nhất trong năm nên thậm chí để có nguyên liệu này sử dụng quanh năm cho các món ăn, đồng bào dân tộc Thái còn đem Hoa Ban phơi khô để cất trữ được lâu hơn.
Hoa Ban nộm, món ăn ưa thích của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc |
Và dù là một đĩa Hoa Ban nộm, Hoa Ban luộc hay bát canh hoa Ban hầm xương thì mùi vị cùng đều thật đặc biệt, thôi thúc từ hoa, từ lá, từ một loại cây rừng mà có lẽ bất kỳ du khách nào lần đầu tiên đặt chân tới mảnh đất Điện Biên đều nghĩ đây chỉ là loài hoa góp phần làm cho cảnh sắc thêm lung linh và đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Tuy nhiên, nếu món Hoa Ban nộm măng đắng tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, từ vị bùi bùi, ngầy ngậy, pha lẫn vị chát nhẹ của Hoa Ban và vị đăng đắng của măng tươi sóng sánh trong bát canh hoa ban, cánh hoa mềm nhừ xen lẫn vị ngọt của xương hầm, thì thực khách thưởng thức mới có thể cảm nhận được mùi vị đặc trưng của nó.
Có thể nói, sinh hoạt đời sống và văn hóa tâm linh gắn với Hoa Ban là nội lực tiềm tàng của người dân tộc Thái và hiện nay, tỉnh Điện Biên đã nâng tầm ý nghĩa của loài hoa này thông qua việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban thường niên, nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc của địa phương; gắn việc bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tôn vinh, quảng bá hình ảnh Hoa Ban và đưa hình tượng loài hoa trong truyền thuyết này trở thành biểu trưng cho vẻ đẹp, cho sức sống của mảnh đất và con người Điện Biên.
Và có lẽ không chỉ có người đồng bào dân tộc Thái yêu Hoa Ban, tôn sùng loài hoa trong truyền thuyết, mà những ai đã đi qua, đã đến, đã ở, đã từng gắn bó với mảnh đất Điện Biên và những người yêu nghệ thuật trên khắp mọi miền Tổ quốc dù một lần được thưởng thức đều say mê Hoa Ban như trong những áng văn của Nguyễn Tuân thế kỷ trước hay "Hoa Ban nở thành người con gái Thái" trong câu thơ "Gửi Lai Châu" của Trần Mạnh Hảo, những câu hát trắng rừng hoa Ban trong "Phiên chợ ngày xuân", "Về miền hoa Ban" hay "Thơ tình của núi" của các nhà văn, nhà thơ và nhạc sỹ nổi tiếng...
Hơn thế, giờ đây, những người yêu Hoa Ban mỗi khi có dịp đến Tây Bắc vào mùa xuân không chỉ có dịp chiêm ngưỡng và khám phá sắc màu Tây Bắc với những con đường quanh co uốn lượn, những bản làng, thung lũng ngập trong sắc trắng của Hoa Ban mà sẽ còn có cơ hội được thưởng thức những món ăn ngon, bình dị, dân giã và không kém phần ngon miệng, hấp dẫn được chế biến từ những bông Hoa Ban trong sắc trắng tinh khôi - loài hoa trong truyền thuyết để thêm đắm say trong rực rỡ mùa ban về nơi núi rừng Tây Bắc xa xôi./.
Lý Như Quỳnh/DIENBIENTV.VN