Ngày xuân trải nghiệm Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ
Điện Biên TV - Mùa xuân là mùa của rất nhiều lễ hội, từ đồng bằng đến miền núi, từ vùng thấp đến vùng cao. Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, lễ hội đầu xuân càng mang nhiều ý nghĩa hơn bởi đây không chỉ là thời gian bà con nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn là thời khắc quan trọng để bà con cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Trong khí rộn ràng đầu năm mới, đồng bào Dao ở bản Huổi Sâu thường tổ chức nhiều lễ hội, trong đó phải kể đến Lễ nhảy lửa, một lễ hội đặc sắc, tái hiện hiện không gian văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Dao. Các nghi lễ trong Lễ nhảy lửa mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh với ý nghĩa cầu thần linh ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống yên bình, mọi sự an lành và may mắn. Các nghi lễ như nhắc nhở con cháu người Dao tiếp nối và giữ gìn các phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình
Công tác chuẩn bị cho Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ |
Ngay từ sáng sớm ngày mùng 1 đầu Xuân, khi con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên cũng là lúc các ngôi nhà trong bản sáng đèn. Phụ nữ tất bật giúp nhau diện trang phục truyền thống, còn đàn ông trong nhà có nhiệm vụ chuẩn bị đồ cúng mang đến lễ. Trong phần nghi lễ của người Dao đỏ nơi đây, thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, một con lợn to, 10 con gà, vải mộc màu trắng, tiền làm bằng giấy bản, các loại nhạc cụ.v.v.. Một hoặc nhiều thầy cúng có thể tham dự buổi lễ. Mỗi người có những nhiệm vụ riêng của mình trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ, bao gồm nhiều nghi thức và kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Trước kia, Lễ nhảy lửa mang tính chất trong dòng họ nên chỉ diễn ra tại nhà trưởng họ. Song ngày nay đã được mở rộng, mang tính cố kết cộng đồng hơn nên bà con thường lựa chọn địa điểm tổ chức tại nhà thầy cúng hoặc một nơi trung tâm của bản để mọi người cùng chung vui. Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, dưới sự chủ trì của thầy cúng chính, người cúng phụ sẽ bày mâm lễ dưới bàn thờ tổ tiên.
Giờ tốt đến, thầy cúng chính thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, mâm lễ rồi cầm quẻ âm dương gõ vào nhau và bắt đầu khấn mời các vị thần. Khấn xong đủ 3 lượt, thầy cúng gieo quẻ âm dương xuống đất để biết các vị Thần Lửa, Bàn Vương, Thượng Đế, tổ tiên đã về với dân làng hay chưa. Sau đó tiếp tục khấn để thông báo nội dung nghi lễ mời các vị thần linh và đốt các tập giấy dó biểu trưng việc biếu vàng bạc với các vị thần linh.
Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Số người tham gia lễ nhảy lửa phải là số chẵn và phải từ 4 người trở lên. Bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, muôn nhà khoẻ mạnh và xua đuổi tà ma. Một đống than củi to được soạn sẵn, phải là loại than hồng, đang bùng cháy ở giai đoạn rực rỡ nhất và chỉ những chàng trai được chọn nhảy lửa mới được ngồi “hầu lễ” từ đầu, để được các thầy cúng “phù phép”.
Khi thầy cúng gõ đàn và làm nghi lễ, những thanh niên tham gia nhảy lửa sẽ ngồi quanh thầy cúng và đây cũng chính là thời điểm quyết định những thanh niên này có tham gia nhảy lửa được hay không. Khi thầy cúng bắt đầu đọc tên của tất cả những người tham gia nhảy lửa, cơ thể của họ bắt đầu rung lên, thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh và sự dũng cảm của thần linh ban cho để có thể nhảy vào những đám lửa đang độ nóng nhất. Được thần lửa đồng ý, các chàng trai như bị cuốn hút, lắc lư rất mạnh. Lúc này các chàng trai với đôi chân trần, trong lúc thăng hoa xuất thần, họ nhảy bật lên, cả hai chân lao vào đống lửa, đạp bới.
Bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu cho cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, muôn nhà khoẻ mạnh và xua đuổi tà ma |
Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3 - 4 phút, sau đó tiếp tục nhảy lò cò về làm lễ tại bàn thờ trước khi trở lại bình thường. Lễ hội nhảy lửa độc đáo cũng có lẽ bởi tính kỳ bí của nó. Những thanh niên đã nhảy lửa luôn cho rằng sau khi “hầu lễ”, họ như được thế lực siêu nhiên truyền sức mạnh và dẫn lối. Họ khẳng định rằng trong suốt quá trình họ vẫn tỉnh táo và nhận thức được mọi vấn đề. Họ nhảy bằng chân trần trên than hồng nhưng không bị bỏng, họ coi đó là cánh cửa chạm đến thần linh. Cứ như vậy, người nọ nối tiếp người kia cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại.
Nghi thức nhảy lửa kết thúc sẽ đến nghi thức trình diễn các điệu múa. Hai thầy cúng, một là chủ đám, một ông múa sẽ xuất hiện xuyên suốt trong các nghi thức này. Khởi đầu điệu múa phụ “Tam nguyên an ham”, ông thầy múa đi trước đám thanh niên từ 8 đến 10 người, mọi người cầm cờ, tung cờ, phất cờ, múa những động tác khỏe mạnh, tượng trưng cho sức mạnh của âm binh. Khi đến điệu múa chính “Nhìang Chầm đao”, người tham gia đều đeo dao ở thắt lưng, cầm dao trên tay, múa với nhịp khỏe, mang tính chiến đấu trên nền nhạc trống, chiêng, chọe, chuông.
Đặc biệt, người Dao còn có điệu múa bắt ba ba, trước khi múa mọi người phải có lễ vật, lập đàn cúng, sau đó ông thầy múa dẫn đầu tốp nam theo tiết tấu của trống phách, chiêng, chuông, chọe đi vòng quanh đàn cúng thực hiện nghi lễ, đoàn người theo cùng nhảy múa diễn tả các động tác săn tìm, giết mổ và chế biến thịt ba ba thành món ăn dâng cúng lên các thần linh, gia tiên.
Điệu múa gà được nối tiếp sau đó với sự tham gia của 8 đến 10 người, mỗi người cầm một con gà trống, múa quanh cây cột dựng sẵn giữa sân. Sau một vòng múa, từng người cầm con gà sẽ cắt tiết gà vào những chiếc bát đặt quanh chân cột nhằm thể hiện sức mạnh, đồng thời xua đuổi ma tà. Lúc này, người phụ cúng mang một cái mẹt để cạnh cột giữa sân và đổ gạo vào đó cho những người vừa tham gia múa gà lao vào, thể sự việc ban thưởng sau khi chiến thắng tà ma, quỷ dữ.
Buổi Lễ nhảy lửa kết thúc cũng là khi những tia sáng đầu tiên của mặt trời bắt đầu lấp ló sau đỉnh núi phía xa, thầy cúng chính ra sân thổi “Tù” rồi khấn Ngọc Hoàng, Thượng đế; thực hiện các nghi lễ chiêu binh, thu thánh tướng, âm binh vào một thanh kiếm hoặc con dao găm đặt lên mu bàn chân rồi hất mạnh lên bàn thờ tổ tiên và cúng đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các tổ tiên, các vị thần thánh trở về cõi tiên.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên có hơn 6.000 người dân tộc Dao, chiếm hơn 1% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Tủa Chùa, thuộc các ngành Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao khâu. Riêng bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ có gần 100 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ với hơn 430 nhân khẩu, thuộc các họ chính như: Tẩn, Chảo, Phàn, Phùng sinh sống cùng nhau. Trong đó họ Chảo là người Dao bản địa; các họ Tẩn, Phàn, Phùng di cư từ Lai Châu và Lào Cai đến.
Người Dao ở tỉnh ta nói chung và bản Huổi Sâu nói riêng có đời sống gắn bó với núi rừng. Họ thờ cúng các vị thần để bảo hộ cho cuộc sống, mùa màng, để xua đuổi cái xấu cái ác, đem lại may mắn cho gia đình, làng bản. Vì vậy, họ thường mời các thầy cúng về làm lễ nhảy lửa vào đầu năm mới.
Lễ nhảy lửa đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, huyện Nậm Pồ tỉnh Điện Biên |
Đây là một hoạt động tín ngưỡng độc đáo mang bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Dao đỏ, dù còn mang màu sắc tâm linh huyền bí nhưng nó minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động để chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt. Đồng thời nghi lễ nhảy lửa diễn ra vào dịp đầu xuân giúp cộng đồng người Dao đỏ ở bản Huổi Sâu thêm gắn kết, đùm bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Ông Chảo Ú Loàng, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ cho biết: Dân tộc Dao ở đây thực hiện Lễ nhảy lửa theo điều kiện của từng dòng họ. Lí do để họ tổ chức nếu dòng họ làm ăn không tốt, con cháu học hành kém, ngoài ra lễ nhảy lửa cũng để các dòng họ cầu bình an, may mắn. Về phía UBND xã thì chúng tôi cũng luôn khuyến khích và tạo điều kiện để bà con duy trì phong tục này.
Lễ nhảy lửa đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Dao đỏ ở bản Huổi Sâu, huyện Nậm Pồ. Không chỉ có ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong dịp Tết đến Xuân về, Lễ nhảy lửa được xem là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo, giàu bản sắc và mang đậm tính nhân văn góp phần làm cho sắc màu văn hóa các dân tộc Điện Biên thêm đa dạng phong phú./.
Hoàng Hảo/DIENBIENTV.VN