Biến đổi kiến trúc nhà ở truyền thống của người Mông Điện Biên
Điện Biên TV - Sống trên những vùng núi cao bên thiên nhiên hoang dã với điều kiện sống khó khăn, khắc nghiệt, người Mông vẫn luôn tìm cho mình cách thích nghi. Để thích nghi với điều kiện sống không ngừng biến đổi, theo thời gian những nếp nhà của người Mông ở Điện Biên cũng có nhiều thay đổi. Mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi đến với các bản Mông nơi rẻo cao, để thấy những nét đặc trưng cùng sự biến đổi trong kiến trúc nhà ở truyền thống của người Mông Điện Biên trong khoảng hai thập niên gần đây.
Người Mông cư trú từ lâu đời trên các vùng núi cao Điện Biên với số dân khoảng 180.000 người. Vốn sống đời sống tự cung, tự cấp, trồng trọt, chăn nuôi phụ thuộc vào tự nhiên, họ luôn phải tìm cách thích nghi với điều kiện thiên nhiên vùng cao khắc nghiệt.
Khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng không có cách bù đắp, tái tạo, họ cũng phải đối mặt với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên trên vùng sinh sống. Một số nét văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Mông cũng đã bị tác động bởi những biến đổi này. Sự biến đổi kiến trúc nhà truyền thống của người Mông vùng cao Điện Biên là một ví dụ rất cụ thể.
Nhà người Mông thường là nhà trệt, mái thấp, thưng ván bằng gỗ và mái gỗ |
Sống ở vùng xa xôi, nơi có những cánh rừng già rộng lớn, người Mông thường khai thác gỗ rừng tự nhiên để làm nhà. Nhà người Mông thường là nhà trệt, mái thấp, thưng ván bằng gỗ và mái gỗ. Những căn nhà này cũng rất ít khi có cửa sổ và chỉ có hai cửa chính, một cửa trước và một cửa bên hông nhà, gần khu vực bếp nấu dành cho phụ nữ. Cách kiến trúc nhà như vậy giúp đồng bào Mông tránh được gió lớn và không khí giá lạnh trên vùng núi cao.
Nhà gỗ pơ mu là kiểu nhà gỗ truyền thống độc đáo và là niềm tự hào của người Mông. Những ngôi nhà gỗ pơ mu hoành tráng nhất thường được người Mông Điện Biên nhắc đến là ngôi nhà cổ 5 gian có tuổi thọ hàng trăm năm ở xã Tả Phìn huyện Tủa Chùa. Ngôi nhà thứ hai cũng hoành tráng không kém là ngôi nhà gỗ của gia đình ông Lý A Phảng ở bản Chan 3 – xã Ngối Cáy – huyện Mường Ảng.
Căn nhà của gia đình ông Lý A Phảng, Bản Chan 3 – xã Ngối Cáy huyện Mường Ảng dựng hoàn thiện năm 2007. Nhà dài 21m, rộng 7m, không chỉ có cột, kèo, thưng, ván là gỗ pơ mu, ngôi nhà còn có mái cũng lợp bằng pơ mu. Người Mông đặc biệt thích dựng nhà bằng gỗ pơ mu, bởi đây là loại gỗ có chứa tinh dầu, vừa có mùi thơm lại có độ bền cao.
Để có được căn nhà gỗ pơ mu đẹp, không bị mối mọt, nắng mưa đe dọa như thế này, cần sử dụng những cây pơ mu lớn có độ tuổi hàng trăm năm. Loại gỗ pơ mu tốt như vậy chỉ có thể tìm thấy ở những cánh rừng già trên núi cao. Cây pơ mu thường mọc ở vùng núi có độ cao từ 1.000 đến 1.500m, nơi quanh năm có mây mù và không khí mát mẻ. Để khai thác được những cây gỗ lớn trên núi cao, phải mất rất nhiều công.
Căn nhà của gia đình ông Lý A Phảng, Bản Chan 3 – xã Ngối Cáy huyện Mường Ảng dựng hoàn thiện năm 2007 |
Trước đây ở vùng này có rất nhiều pơ mu. Nhưng để khai thác gỗ cũng phải đi xa, đến các đỉnh cao và khe sâu. Nhà mình phải nhờ nhiều anh em đi vận chuyển gỗ về. Chỉ riêng vận chuyển gỗ làm ngói đã phải mất 3 tháng mới chuyển về đến nhà, chưa kể công lấy gỗ, dựng nhà. Lúc làm nhà gia đình tôi có 4 cặp vợ chồng với 21 người sinh sống trong căn nhà này. Nhà gỗ pơ mu vừa thơm, nắng không nóng mà mưa cũng không dột, rất thích.
Cách đây khoảng 10 đến 15 năm về trước, các gia đình người Mông Điện Biên sống theo mô hình phổ biến là mô hình gia đình nhiều thế hệ ở chung một nhà. Vì vậy họ thường dựng những ngôi nhà 5 gian lòng dài và rộng, trong nhà có nhiều phòng ngủ. Trong căn nhà gỗ 5 gian này, ngoài không gian chung cho cả gia đình còn có 4 phòng nhỏ, vách được ghép bằng gỗ. Góc nhà kê một tấm phản gỗ khá lớn.
Trên vách treo những chiếc bàn gỗ dùng làm mâm trong các bữa cơm. Phía trên là gác chứa đồ dùng gia đình hoặc lương thực. Sàn gác này được làm khá đơn giản bằng cách gác các tấm gỗ dài, rộng qua các kèo, xà. Hầu hết gỗ dùng trong nhà đều là gỗ pơ mu. Một căn nhà rộng lớn như thế này rất phù hợp với mô hình gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống.
Gỗ pơ mu chứa nhiều dầu nên ít bị cong vênh, nứt nẻ và khó thấm nước, đây chính là loại tấm lợp bền lâu cho căn nhà trăm tuổi |
Đặc biệt nhất của ngôi nhà gỗ pơ mu là những tấm lợp gỗ. Gỗ pơ mu chứa nhiều dầu nên ít bị cong vênh, nứt nẻ và khó thấm nước, đây chính là loại tấm lợp bền lâu cho căn nhà trăm tuổi. Cũng chỉ gỗ pơ mu mới có thể dùng để lợp nhà. Ngay cả gian bếp nằm ở một đầu nhà, nơi thường xuyên đun nấu phục vụ cả gia đình người ta cũng dùng ngói pơ mu để lợp.
Những tấm lợp pơ mu được đục lỗ ở hai đầu và được cố kết với dui, mè bằng dây thép. Để tránh gió lốc trên vùng núi cao, mái nhà pơ mu cũng được chăng phủ một lớp lưới tự đan bằng dây thép 5 ly. Tuy nhiên để có được mái nhà gỗ có độ bền cao, quan trọng nhất là phải xử lí các tấm gỗ pơ mu đúng cách trước khi đem lợp.
Gỗ pơ mu để lợp nhà không thể xẻ như bình thường mà phải cắt ngắn 1m, rộng 50 phân, sau đó dùng búa bổ dọc thớ. Nếu không làm như vậy thì mưa ngấm gỗ sẽ nở ra, mà nắng nước bốc hơi gỗ sẽ có lại, mái chỉ được ít năm sẽ hỏng. Còn bổ dọc theo thớ gỗ như vậy, gỗ không bị dãn nở, tấm gỗ sẽ bền lâu. Khoảng một hai chục năm mái có rêu, chỉ cần cạo cây rêu đi thì mái này có thể bền tới cả trăm năm.
Cách đây khoảng 10 đến 15 năm về trước vùng núi quanh bản Chan 3 còn khá nhiều cây pơ mu lớn. Người Mông quanh vùng có thể khai thác được gỗ pơ mu để làm nhà và các đồ dùng cần thiết. Tuy nhiên do bị khai thác cạn kiệt, giờ đây trên những cánh rừng này chỉ có một số cây pơ mu non còn sót lại. Không thể tìm được gỗ pơ mu để dựng nhà cũng như làm ngói lợp, người Mông phải tìm các vật liệu khác cho căn nhà của mình.
Đặc biệt nhất của ngôi nhà gỗ pơ mu là những tấm lợp gỗ. |
Bản Chan 2 xã Mường Đăng có trên 60 nóc nhà. Những căn nhà trệt lợp ngói rêu phong nằm xen lẫn với những mái nhà lợp pro xi măng và lợp tôn ở bản làng người Mông, tạo cho bất cứ ai đến đây một cảm giác lạ lùng. Đó chính là những biến đổi đầu tiên trong kiến trúc nhà người Mông vùng cao Điện Biên khi rừng già dần cạn kiệt.
Trước kia núi nhiều cây cỏ gianh người dân ở đây làm nhà lợp mái gianh, nhưng mái gianh không bền hàng năm đều phải thay nên người ta dùng gỗ pơ mu để lợp. Gỗ pơ mu thì bền lâu nhưng gỗ pơ mu đã được khai thác hết với rừng cháy thì bị cháy hết, không còn pơ mu nữa nên người ta phải lợp bằng ngói, bằng tấm pro xi măng và tấm tôn. Lợp pro xi măng và lợp tôn mất ít công hơn lợp ngói vì không phải chẻ nhiều thanh gỗ làm mái.
Đến với các khu vực bản làng người Mông vùng cao Điện Biên ngày nay, điều mà chúng ta thấy rõ là vùng sinh sống của họ đang biến đổi từng ngày. Dân số ngày càng gia tăng, người Mông cần thêm nhiều nương rẫy để sản xuất lương thực, vì vậy không ít vạt rừng đã biến mất, thay thế vào đó là những mảng núi khô cằn. Không thể tìm được gỗ pơ mu để lợp nhà như xưa, họ phải mua ngói từ vùng thấp mang lên núi.
Thay cho gỗ pơ mu người ta dùng các loại gỗ cứng như: dổi, dẻ, cây thồ lộ cho căn nhà truyền thống. Nhà gỗ mái ngói của người Mông về hình dáng, độ cao cũng như cấu trúc, không khác nhà gỗ pơ mu nhiều. Tuy nhiên thay vào việc dùng cả thân cây gỗ làm cột và khung nhà, người ta đã xẻ chúng thành những cột vuông nhỏ hơn.
Với nhà lợp ngói, phần mái nhà có hệ thống dui, mè được làm dày hơn để có thể đỡ những hàng ngói nhỏ. Ngoài ngói, gần đây đồng bào Mông cũng sử dụng tấm lợp pro xi măng hoặc tấm lợp tôn. Đây đều là các loại vật liệu người Mông không tự sản xuất được ở vùng cao, họ phải mua từ vùng thấp mang lên, rất khó khăn trong quá trình vận chuyển.
Biến đổi rõ nhất trong kiến trúc nhà ở của đồng bào Mông hiện nay là quy mô nhà ở. Do mô hình gia đình người Mông có nhiều thay đổi, từ kiểu gia đình truyền thống nhiều thế hệ sang kiểu gia đình hạt nhân, nên quy mô nhà ở của đồng bào Mông cũng có sự thay đổi phù hợp với mô hình gia đình hiện nay. Gia đình người Mông trước đây là kiểu gia đình nhiều thế hệ, anh em, con cháu cùng chung sống trong một mái nhà.
Những gia đình đông thành viên có thể có tới trên hai chục người. Kiểu gia đình như vậy cần có nơi ở rộng rãi với những căn nhà diện tích từ 200m2 trở lên, chưa kể vườn rau, sân phơi, chuồng trại. Gia đình lớn cũng cần nhiều nương rẫy để gieo trồng lương thực và chăn nuôi. Nhu cầu khai thác tự nhiên như gỗ, củi, thực phẩm tươi sống của họ cũng nhiều.
Kiến trúc nhà ở là một trong những giá trị truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Mông ở Điện Biên |
Tuy nhiên dân số ngày càng gia tăng, đất đai hạn hẹp, rừng bị khai thác cạn kiệt, mô hình gia đình truyền thống của người Mông không còn phù hợp. Gia đình truyền thống nhiều thế hệ vì vậy bị tách nhỏ. Hiện nay phần lớn người trẻ sau khi lập gia đình đều tách ra ở riêng, chỉ có con trưởng ở chung với bố mẹ. Nhà ở truyền thống của họ vì vậy cũng có sự thay đổi về quy mô. Nhà ở của người Mông hiện nay thường là nhà ba gian, diện tích nhà ở chỉ khoảng từ 100 đến 150 m2, chưa kể vườn tược và công trình phụ. Số phòng ngủ trong nhà cũng ít hơn.
Kiến trúc nhà ở là một trong những giá trị truyền thống độc đáo của cộng đồng dân tộc Mông. Tuy nhiên vùng sinh sống có nhiều thay đổi đã tác động không nhỏ, làm thay đổi không gian kiến trúc truyền thống này. Điều chúng ta thấy khá rõ ràng là sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên đang làm cho những giá trị truyền thống của cộng đồng người Mông bị biến đổi. Vì vậy nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng đồng bào Mông, rất cần chú ý đến việc phục hồi và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trên những vùng đất này./.
Minh Giang/DIENBIENTV.VN