Cơm lam ngũ sắc - Món ăn cầu kỳ, sáng tạo và thơm ngon
Điện Biên TV - Trước kia, cơm lam vốn là món ăn thường được mang theo trong những chuyến đi rừng dài ngày của đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên, hiện nay theo sự biến đổi của thời gian và để phù hợp hơn với phong vị ẩm thực đòi hỏi không chỉ ngon miệng mà còn đảm bảo tiêu chí thẩm mĩ, những người phụ nữ Điện Biên còn sáng tạo ra món cơm lam ngũ sắc và sẽ thật là đáng tiếc nếu du khách có dịp đến Điện Biên song lại bỏ lỡ việc thưởng thức món cơm lam đầy cầu kỳ và hấp dẫn này.
Sau khi nghỉ hưu và rời xa bục giảng, tình yêu ẩm thực kết hợp với tài nấu nướng khéo léo, tài tình cùng niềm đam mê chế biến những món ăn truyền thống của vùng đất Điện Biên chính là những yếu tố để bà Hoàng Thị Minh Tính, ở tổ 14, phường Nam Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ lựa chọn cho mình một công việc mới mẻ đó là chế biến và kinh doanh online các món ăn dân tộc. Bà Tính chia sẻ, công việc này không chỉ mang lại niềm vui, sự khuây khỏa cho bản thân mà còn giúp bà vừa tạo mối giao lưu xã hội lại có thêm thu nhập hàng tháng.
Để chế biến cơm lam được thơm, dẻo thì cần phải chọn nguyên liệu là loại gạo nếp nương |
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở tình yêu và niềm đam mê bất tận với những món ăn truyền thống mà từ nền tảng đó, bà Hoàng Thị Minh Tính còn sáng tạo và biến tấu rất nhiều công thức để giúp các món ăn thêm mới mẻ, phù hợp với phong vị ẩm thực hiện nay và một trong những món ăn do bà Tính chế biến được nhiều khách hàng ưa thích đó chính là món cơm lam ngũ sắc.
Ngày xưa, cơm lam vốn là món ăn mang theo lên nương hoặc trong những chuyến đi rừng dài ngày của đồng bào dân tộc Thái. Cơm lam đơn giản chỉ là cách gọi quen thuộc của đồng bào với cách nấu cơm bằng ống tre vô cùng đơn giản. Đó là họ chỉ việc mang theo ít gạo, lấy nước suối và nhặt củi khô, rồi tìm chặt lấy ống tre gai, rửa sạch lòng ống và bỏ gạo vào sau đó dùng lá dong nút miệng ống lại, đốt lên cho đến khi cơm trong ống chín là được.
Ngoài việc cầu kỳ trong chọn nguyên liệu từ gạo nếp cùng các loại lá, hoa tạo màu thì muốn thực hiện món cơm lam ngon khó nhất chính là khâu chọn ống để nấu |
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài việc sử dụng cơm lam để đi rừng thì món cơm này còn trở nên nổi tiếng khắp bốn phương, vì vậy đến Điện Biên du khách có thể dễ dàng trông thấy những người dân bán cơm lam rất nhiều tại các khu chợ, hoặc các nhà hàng.
Để chế biến cơm lam được thơm, dẻo thì cần phải chọn nguyên liệu là loại gạo nếp nương. Giống lúa nếp này một năm chỉ trồng được một vụ bắt đầu từ tháng 2 ,tháng 3 đến tận tháng 10 Âm lịch mới được gặt, khi chế biến thành các món ăn có thể cảm nhận đươc vị ngọt thanh khiết, dẻo, thơm, rất đặc trưng.
Bên cạnh đó, theo sự biến đổi của thời gian và để phù hợp hơn với phong vị ẩm thực đòi hỏi không chỉ ngon miệng mà còn đảm bảo tiêu chí thẩm mĩ, những người phụ nữ Điện Biên đã dùng gạo nếp được làm sạch và cẩn thận ngâm với các loại lá, hoa truyền thống trong khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ để từ màu trắng nguyên thủy gạo sẽ có thêm các màu như: cam, tím, xanh, vàng giúp cho cơm lam có màu sắc hấp dẫn hơn.
Ngoài việc cầu kỳ trong chọn nguyên liệu từ gạo nếp cùng các loại lá, hoa tạo màu thì muốn thực hiện món cơm lam ngon khó nhất chính là khâu chọn ống để nấu. Thường thường, người nấu sẽ chọn ống cơm là loại tre gai Điện Biên bánh tẻ, không mỏng, không dày. Bởi nếu ống non quá, khi nấu dễ bị nứt vỡ, nhưng nếu ống già quá thì không còn lớp màng lụa mỏng, cơm sẽ thiếu đi hương vị độc đáo vốn có. Ống nấu đúng độ tuổi mới có nước ngọt đọng trong thành ống, khi nấu sẽ tạo ra hương vị thơm riêng biệt độc đáo của núi rừng. Sau khi chọn được cây, chặt ra làm nhiều đoạn theo đốt lóng của cây, mỗi đoạn để lại một đốt làm đáy và cắt bỏ đốt trên để lấy chỗ bỏ gạo vào.
Để cơm được chín đều thì trong lúc đốt cũng cần phải lưu ý giữ lửa cháy vừa phải và trở đi trở lại ống cơm nhiều lần, đến khi ngửi thấy khói bốc ra có mùi thơm tức là cơm đã chín. |
Sau khi hoàn thành công đoạn bỏ gạo vào ống thì dùng lá chuối tươi nút chặt lại và đốt. Khi đốt ống cơm cần đốt phía miệng ống cho cơm chín trước rồi mới đốt thân và đáy ống, như thế cơm trong ống mới chặt, ăn sẽ ngon hơn. Đặc biệt, để cơm được chín đều thì trong lúc đốt cũng cần phải lưu ý giữ lửa cháy vừa phải và trở đi trở lại ống cơm nhiều lần, đến khi ngửi thấy khói bốc ra có mùi thơm tức là cơm đã chín.
Khi cơm đã chín thì nên chờ một lúc để ống nguội sau đó chỉ cần tách bỏ hết lớp ống bị cháy bên ngoài, sẽ để lại một lớp màng mỏng trắng tinh, sạch sẽ, không dính tay. Nếu bóc ngay lúc nóng cơm sẽ bị rời không gắn chặt với lớp màng ăn cũng sẽ không ngon. Cơm lam ngũ sắc sau khi đốt nếu không thưởng thức ngay thì có thể để được 2-3 ngày bằng cách dự trữ trong ngăn mát tủ lạnh và khi đem ra sử dụng thì làm nóng bằng lò vi sóng, cơm vẫn đảm bảo độ dẻo, thơm.
Với món cơm lam ngũ sắc, dù không kèm với muối vừng hay các món ăn khác thì cũng vẫn rất ngon và dễ ăn bởi cơm có vị ngọt, dẻo, thơm của gạo nếp nương hòa quyện với mùi thơm rất đặc trưng của ống tre. Tuy nhiên, nếu được ăn kèm với thịt băm đốt ống tre hoặc thịt nướng cùng chẳm chéo thì còn ngon hơn gấp nhiều lần.
Đĩa cơm lam ngũ sắc trông như đất trời thu nhỏ của núi rừng Tây Bắc |
Có thể nói, từ hạt gạo nếp nương, những ống tre gai và các loại hoa, lá màu với chút biến tấu trong công thức chế biến đã tạo nên một món ăn ngon miệng, hấp dẫn cũng như mang đầy tính thẩm mỹ. Để khi bày ra, đĩa cơm lam ngũ sắc trông như đất trời thu nhỏ của núi rừng Tây Bắc, đẹp tựa cầu vồng, ngào ngạt hương thơm và mỗi màu lại có một “tiếng nói” riêng của nó: Màu cam của đất đai trù phú, màu vàng của ước muốn luôn được no ấm phồn thịnh, màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, màu xanh là màu của núi rừng, màu tím của sự thủy chung và màu trắng tượng trưng cho tình yêu trắng trong, tinh khiết.
Và quả thật, chỉ có tình yêu với ẩm thực luôn là một thứ tình yêu tự nguyện và đầy đam mê, mới khiến những người phụ nữ Điện Biên có thể sáng tạo và chế biến nên những món ăn đầy thơm ngon và hấp dẫn như cơm lam ngũ sắc./.
Lý Như Quỳnh/DIENBIENTV.VN