Lăm Vông- Điệu múa truyền thống của dân tộc Lào
Điện Biên TV- Trong tập quán sinh sống của dân tộc Lào từ các lễ hội cho đến ngày vui bản đều không thể thiếu điệu múa “lăm vông”- một điệu múa truyền thống trong cộng đồng dân tộc Lào.
Dân tộc Lào sống khá bình dị, nhưng trong nền văn hóa, trong tâm hồn họ lại là sự hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt tình và đặc biệt họ rất thích ca hát, nhảy múa. Vì thế không nhất thiết vào các dịp lễ, tết họ mới ca hát nhảy múa mà bất cứ nơi đâu khi tiếng nhạc vang lên đệm trên những bài hát quen thuộc của họ, thì họ lại mời nhau vào lăm vông.
Với dân tộc lào, Lăm vông như cơm ăn, nước uống, ai cũng biết "lăm" từ lúc mới lên 3 lên 5, "Lăm" là hát, "vông" là tròn. Múa lăm vông phải có đội hình vòng tròn, chuyển động theo hướng ngược chiều kim đồng hồ |
Bà Lường Thị Sao May- Nghệ nhân ưu tú bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên chia sẻ: “Điệu múa lăm vông đã thấm vào máu chúng tôi từ khi còn rất nhỏ, bởi trong sinh hoạt đời thường chúng tôi đã gắn liền với điệu múa ấy.
Đặc biệt khi có dịp vui, ai nấy đều uống một ít riệu, nếu uống riệu chưa say chưa lăm vông được vì điệu múa này cần sự dẻo dai, khéo léo, uyển chuyển mà phần lớn những người uống hơi phê phê mới thể hiện bản thân mình trong bài hát được. Trong bản này dù là già hay trẻ ai cũng biết lăm, mỗi người đều có một năng khiếu khác nhau nên khi thể hiện điệu múa trong mỗi bài hát, họ đều có những tư thế xoay, tiến, lùi khác nhau”
Khi múa lăm vông, động tác của nữ giới là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tiến, một bước lùi cứ thế đi vòng tròn cùng mọi người, mỗi người có một góc thể hiện năng khiếu của mình khác nhau, nên vòng múa lăm vông sẽ rất đa dạng phong phú về các tư thế múa, nhưng chung quy lại họ đều múa nhịp nhàng theo nền nhạc.
Còn phía nam giới thì họ đi chậm lại, tập trung lắng nghe những lời ca, tiếng nhạc để “tự điều chỉnh mình” cho nhịp nhàng với từng động tác nhưng họ phải múa làm sao để có sự tương tác phù hợp với điệu lăm của bạn múa.
Điệu lăm vông tuy nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, dễ nhảy, nhảy đôi hay nhảy tập thể theo vòng tròn đều rất vui, nhưng cần phải có một chút khéo léo, sự mềm dẻo của cơ thể cộng thêm sự uốn dẻo của đôi bàn tay thon thả là bạn có thể thu hút biết bao ánh nhìn. Chính vì vậy những cô gái dân tộc Lào khi lăm vông họ đã cho người xem mãn nhãn bởi sự duyên dáng, dẻo dai của cơ thể, cùng với sự khéo léo nhịp nhàng của bàn tay.
Rất nhiều dân tộc có điệu múa truyền thống như: dân tộc Thái có những vòng xòe kết thành đôi, dân tộc H’Mông múa khèn gọi bạn tình… Nhưng không phải dân tộc nào cũng có điệu múa sinh hoạt múa phổ biến trong đời sống như dân tộc Lào.
Anh Lò Nhật Thiêng- Bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: “Dân tộc Lào chúng tôi dù sinh sống định cư ở nhiều địa phương khác nhau, thế nhưng phong tục, tập quán sinh hoạt của chúng tôi đa phần đều giống nhau, nhất là điệu múa lăm vông. Đến nay, điệu múa này như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Lào.
Bản thân tôi tuy là con trai nhưng trong các dịp văn nghệ ở xã, tôi và những chị em trong bản luôn xung phong tham gia lăm vông để góp vui cho mọi người. Trong gia đình tôi, ai cũng biết lăm vông, đứa cháu nhỏ nhà tôi mới 3 tuổi đã gần như thuần thục hết các điệu lăm cổ truyền. Không ai dậy lăm nó cả, mà nó học từ những cuộc vui của mọi người, rồi cứ thế như một thói quen cứ có tiếng nhạc là chân nó uốn cong lăm vông nhịp nhàng”.
Những nốt nhạc tấu lên nhịp nhàng với những lời ca tha thiết cùng điệu múa lăm vông cuốn hút khiến cho du khách không thể chỉ đứng ngoài cười, vỗ tay mà những vị khách tuy xa lạ nhưng khi được các bạn múa mời vào lăm thì tất cả mọi người dường như trở nên đã quen nhau từ bao giờ.
Ban đầu khách có thể hơi lúng túng ngượng nghịu, nhưng dần dà cũng nhịp nhàng, chân bước tay uốn, nhập cuộc nhanh chóng với cuộc vui của các bạn Lào mến khách và lịch thiệp. Được chung vui, được hòa mình cùng những điệu múa lăm vông uyển chuyển mới cảm nhận được bao nhiêu điều thú vị về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào.
Múa lăm vông đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá của dân tộc Lào, nó không chỉ là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho người dân mà còn tôn lên vẻ duyên dáng dịu dàng của những cô gái dân tộc Lào.
Ngày nay lăm vông vẫn giữ nguyên màu sắc dân tộc, điệu múa cổ truyền này đã thật sự nuôi dưỡng tâm hồn của cộng đồng dân tộc Lào đang sinh sống tại tỉnh Điện Biên nói riêng và Nhân dân Lào ở các nước láng giềng nói chung đã thêu dệt nên những thiên tình sử lứa đôi, kết nối bạn bè thắm tình hữu nghị Việt – Lào từ thuở xa xưa cho đến hôm nay và mai sau./.
Thúy Hằng