Điện Biên nỗ lực bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 01 Câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 01 câu lạc bộ bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên |
Toàn tỉnh có 1.273 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hàng năm tổ chức nhiều Hội thi, Hội diễn, giao lưu nghệ thuật quần chúng liên xã, liên bản.
Để phát triển âm nhạc cổ truyền các dân tộc, định kỳ 02 năm/lần kể từ năm 2009, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh. Không chỉ cấp tỉnh tổ chức với quy mô cấp tỉnh, hiện nay một số huyện như Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng đã tổ chức quy mô cấp huyện và theo cụm xã. Bên cạnh đó còn tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng công - nông- binh cũng định kỳ 02 năm/lần, bắt đầu từ năm 2012. Duy trì tổ chức Lễ hội Hoa Ban từ năm 2014 là dịp để nhân dân các dân tộc được thể hiện, trình diễn nghệ thuật trong đó có âm nhạc truyền thống. Tại các sự kiện, nghệ nhân đã hát dân ca, trình diễn nhạc cụ như Tỉnh tầu của người Thái, khen của người Mông, sáo của người Khơ Mú (đặc biệt là sáo mũi), khèn bè của người Lào và nhiều nhạc cụ khác.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 01 Câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên; 01 câu lạc bộ bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Qua các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ Nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa dân gian các dân tộc.
Hàng năm, Sở VHTT&DL thường xuyên phối hợp với Viện âm nhạc tiến hành mở lớp truyền dạy, bảo tôn âm nhạc của dân tộc Khơ Mú; phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho dân tộc Cống, Si La trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức một số lớp truyền dạy múa dân gian dân tộc Thái, Lào. Qua đó phát huy được vai trò của nghệ nhân - chủ thể văn hóa trong công tác truyền dạy di sản, đồng thời giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị di sản....
Tuy vậy việc bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn như: Việc triển khai công tác bảo tồn âm nhạc giữa các dân tộc chưa đồng đều, mới chỉ tập trung vào một số dân tộc trên địa bàn tỉnh; bảo tồn âm nhạc của mỗi dân tộc chưa được nhân rộng; kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn âm nhạc còn hạn chế....
Tại Hội thảo khoa học "Việc bảo tồn di sản âm nhạc cố truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam - Chính sách thực tiễn" tại tỉnh Điện Biên vừa qua, Thạc sỹ Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển, sự giao lưu hội nhập văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có âm nhạc truyền thống của từng dân tộc, những giá trị âm nhạc làm nên bản sắc âm nhạc của từng dân tộc đang bị đe dọa, dần biến mất. Do đó việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.
Hội thảo khoa học "Việc bảo tồn di sản âm nhạc cố truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam - Chính sách thực tiễn" tại tỉnh Điện Biên ngày 10/5 |
Quan tâm đầu tư cho phong trào văn nghệ quần chúng chính là khơi dậy ngọn nguồn âm nhạc dân tộc, để nó lan tỏa trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số, là cơ sở để sưu tầm, nghiên cứu khai thác cho âm nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản, thì các cấp các ngành chức năng trên địa bàn cần cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá âm nhạc dân tộc, nhất là trên sóng phát thanh, truyền hình, trong đó có việc phổ biến dạy và học âm nhạc dân tộc, mở câu lạc bộ dân ca nhạc cổ truyền./.