Xòe Thái cổ và những điều chưa biết

Thứ Năm, 15/03/2018, 17:08 [GMT+7]

Điện Biên TV - Múa xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau cùng nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, hình thành lên các điệu xòe. Xòe đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể có sức lan tỏa, sức sống đặc biệt và gắn liền với đời sống văn hoá của người dân.

“Không xoè không vui, không xoè cây lúa không trổ bông, không xoè cây ngô không ra bắp, không xoè trai gái không thành đôi” - câu dân ca Thái từ ngàn xưa đã khẳng định vị thế điệu xoè trong đời sống người dân Thái. Từ những cuộc vui nhỏ của gia đình như lễ mừng nhà mới, đám cưới hỏi, cho đến những lễ hội lớn của bản làng như lễ Xên bản, Tết xíp xí, lễ hội Hoa ban, lễ mừng cơm mới... khó có thể vắng bóng điệu xoè hoà nhịp cùng lời ca, tiếng khắp trong thanh âm rộn ràng, tha thiết của những khèn bè, trống, chiêng, tằng bẳng, mắc hính...

Múa xòe được coi là biểu tượng văn hóa của dân tộc Thái, từ bao đời nay múa xòe đã đi vào trong tâm linh và trong sinh hoạt thường ngày của người dân. So với trước kia thì múa xòe Thái đã có sự biến đổi để phù hợp hơn với cuộc sống, nhưng những điệu xòe cổ vẫn được bảo tồn và gìn giữ.

Một trong 6 điệu xòe cổ của người Thái Điện Biên.


Chị Lò Thị Hiền ở bản Ten A, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: Xòe Thái cổ có 6 điệu bao gồm điệu “khắm khen” tức điệu nắm tay nhau vòng tròn, biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt; điệu “khắm khằn mơi lẩu” tức nâng khăn mời rượu tỏ lòng yêu quý và mến khách; điệu “phá xí” tức bỏ bốn, tượng trưng cho bốn phương trời đất, sự đoàn kết trao đổi, tình cảm của con người; điệu “đổn hôn” tức tiến, lùi và nhào ra phía trước, lùi về sau thể hiện việc dẫu trời đất có giông bão, sóng gió nhưng tình cảm con người với con người luôn gắn chặt bên nhau; điệu “nhôm khăn” tức tung khăn thể hiện niềm vui mùa lúa thắng lợi, xây nhà mới, sinh con thêm cháu, cưới xin… và điệu “ỏm lọm tốp mư” vỗ tay vòng tròn thể hiện sự vui mừng gặp gỡ, bịn rịn khi chia tay nhau sau mỗi cuộc xòe.

Có thể nói xòe vòng là điệu múa cổ xưa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái, nó được ra đời từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu của con người muốn được thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc. Khi xòe mọi người xếp hàng đứng múa thành vòng tròn nắm tay nhau, vòng xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau.

Ngày nay, điệu xòe vòng thường được thực hiện gồm hai bước chính và hai bước phụ. Bước thứ nhất tiến, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước dậm nhẹ rồi lùi chân sau, chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Cùng với nhịp chân, cánh tay được nắm chặt vào nhau rồi nâng lên hạ xuống tiến hành đồng thời phụ họa với bước chân dậm nhẹ, lúc tiến, lúc lùi theo nhịp trống, chiêng. Cứ như vậy, các động tác được lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi vòng xòe được chuyển động từ trái sang phải thì bước chân phải trước, dậm chân trái theo rồi lùi chân trái về, chân phải trở về dậm nhịp tại vị trí bên trái. Và ngược lại, nếu vòng xòe đi từ phải sang trái thì bước chân trái trước, dậm chân phải theo rồi lùi chân phải về, chân trái trở về dậm nhịp tại vị trí bên phải.

Trong điệu xòe cổ phụ nữ Thái mặc áo chàm dài.
Trong điệu xòe cổ phụ nữ Thái mặc áo chàm dài.


Nhạc cụ cổ xưa nhất trong xòe vòng là các sản phẩm của tự nhiên như những cây tre, cây nứa từng gắn bó với con người từ thuở hoang sơ ở núi rừng, sau này phát triển lên các nhạc cụ như trống, chiêng, chũm chọe và đến xòe biểu diễn đã có thêm đàn tính, đàn nhị… Chính những nhạc cụ này đã góp phần làm nên cái hay, cái đẹp của xòe. Điệu xòe vòng với sự tham gia của các thành phần, lứa tuổi khiến cho tình đoàn kết càng thắm thiết. Bên ánh lửa bập bùng mọi người cùng tắm mình trong vũ điệu xòe, hòa mình trong âm hưởng rộn ràng của các làn điệu dân ca đằm thắm và âm thanh của các loại nhạc cụ dân tộc.

Trong  xu thế hội nhập chung, xòe vòng truyền thống đã có sự ảnh hưởng của văn hóa khác: vòng xòe đoàn kết đôi khi kết hợp với những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại. Nhưng xòe Thái vẫn đang được duy trì và phát triển theo hướng giữ gìn nét đẹp truyền thống. Xòe không chỉ tồn tại đối với dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác. Đặc biệt, nghệ thuật xòe Thái Điện Biên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của dân tộc Thái mà qua đây góp phần nâng cao trách nhiệm và phát huy bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để góp phần tô đẹp thêm cho sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam./.

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.