Da diết những bản tình ca trong Sàn hoa Hạn Khuống của dân tộc Thái

Thứ Tư, 14/03/2018, 10:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hạn Khuống còn gọi là Sàn hoa Hạn Khuống - sân chơi dành riêng cho giới trẻ chưa lập gia đình; đây là sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cổ truyền độc đáo của người Thái, là hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai ngoài trời, nơi trai gái đua tài qua các bài hát giao duyên. Chính từ Sàn hoa Hạn Khuống này, nhiều đôi đã bén duyên nên vợ, nên chồng.

Hạn Khuống là hình thức diễn xướng đại chúng mang tính sân khấu sơ khai, tại đây, mọi người được đắm mình trong cuộc vui hát, đua tài trong ngày hội. Giữa đất trời, những bản tình ca trong sáng bay bổng cứ ngân rung, chắp cánh cho tình yêu và ươm những mùa hò hẹn.

Sàn hoa Hạn Khuống được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt.
Sàn hoa Hạn Khuống được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt.


Ông Quàng Văn Hom ở bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên chia sẻ: Hạn Khuống theo nghĩa đen của tiếng Thái là “sàn sân”, tức là một cái sàn dựng bằng tre ở ngoài sân, cao chừng 1,5m, rộng 4m và dài 6m. Chung quanh sàn có lan can, trang trí hoa văn nên thường được gọi là Sàn hoa Hạn khuống. Giữa sàn dựng cây nêu bằng một cây tre to, dài, để lại cả phần ngọn và được trang trí các con giống đủ mầu. Từ gốc tới ngọn cây được dán giấy nhiều màu. Cây này được gọi là Lắc sáy cốc - tức cột gốc, mang bóng dáng của cây vũ trụ, âm dương ngũ hành, vừa là cầu nối đất với trời, con người với đấng siêu nhiên, vừa chuyên chở ước mong vạn vật sinh sôi, gia đình hạnh phúc. Bốn góc sàn có bốn cây nêu nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là Lắc sáy. Dựng xong Sàn hoa Hạn Khuống, thanh niên trong bản góp nhau làm cơm rượu mời các bậc cao niên trong bản uống rượu mừng, sau đó Hạn Khuống mới bắt đầu.

Các bậc đàn chị từng nhiều năm chơi Hạn Khuống, có tài năng đức độ, giỏi ứng đối thường ngồi ở vị trí chính giữa sàn hoa, gọi là xao Tổn Khuống - tức là chủ Hạn Khuống, bằng kinh nghiệm hát đối đáp nhiều năm của mình sẽ gỡ rối cho các xao Lắc Xay - là những cô gái trẻ còn ít kinh nghiệm hát đối đáp ngồi ở bốn góc.

Các chàng trai phải thể hiện được tài năng của mình thì mới được lên Sàn hoa.
Các chàng trai phải thể hiện được tài năng của mình thì mới được lên Sàn hoa.


Khi Hạn Khuống mở, các cô chủ Hạn Khuống đặt xa, kéo bông, rút thang đặt bên bếp lửa, kéo sợi giăng ngang lối lên xuống, các chàng trai muốn được lên sàn hoa phải chinh phục các cô gái trên sàn bằng tài hát trong cuộc hát đối. Bởi vậy, các chàng trai lựa chọn, cử ra những người hát giỏi nhất. Ðây cũng là lúc thể hiện tài năng đối đáp của các chàng trai, cô gái và những khúc tình ca da diết, bay bổng trong tiếng nhạc rạo rực đắm say.

Đêm thứ nhất các chàng trai phải qua nhiều cuộc thử tài mới được các cô gái nhận vào tham dự hội. Thử tài ở đây là bằng lời ca, tiếng hát như muốn lên sàn thì phải hát xin lên, muốn ngồi thì phải hát xin ghế ngồi, muốn uống nước thì phải hát xin nước uống... Các chàng trai làm thế nào hát đối đáp để các cô gái duyên dáng nhưng cũng không kém phần chanh chua, hiểm hóc kia thuận lòng mới là tài. Và cứ liên tiếp như vậy, các chàng trai lần lượt qua các cửa ải thật khó khăn bằng lý lẽ thuyết phục lòng người.

Từ đêm thứ hai, Hạn Khuống nổi lửa lên là các chàng trai, cô gái đến hội họp. Các cô gái vừa quay sợi vừa hát, các chàng trai thì đan đồ mây tre hoặc làm những vật dụng trong gia đình. Thỉnh thoảng, các chàng trai, cô gái ngừng tay cất lên tiếng hát trong tiếng pí véo von. Đôi nào ưng ý sẽ hẹn đến mùa xuân cùng đi ném còn. Các cô gái coi Hạn Khuống là nơi thân thuộc và thiêng liêng nhất của đời thiếu nữ. Ở đó, những thiếu nữ được tự do bày tỏ tình yêu trong sáng của mình, được lắng nghe những lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ... về đạo lý làm người, được dạy cách quay xa, kéo sợi, dệt vải, thêu thùa và những ửng xử cần thiết trong cuộc đời.

Những lời ca trong Hạn Khuống thường lấy trong các truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái như Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu), Tản chụ xống xương (Tâm tình tiễn thương), Tản chụ xiết xương (Tâm tình trêu ghẹo yêu thương)... Trong các bản tình ca Thái, những biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, cường điệu được sử dụng rất tài tình làm cho lời thơ thêm mượt mà ý nhị và giàu sức biểu cảm, đồng thời gửi gắm được bao điều khó nói. Cuộc hát đối đáp có thể diễn ra nhiều đêm. Càng hiểu nhau, lời đối đáp càng nồng nàn sâu lắng. Sau mỗi đêm Hạn Khuống, lưu luyến chia tay, trai gái hát tiễn nhau với bao bịn rịn nhớ nhung. Và như thế, từ bao đời rồi, những bản tình ca Thái vẫn ngân rung da diết với một sức sống diệu kỳ.

Một trong những nét đẹp của Hạn Khuống là khi các chàng trai đã vượt qua nhiều thử thách, được lên Sàn hoa thì bất kỳ ai cũng có thể lên sàn. Người già lên để dạy con cháu cách đan lát, thêu thùa, đàn hát, răn dạy đạo lý làm người. Con trẻ lên được học công việc của con trai, con gái, học cách giao tiếp, ứng xử... Bên bếp lửa hồng, các cô gái cất lên tiếng hát từ trái tim khao khát yêu thương, không chỉ đem lại nét đẹp dịu dàng mang tính truyền thống của người con gái Thái mà còn đem lại hơi thở, sức sống mãnh liệt, sự tuần hoàn bất diệt của tình yêu và cuộc sống. Sàn hoa Hạn Khuống chính là nơi tiếp lửa truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ người Thái Tây Bắc./.

 

 

Lường Hương/Dienbientv.vn

.