Bảo tồn trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên trong thời kỳ hội nhập
Điện Biên TV - Trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên đã có quá trình hình thành và phát triển cùng với bước chân của những người khai hoang, dựng bản lập mường. Các trò chơi dân gian này thường được tổ chức qua các sinh hoạt lễ hội hay những phút nghỉ ngơi trong lao động sản xuất, qua đó bày tỏ niềm vui được mùa, biểu lộ tinh thần lạc quan của con người trước thiên nhiên và cuộc sống.
Quả còn thường được phụ nữ Thái tự làm vải với nhiều màu sắc sặc sỡ. |
Văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên từ lâu đã được biết đến với những bản sắc truyền thống rất riêng. Vì sự hội tụ đông đảo các dân tộc anh em như Thái, Mông, Kinh, Dao, Tày, Phù Lá, Si La… cùng chung sống đoàn kết, do đó mà các trò chơi dân gian cũng rất phong phú. Trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc, đây không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích để nhân dân vui chơi, thư giãn sau một năm lao động vất vả, mà thông qua đó còn gửi gắm ước mơ về cầu mong sự an lành, ấm no.
Trong tất cả các lễ hội, ngày Tết của người Thái ở Điện Biên, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu các trò chơi dân gian, đặc biệt là trò chơi ném còn. Quả còn được bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái khâu bằng vải, bên trong có nhồi bông, cỏ mềm, vải vụn, hoặc hạt của cây bông. Bên ngoài còn được trang điểm bằng rua ngũ sắc trông sặc sỡ rất đẹp. Sân ném còn được tổ chức trên khoảng đất rộng tương đối bằng phẳng và dựng một cây tre dài từ 15-20m. Trên ngọn cột có một vòng tre quấn giấy đỏ. Vòng tròn dán giấy đỏ này coi như là tâm điểm để các đội thi nhau ném. Đội nào ném được vào tâm đó, coi như dành phần thắng. Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, tài tình, ước lệ và duyên dáng, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt. Vừa kết hợp các động tác toàn thân, vừa sảng khoái tinh thần, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ.
Trò chơi tù lu của dân tộc Mông thu hút rất nhiều người xem. |
Ném còn là trò chơi ưa thích của người Thái thì tù lu là trò chơi không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông. Anh Vàng A Sình ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, huyện Điện Biên cho biết: Tù lu là con quay bằng gỗ hay sừng hình nón cụt, có chân bằng sắt. Khi chơi dùng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất, người đó thắng. Có thể dùng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì người chủ của con quay đó được nhất. Trò chơi không những thể hiện được sức mạnh sự khéo léo, độ chính xác cao, tính phán đoán ước lệ và sự điêu luyện của đôi tay mà còn thể hiện khá toàn diện thể hiện ở nhiều lối chơi đẹp, hấp dẫn cả người chơi và người xem.
Ngoài các trò chơi trên, người Thái còn chơi đi cà kheo, tó mák hặp, tó phại…; người Mông thi giã bánh dày, đẩy gậy, ném pao…; người Hà Nhì chơi đu dây a gừ, đu quay a quý… Các trò chơi dân gian này thường gắn bó với thiên nhiên và sử dụng tất cả những phương tiện, vật liệu sẵn có. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập vì sự ảnh hưởng của nhiều trào lưu văn hoá và tác động của cơ chế thị trường đã dẫn đến sự biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội. Trong đó có sự mai một của các giá trị văn hoá truyền thống nói chung, trò chơi dân gian truyền thống nói riêng, nhiều trò chơi đã không còn thấy xuất hiện. Dường như giờ đây các trò chơi dân gian chỉ còn xuất hiện trong dịp lễ hội đầu xuân hay ngày hội ở thôn bản.
Nhận thức được vai trò trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các trò chơi dân gian, một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tổ chức nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan ban ngành tiến hành tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của trò chơi dân gian đối với đời sống; khi tổ chức lễ hội, ngoài phần lễ, cần quan tâm mở rộng phần hội và đưa nhiều trò chơi dân gian vào đây để không ngừng đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Ngoài 5 môn thể thao truyền thống như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tù lu đã được đưa vào chương trình thi đấu Thể dục Thể thao hàng năm của tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh còn tiến hành bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc như: pí bó, tó mạ hắp, tó phại, tó má lẹ của dân tộc Thái. Trong tương lai, các trò chơi này sẽ được duy trì, phát triển tại các cơ sở và đưa vào chương trình thi đấu hàng năm, qua đó góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy trò chơi dân gian, di sản văn hóa độc đáo của dân tộc./.
Lường Hương/Dienbientv.vn