Về Mường Nhà vui Tết Khảu hó với dân tộc Lào
Điện Biên TV - Nằm cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 40km về phía nam, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lào từ bao đời nay. Do có đời sống kinh tế gắn liền với sản xuất nông nghiệp, bởi vậy dân tộc Lào đã hình thành nên một tập quán riêng trong đời sống hàng ngày với nhiều nét văn hóa mang đặc trưng của dân tộc mình. Trong đó Tết Khảu hó là một nghi lễ truyền thống mang đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp của người Lào.
Người Lào làm ruộng nước với kỹ thuật dẫn nước được lưu truyền từ đời ông cha. Ngoài ra họ còn làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người Lào cư trú xen kẽ với người Thái, người Lự và người Khơ Mú.
Đối với người Lào, Tết Khảu hó là một nghi lễ rất quan trọng để cảm ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, cộng đồng có vụ mùa bội thu. Khi các cánh đồng lúa đã ngả màu vàng nhạt, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới, các gia đình trong bản chọn lấy một ngày tốt để tổ chức ăn Tết Khảu hó.
Theo tiếng Lào Khảu hó có nghĩa là cơm gói. Theo phong tục thuở xưa truyền lại, ngày tổ chức ăn Tết Khảu hó, gia đình cử một người phụ nữ - thường là người vợ của chủ nhà chuẩn bị xôi, cốm, gà, vịt… để gói Khảu hó. Trong mỗi gói Khảu hó sẽ có 1 hoặc 2 miếng thịt. Số lượng gói Khảu hó sẽ tùy thuộc vào lượng khách mà gia chủ mời đến dự.
Khảu hó được gói bằng lá dong với ít xôi và 1 hoặc 2 miếng thịt. |
Theo thông lệ cứ đến Tết Khảu hó là cả bản lại cùng nhau mổ trâu ăn tết, do đó từ sáng sớm nam giới trong bản đã kéo nhau sông Nậm Núa để chia thịt trâu.Trước đây, trâu thường được cả bản cùng nuôi chung rồi mổ ra chia đều nhưng nay cả bản mua chung một con trâu. Nhà nào cần nhiều thì mua nhiều, nhà nào cần ít thì mua ít và chỉ phải mua thịt còn da, nội tạng hay xương thì được chia tương ứng nên ai cũng vui vẻ. Riêng đầu sẽ thuộc về chủ của con trâu.
Đồ lễ được bày thành hai mâm, một mâm cúng ma nhà được đặt trong gian chính của nhà và một mâm cúng nhà ngoại được đặt ở ngoài sân. Trên cả 2 mâm cúng đều có các gói Khảu hó, một bát thịt gồm đùi và đầu gà, 2 chén rượu, 2 chén nước và 5 loại quả. Những đồ cúng này đều là sản vật do chính họ tự chăn nuôi, trồng cấy được. Sau khi đồ lễ được bày xong, thầy mo ngồi trước mâm cúng gọi các đời tổ tiên, các vị thần về ăn Tết Khảu hó với gia đình và cầu mong tổ tiên, các vị thần phù hộ cho gia đình được may mắn.
Đồ lễ là những nông sản do người Lào tự tay trồng trọt, chăn nuôi. |
Ông Lò Văn Đông ở bản Na Hôm cho biết: Tết Khảu hó được coi là nghi lễ quan trọng của dân tộc Lào bởi trong năm họ không cúng mùng một ngày rằm như người Kinh, cũng không cúng Pạt tông – mười ngày một lần như người Thái… mà chỉ có duy nhất một ngày cúng này thôi. Do đó, mâm lễ cúng được các gia đình người Lào chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tươm tất; tuy nhiên đối với những gia đình chưa có ma nhà thì mâm cúng cũng đơn giản hơn.
Khi cúng xong là đến nghi thức trao lộc cho mọi người về dự lễ. Chủ nhà mang mâm lễ xuống, lấy các gói Khảu hó chia đều cho tất cả mọi người trong mâm với lời cầu chúc cho gia đình những điều tốt đẹp nhất, chúc cho cây trồng, mùa vàng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Rồi lần lượt từng người một mở gói Khảu hó ra, nếu trong gói Khảu hó có 1 miếng thịt thì uống 2 chén rượu, còn nếu có 2 miếng thịt thì uống 3 chén rượu. Chốc chốc tiếng cười lại rộ không ngớt khi đến lượt ai đó mở Khảu hó.
Trao lộc luôn là nghi lễ có sức hấp dẫn, lôi cuốn nhất trong Tết Khảu hó. |
Tết Khảu hó thể hiện bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, nó chứa đựng những khát vọng, ước muốn tâm linh của đồng bào Lào. Là dịp để người dân vui chơi thoải mái trước khi bắt đầu vào một mùa vụ mới và để con cháu nhớ về cội nguồn, tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ./.
Lường Hương/Dienbientv.vn