Lễ tạ ơn của người Thái đen ở Điện Biên

Thứ Hai, 08/01/2018, 10:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Theo phong tục, việc tổ chức Lễ tạ ơn là nghi lễ bắt buộc, duy nhất một lần trong cuộc đời mỗi gia đình người con và phải tổ chức ngay khi cha, mẹ vợ còn sống, vì thế mà Lễ tạ ơn của người Thái đen thường được tổ chức rất hoành tráng, đôi khi còn to hơn cả một đám cưới.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp tới bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ để dự Lễ tạ ơn của người dân tộc Thái đen ở nơi này. Đây là lễ tục truyền thống của người Thái đen, do vợ chồng người con rể tổ chức tại nhà bố mẹ vợ để tỏ lòng thành kính, biết ơn cha mẹ vợ đã sinh thành, dưỡng dục người con gái từ nhỏ tới khi lấy chồng.

Theo phong tục, việc tổ chức Lễ tạ ơn là nghi lễ bắt buộc, duy nhất một lần trong cuộc đời mỗi gia đình người con và phải tổ chức ngay khi cha, mẹ vợ còn sống, vì thế mà Lễ tạ ơn của người Thái đen thường được tổ chức rất hoành tráng, đôi khi còn to hơn cả một đám cưới.

1
Lễ tạ ơn của người dân tộc Thái ở Điện Biên, là lễ lục rất đặc biệt để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận với cha mẹ.

 

Từ sáng sớm, dưới ngôi nhà sàn của gia đình ông Lò Văn Ín (76 tuổi) đã đông vui, nhộn nhịp người tới quét dọn, bắc phông rạp, nấu nướng và bày biện lễ cúng bởi hôm nay, gia đình con rể ông Ín là anh Lò Văn Nún sẽ tổ chức Lễ tạ ơn bố mẹ vợ. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lò Văn Nún cho biết: “Vợ chồng tôi lấy nhau đã được 30 năm, trước đây vì kinh tế còn khó khăn, chúng tôi chưa có dịp làm Lễ tạ ơn bố mẹ vợ. Năm nay, cuộc sống đã khấm khá hơn nên chúng tôi mới tổ chức được, rất may vì ở tuổi cao nhưng bố mẹ vợ tôi vẫn khỏe mạnh để dự Lễ tạ ơn”.

Để tạ ơn bố mẹ vợ, vợ chồng anh Nún cho người mổ 1 con trâu và 1 con lợn để làm 60 mâm cỗ. Khi những người thân trong gia đình anh Nún đang tất bận chuẩn bị cỗ, thì thầy cúng bản đã tới giúp vợ chồng anh làm nghi thức dâng lễ vật, tặng quà cho bố mẹ. Lễ vật gồm một thủ lợn, một gà luộc, mâm xôi, hoa quả, rượu và những món quà mà vợ chồng anh Nún đã chuẩn bị từ trước, là 1 đôi vòng tay bằng vàng dành cho mẹ vợ và bộ quần áo dành cho bố vợ.

Tới giờ đẹp, thầy cúng và vợ chồng anh Nún mang lễ vật lên nhà, tặng cho bố mẹ, sau đó thầy cúng làm lễ, đọc lời cúng bằng tiếng dân tộc Thái, mời gọi thần linh, tổ tiên về chứng kiến lễ tạ ơn, đồng thời cầu cúng cho gia đình có sức khỏe dồi dào, cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, con cái làm ăn thuận lợi, cuộc sống gia đình được đủ đầy, no ấm hơn. Nhận quà và lễ vật từ các con, ông Lò Văn Ín không giấu được xúc động chia sẻ: “Tôi vui lắm, ở tuổi gần đất xa trời mà các con cháu đã về tụ họp đông đủ để làm lễ tạ ơn cho vợ chồng chúng tôi. Tôi may mắn có được 3 cô con gái nên trong đời tôi đã 3 lần được các con tạ ơn”.

Sau nghi lễ, vợ chồng anh Nún ra cổng đón khách tới ăn mừng Lễ tạ ơn. Khách khứa trong bản kéo đến mỗi lúc một đông, ai cũng mang theo quà mừng là tiền hoặc đồ dùng còn mới để mừng cho gia chủ tổ chức Lễ tạ ơn,  khiến không khí trong gia đình trở nên tưng bừng, phấn khởi hơn hẳn. Khi các mâm cỗ linh đình đã đông đủ khách ngồi dự, mọi người cùng nâng chén rượu nồng ấm, chúc mừng gia chủ đã tổ chức thành công Lễ tạ ơn cha mẹ; đồng thời chúc nhau sức khỏe dồi dào, làm ăn thuận lợi. Riêng những người thân trong gia đình ông Ín đi từng mâm cỗ để mời rượu và cảm ơn khách đã tới dự Lễ tạ ơn của gia đình.

1
Gia chủ đón khách tới dự Lễ tạ ơn

 

Ngoài dân bản, một số khách du lịch cũng tới dự Lễ tạ ơn của gia đình anh Nún. Chị Trần Thị Mai Hương, tổ 15, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi được dự Lễ tạ ơn của người dân tộc Thái đen ở Điện Biên, tôi thấy đây là lễ lục rất đặc biệt của người Thái để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận với cha mẹ. Qua đó, giúp những người thân luôn hướng về gia đình và thương yêu, quý trọng nhau hơn, đặc biệt là trân trọng cha mẹ đã sinh thành ra con cái”.

Được một lần dự Lễ tạ ơn của người dân tộc Thái đen, chúng tôi thấy những nét độc đáo trong bề dày văn hóa truyền thống của người Thái đen ở Điện Biên, và qua đó cũng khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của người dân tộc Thái ở nơi đây vẫn được người dân bảo tồn trong thời đại văn hóa hội nhập hiện nay.

 

 

CTV - Phương Liên

.