Phong tục tang ma của đồng bào dân tộc Mông

Thứ Tư, 20/12/2017, 15:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cũng như nhiều đồng bào dân tộc vùng cao khác, người Mông ở huyện Điện Biên Đông vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán truyền thống, trong đó tang ma là một nghi lễ thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất.

Khi con người từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông gọi là "tùa" hay "ninh tùa" (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức tang ma khác nhau.

Ông Vàng Phai Chinh- bản Trống Xư A, xã Phình Gìang, huyện Điện Biên Đông chia sẻ: “theo phong tục truyền thống, lễ tang của người Mông bao gồm rất nhiều nghi lễ khác nhau. Khi gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu sẽ mang súng kíp ra ngoài nhà bắn ba phát để báo hiệu với bà con trong bản biết là gia đình có người qua đời. Con cháu, bà con thôn, bản nghe thấy tiếng súng ở khu vực nào sẽ đổ về gia đình đó để chia buồn, đồng thời xem có việc gì cùng giúp đỡ.Người chết được con cháu lau mặt, mũi, chân tay, thay quần áo mới cho sạch sẽ trước khi về với tổ tiên”.

1
Tờ giấy treo lên tượng trưng cho người nhà con cháu đưa tiễn vong âm của người mất

 

Theo tập tục của người Mông, khi rửa mặt xong, nước rửa mặt cho người chết được đem đổ vào gầm giường nơi người chết nằm, còn mảnh vải rửa mặt được đem phơi khô để đốt. Sau khi tắm rửa cho người chết xong, họ dùng một chiếc ván gỗ đem thi thể người chết đặt giữa nhà rồi người con trai trưởng nhanh chóng đi mời Dở mủ (thầy cúng chỉ đường) về làm lễ "khai kế" đưa đường chỉ lối cho linh hồn người chết về với tổ tiên.

Đây là nghi lễ không thể thiếu được trong bất cứ đám tang nào của người Mông. Gia đình sẽ chuẩn bị một cây nỏ "nỉnh", một con dao và một con gà để làm lễ với ý nghĩa con dao là dụng cụ phát đường, cây nỏ là vũ khí để bảo vệ người chết trên đường đi, con gà là người chỉ đường. Thầy Dờ mủ làm lễ xong, tiếng trống, tiếng khèn lại tiếp tục thổi các bài khèn "khai kế" để chỉ đường đưa người chết về với tổ tiên.
Trước đây, người Mông thường đưa thi thể người chết lên treo ở gian giữa nhà, hay còn được gọi là đưa lên ngựa "nỉnh đăng" để thồ linh hồn người chết về với tổ tiên. Ngày nay, phần lớn các dòng họ đã đưa thi thể người chết vào áo quan. Sau khi làm lễ nhập quan, họ hàng anh em, con cháu đến làm lễ phúng viếng.

Theo lý của người Mông, khi bố mẹ qua đời, mỗi người con trai, con gái đều phải cho bố mẹ một bộ quần áo mới, một con lợn làm của cải mang về dưới âm để làm ăn. Người con trai cả bao giờ cũng là người giao lợn cho bố mẹ đầu tiên, tiếp đó là đến các con thứ trong gia đình, rồi sau đó đến lễ phúng viếng lần lượt của những người thân thiết trong gia đình và bà con trong bản.

Trong lễ tang của người Mông, ông cậu và ông anh rể là hai người quan trọng nhất, bởi vậy mà trước khi về chịu tang, ông cậu và anh rể bao giờ cũng phải thuê một người làm chủ hát "chí sùng sình" để thay mặt gia đình bên ngoại cùng gia đình tổ chức lễ tang cho người chết theo đúng truyền thống.

Ngoài ra, phái đoàn nhà cậu còn mang theo một con lợn, một thồ thóc, 10 lít rượu, 3 quả trứng luộc, một cây tiền để làm lễ phúng viếng cho người chết mang đi. Còn bà con làng xóm mỗi người đều mang sang một thồ thóc, một chai rượu, một bó hương để làm lễ phúng viếng cho người chết (tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình mà họ tổ chức lễ tang cho người chết to hay nhỏ).

Những lễ tang làm to có mổ trâu thường kéo dài từ 3 - 4 ngày với rất nhiều nghi lễ khác nhau như: lễ "treo sáng đù" (giao lễ vật), "Nùng chàn gì" (lễ hỏi đáp), "Tiu rìa kềnh", "Gẩu trùng"… mọi người thổi khèn, đánh trống hát thâu đêm để tiễn biệt người chết. Đến khi trời gần sáng, con cháu làm lễ đưa người chết ra khỏi nhà và khiêng ra ngoài bãi làm lễ mổ trâu.

Trước khi mang thi thể người chết ra khỏi nhà, gia đình phải nhờ một người thầy cúng làm lễ đuổi ma ngựa ra khỏi nhà, với ý nghĩa người chết rồi phải đuổi hồn ra khỏi nhà để sau này con cháu yên ổn làm ăn. Ngoài thầy cúng, gia đình còn phải nhờ hai người thanh niên cầm cành đào, cành mận đập xung quanh nhà với ý nghĩa đuổi ma ra khỏi nhà.

Thi thể người chết được khiêng ra ngoài bãi mổ trâu, người con trai cả bao giờ cũng là người dắt trâu ra giao cho người chết. Trước khi làm lễ, ông chủ ma làm lễ điểm, sau đó ông chủ ma, lấy một sợi dây lanh buộc vào dây thừng trâu rồi làm lễ giao trâu cho người chết mang đi.

Người cậu hoặc người anh rể sẽ thay mặt cho bên ngoại là người giết trâu với ý nghĩa người cậu là người đại diện cho bên ngoại nhận lễ vật thay cho người chết. Trâu giết xong được mọi người mang đi mổ, rồi chế biến thành đồ lễ chín để thầy cúng làm lễ cúng chín cho người chết và đem chế biến làm các món ăn trong lễ tang, phần còn lại họ chia thành các miếng nhỏ đem chia cho những gia đình có lễ vật đến phúng viếng để cảm ơn.Sau bữa cơm trưa, đến khoảng hai ba giờ, con cháu khiêng người chết đi an táng, sau đó mọi người quay về nhà

Trong ba ngày đầu vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối, ông chủ ma phải mang cơm, lửa giao cho người chết ăn (với ý nghĩa người mới chết tựa như đứa trẻ chưa biết làm ăn, nên những ngày đầu con cháu phải mang cơm giao cho người chết). Chôn được ba ngày, con cháu tập trung mang cuốc, mang xẻng đi sửa sang và rào mộ cho người chết được mồ yên mả đẹp. Người chết được 12 ngày, con cháu ra mộ đón linh hồn người chết về thăm lại nhà.

Sau một hai năm, con cháu lại tổ chức lễ cúng "ùa plì" để hồn người chết ra đi được thanh thản, sau một vài năm, gia đình tiếp tục tổ chức lễ cúng "nhù đăng" (lễ mổ trâu) là lễ cúng cuối cùng trong lễ tang của người Mông. Sau lễ cúng "nhù đăng", con cháu không tổ chức bất cứ lễ cúng nào khác. Chỉ đến các ngày lễ tết, con cháu tổ chức lễ cúng thì họ mới gọi linh hồn người chết về thăm lại nhà.
                                                                                                 

 

Thúy Hằng

.