Hàn Quốc dự báo 360.000 ca mắc mới/ngày vào đầu tháng 3, Anh chính thức giám sát biển thể lai Deltacron
Đến sáng 14/2, thế giới có trên 411,81 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,83 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Hơn 411,81 triệu người trên thế giới đã mắc virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP) |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 79,31 triệu ca mắc và hơn 943.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 22.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Một số bang của Mỹ, bao gồm New York, nơi từng là tâm dịch COVID-19 của nước này, đã thông báo kế hoạch dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Với tỷ lệ dân số tiêm chủng đầy đủ 2 liều vaccine cơ bản khoảng 65%, tỷ lệ nhập viện trong những tuần gần đây giảm hoặc thấp ở mức ổn định, cùng áp lực ngày càng lớn của việc trở lại cuộc sống bình thường, nhiều bang đã ra quyết định dỡ bỏ một số hạn chế phòng dịch. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ vẫn ủng hộ quy định đeo khẩu trang trong trường học bởi trẻ em hiện vẫn là nhóm đối tượng chưa được tiêm phủ rộng rãi. CDC Mỹ đồng thời khuyến nghị người dân vẫn nên đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao.
Việc cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ dưới 5 tuổi tại Mỹ sẽ bị trì hoãn ít nhất 2 tháng so với kế hoạch. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đánh giá các thông tin mới từ cuộc thử nghiệm mà Pfizer-BioNTech gửi kèm cùng với đơn xin cấp phép, tuy nhiên cơ quan này khẳng định cần thêm nhiều dữ liệu đánh giá hơn trước khi có quyết định.
Theo kế hoạch trước đó, FDA dự định trong tuần tới sẽ đưa ra ra khuyến nghị sử dụng loại vaccine trên cho trẻ sơ sinh và trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi. Sau đó, Chính phủ Mỹ sẽ triển khai chương trình tiêm chủng dành cho trẻ nhỏ từ ngày 21/2. FDA trước đó cũng đã yêu cầu Pfizer đẩy nhanh quá trình xin cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ nhỏ này do biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhiễm mới, đặc biệt ở trẻ em.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,63 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 508.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 638.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 27,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ngay trong tháng 2 này, nước Anh có thể sẽ bãi bỏ quy định yêu cầu người phát hiện mắc COVID-19 tự cách ly nếu tỉ lệ lây nhiễm duy trì ở mức ổn định. Thủ tướng Anh khẳng định, nếu dịch bệnh tiếp diễn theo xu hướng ổn định như hiện nay, Chính phủ nước này sẽ có thể quyết định chấm dứt tất cả những biện pháp hạn chế còn lại. Trong khi đó, giới khoa học Anh cho rằng, việc bỏ quy định tự cách ly với bệnh nhân COVID-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người già, trẻ em, và người có bệnh lý nền.
Cơ quan tế Anh chính thức giám sát biển thể Deltacron, được cho là lai giữa 2 biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 sau khi ghi nhận một bệnh nhân nhiễm biến thể này Hiện chưa rõ biến thể lai có thể lây lan mạnh ra sao và bằng cách nào. Cơ quan này không cho biết có phát hiện thêm biến thể lai ở các bệnh nhân khác hay không. Tháng 1, nhà virus học thuộc Đại học Cypress cho biết đã nhận dạng được Deltacron. Tuy nhiên, sau đó nhiều chuyên gia không công nhận đây là biến thể lai mà cho rằng, Deltacron có thể chỉ là sản phẩm của sai sót nào đó hoặc hiện tượng nhiễm chéo trong phòng thí nghiệm.
Đến nay, trên 18,3 triệu người ở Anh đã nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP) |
Na Uy đã bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống COVID-19. Các biện pháp này vốn được áp đặt từ hồi tháng 12/2021 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra. Như vậy, người dân Na Uy không còn phải giữ khoảng cách ít nhất 1 m, và cũng không cần đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người. Các câu lạc bộ ban đêm và cơ sở giải trí khác có thể nối lại hoạt động hết công suất. Bên cạnh đó, những người nhiễm virus cũng không phải thực hiện tự cách ly, thay vào đó họ được khuyến nghị ở nhà 4 ngày.
Hành khách đến Na Uy không cần phải đăng ký trước và Chính phủ nước này cũng loại bỏ quy định trước đó về việc phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành đối với một số nhóm hành khách như những người chưa tiêm chủng.
Bộ Y tế Cuba (MINSAP) thông báo, trong vòng 24 giờ qua, đảo quốc Caribe đã ghi nhận 888 ca mắc mới COVID-19, con số thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay. Trong thông báo mới nhất, Bộ Y tế Cuba cho biết, gần 10 triệu người dân nước này, tương đương với 88,1% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 10,5 triệu trên tổng số 11,3 triệu người dân Cuba đã được bảo vệ bằng ít nhất một liều vaccine, qua đó đưa đảo quốc Caribe trở thành quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất ở khu vực Mỹ Latin và đứng thứ 3 trên thế giới, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bồ Đào Nha. Ngoài ra, hơn 5,7 triệu người Cuba, tương đương với hơn 50% dân số, đã được tiêm liều vaccine tăng cường.
Cuba đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp kiểm tra y tế COVID-19 bắt buộc đối với du khách đến từ các nước như Nam Phi, Botswana, Zimbabwe…, khu vực khởi phát của biển thể Omicron. Với quyết định mới này, hành khách đến Cuba từ 8 quốc gia châu Phi nói trên không cần phải tiến hành xét nghiệm PCR bắt buộc khi nhập cảnh và cách ly 7 ngày nữa mà chỉ phải tuân thủ các quy định vệ sinh dịch tễ như áp dụng cho du khách đến từ các quốc gia khác.
Tỷ lệ tiêm phòng ở những nhóm người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và người có bệnh nền còn thấp tại nhiều khu vực ở châu Á. Đáng lo ngại là sau dịp Tết Nguyên Đán, số ca mắc mới COVID-19 tại nhiều quốc gia châu Á tăng vọt.
Ngày 13/2, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo, nước này đã ghi nhận ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở trên mức 50.000 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 56.425 ca mắc COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, trong số đó 99,8% là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Nguyên nhân được cho là do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron.
Nhà chức trách Hàn Quốc cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể sẽ tăng lên 170.000 người/ngày vào cuối tháng 2 này và thậm chí lên đến 360.000 ca/ngày vào đầu tháng 3 tới dù vẫn còn quá sớm để dự báo, liệu đó có phải là đỉnh của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron hay không. Hiện hơn 86% dân số Hàn Quốc hoàn thành tiêm liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và hơn 57% dân số được tiêm mũi tăng cường.
Tình trạng lây lan dịch mạnh khiến nhu cầu mua bộ xét nghiệm COVID-19 tăng cao đến mức Hàn Quốc phải giới hạn việc mua bộ xét nghiệm nhanh. Mỗi người dân Hàn Quốc chỉ được mua tối đa 5 bộ xét nghiệm nhanh tại một địa điểm trong lúc Chính phủ tìm cách ổn định nguồn cung. Giới chức Hàn Quốc kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện. Hiện tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Hàn Quốc là 0,52%.
Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ không cấp mới hộ chiếu cho các hoạt động đi lại ra nước ngoài không thiết yếu trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn nghiêm trọng. Theo cơ quan này, hộ chiếu chỉ được cấp cho các cá nhân cần ra nước ngoài để du học, làm việc và kinh doanh. Trước đó, nước này đã tạm dừng cấp mới hộ chiếu phổ thông cho các cá nhân đi nước ngoài vì những lý do không khẩn cấp.
Trung Quốc chủ trương thắt chắt kiểm soát qua lại biên giới nhằm hạ thấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ nước ngoài vào nước này.
Chỉ trong chưa đầy nửa tháng, số ca COVID-19 tại Hong Kong đã tăng gấp 10 lần. (Ảnh: AP) |
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận khoảng 1.500 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Giới chuyên gia thuộc Đại học Hong Kong dự báo, số ca nhiễm mới có thể lên đến hàng chục nghìn trường hợp mỗi ngày trong vài tuần tới, gây rủi ro lớn cho những người cao tuổi, trong số đó nhiều người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tại một buổi họp báo, Tổng Thư ký Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lý Gia Siêu cho biết, chính quyền Trung ương Trung Quốc sẽ dốc toàn lực hỗ trợ Hong Kong đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ 5. Hong Kong không có kế hoạch phong tỏa toàn thành phố, đồng thời tin tưởng rằng các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay sẽ phát huy tác dụng, chính quyền Đặc khu luôn đặt sức khỏe của người dân và an toàn cộng đồng lên hàng đầu.
Ngày 13/2, chính quyền Hong Kong đã quyết định triển khai tiêm vaccine của hãng Sinovac cho trẻ từ 3 tuổi từ ngày 15/2, trong bối cảnh 4% số ca mắc mới trong làn sóng thứ 5 này là trẻ nhỏ từ 4 tuổi trở xuống.
Chỉ trong chưa đầy nửa tháng qua, Hong Kong đã chứng kiến sự gia tăng gấp 10 lần số ca COVID-19. Trước tình hình này, Đặc khu đang áp dụng chiến lược xét nghiệm hàng loạt. Tuy nhiên, cung đang chưa đáp ứng kịp cầu trong hoạt động này. Hàng dài người dân ở Hong Kong xếp hàng bên ngoài các trung tâm xét nghiệm COVID-19, những lần xếp hàng này kéo dài hàng tiếng, có khi lên tới 8 giờ đồng hồ hoặc sang đến cả ngày hôm sau. Đây là hoạt động bắt buộc đối với người dân đặc khu bao gồm cả người già và trẻ em.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine ngày 13/2 kêu gọi người dân cảnh giác hơn và tuân thủ các quy định y tế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tiếp tục tăng nhanh tại nước này. Bộ Y tế Campuchia cho biết, trong ngày 13/2, nước này ghi nhận 401 ca mắc mới, gồm 4 trường hợp nhập cảnh, và tất cả đều nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Cũng theo Bộ trên, trong 40 ngày qua, Campuchia không có thêm ca tử vong nào.
Tính từ đầu dịch đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 123.443 bệnh nhân, với 118.804 người đã khỏi bệnh và 3.015 trường hợp tử vong.
Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Singapore có thể lên tới 15.000 - 20.000 ca do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cảnh báo như trên ngày 13/2, tuy nhiên khẳng định xu hướng gia tăng số ca mắc hiện nay hoàn toàn nằm trong dự kiến.
Ngày 13/2, Singapore ghi nhận 10.505 ca mắc mới, đánh dấu lần thứ tư trong tuần qua số ca mắc theo ngày vượt ngưỡng 10.000 ca. Số ca tử vong là 8, cao nhất trong hơn 2 tháng qua. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ong cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore vẫn vững vàng. Ông nói: "Tỷ lệ bệnh nhân phải thở máy không thay đổi, vẫn là 0,3%. Tỷ lệ bệnh nhân cần điều trị tích cực (ICU) hoặc tử vong là khoảng 0,05%. Những con số này vẫn thấp hơn so với đợt bùng phát do biến thể Delta, do đó hệ thống y tế vẫn đứng vững". Theo ông Ong, nhiều bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc vừa.
Tính từ đầu dịch đến ngày 13/2, Singapore ghi nhận 460.075 ca mắc COVID-19, trong đó có 893 người thiệt mạng vì COVID-19.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/han-quoc-du-bao-360000-ca-mac-moi-ngay-vao-dau-thang-3-anh-chinh-thuc-giam-sat-bien-the-lai-deltacron-20220213161914788.htm
Theo VTV