Trung Quốc đưa vào hoạt động sàn giao dịch carbon lớn nhất thế giới
Mới đây, thị trường giao dịch trao đổi carbon đã được Trung Quốc chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.
Nhiều nền kinh tế lớn thắt chặt các quy định về giảm phát thải khí carbon
Trong bối cảnh các quốc gia trên toàn cầu đang quan tâm nhiều hơn tới vấn đề môi trường, những chính sách nhằm siết chặt hoạt động thải khí CO2 cũng đang được nhiều quốc gia và khu vực ban hành thời gian gần đây.
Tham vọng nhất trong kế hoạch này thuộc về Liên minh châu Âu (EU), khi tuần trước khối này đã đưa ra các đề xuất chi tiết cho "Thỏa thuận Xanh" về môi trường như cấm bán ô tô chạy động cơ đốt trong từ năm 2035, tăng thuế môi trường lên các ngành xây dựng và vận tải có mức phát khí thải lớn.
Những chính sách nhằm siết chặt hoạt động thải khí CO2 đang được nhiều quốc gia và khu vực ban hành. (Ảnh minh họa: Reuters) |
EU kỳ vọng, những biện pháp này có thể đạt mức "phát thải ròng" về 0 trong vòng 30 năm tới. Châu Âu cũng là nơi đang đi đầu xu hướng quản lý thông qua giao dịch mua bán hạn ngạch khí thải carbon.
Trung Quốc cũng vừa gia nhập xu hướng này khi mở cửa sàn giao dịch khí thải trong nước hồi cuối tuần trước. Ngay trong ngày đầu tiên đã có 32 triệu USD hạn ngạch khí thải được giao dịch qua sàn. Đây là sàn giao dịch khí thải carbon có quy mô lớn nhất thế giới và được xem là bước đi căn cơ của nền kinh tế số 2 thế giới nhằm hướng tới đưa mức phát thải ròng về 0 trước năm 2060.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060
Trước mắt, Trung Quốc áp dụng giao dịch với hơn 2.200 công ty điện lực, ước tính 4 tỷ tấn/năm, chiếm khoảng một nửa lượng khí thải carbon của nước này và 14% lượng khí thải của thế giới. Các nhà máy nhiệt điện hàng năm tiêu thụ hơn 10.000 tấn than. Lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu Trung Quốc cho biết sẽ dần dần áp dụng cho các ngành khác.
Ngành chức năng đưa ra ví dụ, nếu một công ty điện lực được cấp hạn ngạch mỗi năm thải ra 10.000 tấn khí thải carbon nhưng chỉ sử dụng 8.000 tấn thì 2000 tấn còn lại sẽ mang lên sàn bán cho doanh nghiệp khác.
Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư công nghệ, sử dụng năng lượng sạch để giảm lượng khí thải.
"Đối với các doanh nghiệp, nó giống như họ có một bộ tài sản khác có thể quản lý được. Nếu họ vượt quá hạn ngạch, họ phải bỏ tiền ra mua. Còn nếu họ không dùng hết thì họ mang lên sàn bán cho doanh nghiệp khác", bà Vưu Tường - lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho hay.
Ảnh minh họa: Reuters. |
Ngành chức năng sẽ cử lực lượng thanh tra để kiểm tra doanh nghiệp dựa vào các tiêu chí, tính toán lượng khí thải xả ra thông qua năng lượng hóa thạch và qua lượng điện. Đồng thời sẽ có một bộ phận độc lập kiểm tra độ chính xác của các dữ liệu để đảm bảo tính công bằng cho doanh nghiệp trong bước đầu thực hiện sẽ khó tránh khỏi những bất cập.
Ông Trương Quý Dương - Giám đốc Viện Nghiên cứu Văn minh Sinh thái Trung Quốc nói: "Sẽ cần một bên thứ ba để kiểm tra các thanh tra. Bắc Kinh từng có các chuyên gia để kiểm tra báo cáo dữ liệu do các thanh tra lập. Tất nhiên, khối lượng công việc rất lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu lớn Big Data hoặc công nghệ tiên tiến hơn, để tránh bị làm giả dữ liệu".
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần phải có thêm nhiều giải pháp để khuyến khích chuyển đổi carbon thấp từ nguồn cung lẫn cầu, cho vay vốn ưu đãi đổi mới công nghệ, xây dựng luật thuế cacbon thấp.
Trung Quốc đặt mục tiêu đưa phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và tiến tới đưa về 0 trước năm 2060. Đây được xem là động thái mạnh Trung Quốc theo đuổi để phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Nó cũng góp phần tạo thêm động lực để các nước trên thế giới thúc đẩy với những ứng phó hiệu quả về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-dua-vao-hoat-dong-san-giao-dich-carbon-lon-nhat-the-gioi-20210720043501583.htm
Theo VTV