Thế giới Hồi giáo đón Tết Hiến sinh 2019 với thông điệp "sẻ chia"
Hôm 11/8 gần 2 tỷ người Hồi giáo trên thế giới bước vào dịp Tết Hiến sinh (Eid Al Adha) - một trong hai Lễ tết lớn nhất trong năm của người Hồi giáo.
Lễ Hiến sinh này nhằm tưởng nhớ và tôn vinh Nhà tiên tri Ibrahim vì đức tính biết hy sinh của ông.
Các tín đồ Hồi giáo. Ảnh: khaleejtimes. |
Vào dịp Tết này, người Hồi giáo thường đi cầu nguyện, giết cừu, dê,… như hành động hiến tế, và làm các việc thiện nguyện.
Tại hầu hết các quốc gia Hồi giáo, Tết Hiến sinh năm nay được tính bắt đầu từ hôm nay (11/8). Tuy nhiên, một số ít các quốc gia khác như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Marốc,.. thì Tết Hiến sinh sẽ diễn ra muộn hơn 1 ngày, tức bắt đầu từ ngày mai.
Dịp Tết Hiến sinh năm nay sẽ kéo dài 4 ngày, cho đến hết ngày 15/8 tới, nhằm tưởng nhớ đến vị tiên tri Ibrahim đã sẵn lòng hiến dâng con trai duy nhất của mình trước thử thách của Thượng đế (Đức Allah). Tuy nhiên, sau đó thượng đế đã ban cho nhà tiên tri Ibrahim một con cừu để thế mạng cho đứa con trai của ông. Kể từ đó, người dân theo đạo Hồi, cứ ngày mùng 10/12 hàng năm (theo lịch Hồi giáo) lại tổ chức kỷ niệm lễ Tết Hiến sinh, tổ chức giết cừu, dê, bò, thậm chí là lạc đà để hiến tế, và được phân chia ra thành 3 phần - cho gia đình, cho người thân, bạn bè và cho những người nghèo khó. Dịp lễ Tết mục đích đề cao đức tính biết hy sinh, biết sẻ chia, lòng bao dung và độ lượng trong mỗi con người.
Tại Saudi Arabai – nơi hơn 2 triệu người Hồi giáo từ nhiều quốc gia đang có mặt ở đây để hành hương, đã diễn ra buổi cầu nguyện quy mô lớn nhất, đánh dấu dịp lễ tết bắt đầu tại các thánh địa Mecca và Madeenah…
Trong khi, lãnh đạo Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã gửi những lời chúc tốt đẹp tới người dân nước này; đồng thời kêu gọi thế giới Arab và Hồi giáo đoàn kết hơn.
Tại Jakarta thủ đô Indonesia – quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, Tổng thống Joko Widodo cũng đã có bài phát biểu khơi dậy đức tính “biết sẻ chia” trong mỗi người dân, kêu gọi sự giúp đỡ cho những người kém may mắn hơn trong xã hội, đặc biệt tại những nơi hay xảy ra thảm họa, thiên tai.
Tết đến, người Hồi giáo tại Bangladesh hôm 11/8 cũng hối hả trở về nhà để đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, những chuyến tàu, chuyến phà từ thủ đô Dhaka về các vùng quê năm nay quá đông đúc cũng làm cho Tết An Adha kém đi niềm vui.
Một số người dân chia sẻ: “Vì Tết Al Adha, nên tôi sẽ trở về quê đón Tết cùng gia đình. Như bạn thấy đấy, bên trong phà quá đông, không thừa chỗ nên tôi phải ở trên nóc vậy”.
“Chỉ cần nghĩ cách về nhà cũng khá mệt. Có quá nhiều người trên tàu, không biết liệu tôi có cơ hội hay không, điều đó không chắc chắn. Tôi không biết mình sẽ trở về quê hương như thế nào”.
Tại các nước Hồi giáo còn chiến tranh và bất ổn, như Libya và Syria, các bên giao tranh cũng đã đạt được các thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng vào dịp tết này. Tại Libya, các bên đối địch đã chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn, do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, xung quanh thủ đô Tripoli. Trong khi đó, tại Syria, Tổng thống Assad cũng đã có sự xuất hiện hiếm hoi, bên cạnh 1 số quan chức cấp cao chính phủ, tại một Nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Damascus để tham gia vào buổi cầu nguyện.
Bên cạnh đó, giới chức trách Ấn Độ hôm 11/8 cũng đã bắt đầu nới lỏng 1 số hạn chế an ninh để tạo điều kiện cho người Hồi giáo tại khu vực tranh chấp Kashmir – nơi Ấn Độ vừa hủy bỏ cơ chế đặc biệt dành riêng cho khu vực này trước đó. Tại Ai Cập, an ninh cũng đã được thắt chặt từ nhiều ngày qua, nhằm đảm bảo cho người dân 1 cái Tết an toàn nhất.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên của dịp Tết, tại Jerusalem – một trong những thánh địa của các nền tôn giáo, bao gồm cả đạo Hồi, hôm nay (11/8) đã xảy ra 1 sự vụ đụng độ “nghiêm trọng” giữa những người cầu nguyện Palestine và cảnh sát Israel. Nhiều tiếng súng đã vang lên và người dân phải chạy hỗn loạn, song hiện chưa rõ vụ đụng độ này có gây ra thương vong hay không?
Tết Adha đến, người Hồi giáo làm từ thiện, cầu nguyện cho nhau những những lời chúc tốt đẹp, những ước vọng hòa bình. Họ đang hi vọng về một khu vực Trung Đông không còn chiến tranh và xung đột; một thế giới Arav đoàn kết, vững mạnh; một cộng đồng Hồi giáo luôn chung tay vì những giá trị tốt đẹp trên trái đất./.
Theo Đình Nam/VOV