Nhật-Hàn trừng phạt thương mại lẫn nhau, Mỹ "đứng ngồi không yên"

Thứ Bảy, 03/08/2019, 14:48 [GMT+7]

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản ở Bangkok, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai đồng minh châu Á.

Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây đã áp đặt các hạn chế thương mại lẫn nhau, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước liên quan tới những vấn đề lịch sử. Trong khi Nhật Bản quyết định xóa tên Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi, thì Hàn Quốc coi đây là một sự trừng phạt và có động thái đáp trả tương tự, đồng thời cảnh báo xem xét lại thỏa thuận chia sẻ tình báo quân sự giữa hai nước.
 

1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Nikkei Asian Review

Cả Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đều đang có mặt tại Bangkok (Thái Lan) và vừa có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Chính phủ Mỹ đang nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa hai đồng minh quan trọng tại châu Á.

Tuy nhiên cả 3 quan chức cấp cao này lại xuất hiện trước máy quay với dáng vẻ lạnh lùng, không có bất kỳ trao đổi hay cái bắt tay nào, dù một quan chức Mỹ sau đó khẳng định, cuộc họp đã diễn ra tốt đẹp. Theo quan chức này, chỉ đơn giản việc cuộc gặp có thể diễn ra đã cho thấy thiện chí của các bên tìm kiếm một giải pháp. Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo, nếu mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xấu đi, các lợi ích của Mỹ cũng bị thách thức.

Nhật Bản đã hạ cấp Hàn Quốc từ quốc gia hạng A, tức là được miễn thủ tục cấp phép để mua những sản phẩm nhạy cảm từ các nhà sản xuất Nhật Bản, sang quốc gia hạng B, tức là giấy phép đặc biệt bắt buộc. Nhật Bản đồng thời cho rằng, quốc gia láng giềng không đáng tin cậy và cần phải đảm bảo trước khi xuất khẩu rằng, họ sẽ không sử dụng vào các mục đích khác, đặc biệt là quân sự, đối với những vật liệu và trang thiết bị từ Nhật Bản.

Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko, đối với chính quyền Nhật Bản, đây chỉ đơn giản là việc xem xét lại danh sách các quốc gia đáng tin cậy, một bước đi cần thiết trong khuôn khổ hoạt động quản lý xuất khẩu phù hợp vì an ninh quốc gia.

“Với việc xóa tên Hàn Quốc khỏi danh sách trắng, chúng tôi không mong đợi bất kỳ tác động tiêu cực nào đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như các công ty Nhật Bản. Để tạo ra một môi trường cho đối thoại dựa trên niềm tin, chúng tôi hy vọng Hàn Quốc sẽ có phản hồi chân thành”, ông Seko nói.

Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh những tranh cãi về lao động cưỡng bức thời chiến đang gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ hai nước.

Tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng có bước đi tương tự khi xóa tên Nhật Bản khỏi “Danh sách trắng” các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi. Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, điều mà Nhật Bản đã làm đang làm xói mòn cơ bản quan hệ niềm tin và hợp tác mà hai nước đã tạo dựng được tới nay. Bà đồng thời cảnh báo, khuôn khổ hợp tác về an ninh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp của Nhật Bản, đặc biệt trong đó có thể bao gồm việc xem xét lại thỏa thuận chia sẻ tình báo quân sự giữa hai nước.

“Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản vừa kết thúc. Chúng tôi rất tiếc về quyết định của Nhật Bản loại bỏ Hàn Quốc khỏi Đanh sách trắng. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ và kêu gọi Nhật Bản rút lại quyết định. Chúng tôi cảm thấy tiếc khi mọi việc diễn biến theo chiều hướng này”, bà Kang cho biết.

Chuyên gia phân tích Mun Byung-ki, thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc nhận định, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng có thể lan rộng sang lĩnh vực ô-tô, màn hình OLED và nhiều lĩnh vực khác nữa. Trước đó, hồi đầu tháng 7, Nhật Bản đã quyết định hạn chế xuất khẩu đối với một số vật liệu công nghệ cao xuất khẩu sang Hàn Quốc, gây ảnh hưởng tới những “Ông lớn” điện tử Hàn Quốc như Samsung hay LG Electronics./.
 

 

 

Theo Thu Hoài/VOV

.