Mỹ loay hoay tháo gỡ căng thẳng giữa 2 đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc
Là đồng minh lớn của cả hai nước, Mỹ đang kỳ vọng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sớm tìm ra giải pháp hóa giải căng thẳng.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bị đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai quốc gia này bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, với nhiều bất đồng và căng thẳng đang leo thang. Là đồng minh lớn của cả hai nước, Mỹ đang kỳ vọng Nhật - Hàn có thể sớm tìm ra giải pháp hóa giải căng thẳng. Hiện dư luận cũng đang rất quan tâm tới các cuộc gặp riêng rẽ và chung giữa Ngoại trưởng 3 quốc gia đồng minh này tại Bangkok, Thái Lan.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Moneycontrol. |
Phát biểu ngay trên chuyến bay tới Thái Lan, để dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua (30/7) tuyên bố sẽ khuyến khích hai đồng minh châu Á lớn nhất của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc “tìm một con đường hướng tới tương lai” nhằm giải quyết tranh cãi, bất đồng đang có giữa hai bên.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, Nhật Bản và Hàn Quốc “đều là những đối tác tuyệt vời của Mỹ”. Hai nước đều đang phối hợp chặt chẽ với Washington trong việc nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Do đó, việc giúp hai bên tháo gỡ bất đồng có vai trò quan trọng với Mỹ.
Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, ông có kế hoạch tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok. Sau đó sẽ có cuộc hội đàm chung của 3 bên.
Các cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh truyền thông quốc tế hôm qua (30/7) dẫn lời giới chức Mỹ đưa tin, Washington đang hối thúc Tokyo và Seoul xem xét và ký kết một thỏa thuận “tạm ngưng các hành động làm leo thang căng thẳng”, để 2 bên có thời gian đàm phán giải quyết bất đồng. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến đưa ra quyết định loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” 27 nước đối tác đáng tin cậy của Nhật Bản được nhận ưu đãi trong thủ tục xuất khẩu, vào ngày 2/8 tới.
Phản ứng về các cuộc gặp sắp tới giữa các bên tại Thái Lan, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay (31/7) khẳng định, Tokyo sẽ giữ vững lập trường và quan điểm của mình đối với các vấn đề khác nhau liên quan tới Hàn Quốc.
“Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang vô cùng khó khăn do những hành động tiêu cực đến từ phía Hàn Quốc. Sẽ không có thay đổi nào về lập trường của chúng tôi, theo đó chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để buộc Hàn Quốc hành động mang tính xây dựng hơn dựa trên lập trường nhất quán của chúng tôi đối với nhiều vấn đề. Chúng tôi đã thông báo quan điểm của mình với phía Mỹ và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ để có được sự hiểu biết chung về vấn đề”, ông Yoshihide Suga nói.
Dù muốn 2 đồng minh Nhật - Hàn giải quyết bất đồng, song Mỹ đến nay vẫn chưa thể hiện nhiều vai trò trung gian hòa giải. Theo cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, Washington sẽ giữ vai trò trung lập trong vấn đề và muốn 2 nước tự giải quyết bất đồng.
Hiện Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ tranh chấp Nhật-Hàn, đặc biệt trước thềm hạn chót ngày 24/8 tới, khi hai nước quyết định có tiếp tục tham gia thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo thường niên hay không. Mỗi năm, thỏa thuận song phương về chia sẻ thông tin quân sự an ninh chung đều được tự động gia hạn với mục đích chống lại vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lâu nay vẫn trong trạng thái căng thẳng do những tranh cãi về lịch sử liên quan thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Quan hệ giữa hai nước láng giềng rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Mâu thuẫn tiếp tục gia tăng liên quan đến việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhật Bản khẳng định chính sách quản lý xuất khẩu là để bảo đảm an ninh quốc gia, trong khi Hàn Quốc cho rằng hành động của Tokyo là hành động trả đũa quyết định của Tòa án nước này, đặt ra “mối đe dọa lớn” đối với nền kinh tế thế giới và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện, ở Hàn Quốc đang diễn ra làn sóng tẩy chay hàng hóa và hủy các tour du lịch sang Nhật Bản./.
Theo Đình Nam/VOV