Hơn 2.000 vụ lừa đảo trên không gian mạng từ đầu năm tới nay

Thứ Hai, 18/07/2022, 07:30 [GMT+7]

Phổ biến nhất là đánh cắp tài khoản và mạo danh trên mạng xã hội. Facebook và Zalo là hai mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất và cũng là tầm ngắm của nhóm tội phạm.

Bỗng dưng một ngày nhận được tin nhắn của một người quen nhờ bình chọn cho một cuộc thi nào đó hay một đường link lạ, khi ấn vào thì tài khoản đã bị đối tượng chiếm đoạt để thực hiện các hành vi lừa đảo. Tình trạng giả danh lừa đảo trên không gian mạng đang ngày một nhiều.

1

Trước tình trạng trên, Bộ Công an cũng đã tăng cường các công tác đấu tranh. Đã có hơn 2.000 đường dây lừa đảo trên không gian mạng đã bị phát hiện, ngăn chặn. Gần đây nhất là vụ việc đối tượng lừa mua xe ô tô qua Facebook tại Bắc Ninh.

Đối tượng này vừa bị Công an bắt vì tội lập ra tài khoản Facebook giả tên "Nguyễn Tuấn", đăng tin mua bán xe cơ giới từ Lào về Việt Nam. Khi có người hỏi mua, đối tượng yêu cầu chuyển trước 30% tiền đặc cọc, rồi chiếm đoạt. Với thủ đoạn trên, đối tượng đã lừa đảo được 14 bị hại với số tiền 7,3 tỷ đồng.

1
Đối tượng lừa mua xe ô tô qua Facebook tại Bắc Ninh.

Tại tỉnh Đắk Lắk, trong 2 tháng gần đây, hơn chục vụ lừa đảo trên không gian mạng đã bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn. Điển hình là đường dây giả mạo website công ty kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng lừa đảo hàng trăm người trên địa bàn tỉnh do đối tượng Nguyễn Tiến Hùng cầm đầu.

Mới đây, một đường dây khác do đối tượng Phạm Vũ Quang Trường (20 tuổi) cầm đầu đã chiếm dụng hơn 400 tài khoản Facebook để chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Theo tài liệu điều tra, nhóm lừa đảo thậm chí còn thuê chạy quảng cáo các trang Facebook giả mạo để tiếp cận và lừa được nhiều người hơn. Sử dụng sim rác để liên hệ, để ẩn mình, các đối tượng cầm đầu không xuất hiện mà tạo ra các mắt xích, bằng việc thiết lập các mạng lưới cộng tác viên. Sử dụng tài khoản không chính chủ để giao dịch.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã phát hiện hơn 2.000 vụ lừa đảo trên không gian mạng trong đó phổ biến nhất chính là đánh cắp tài khoản và mạo danh trên mạng xã hội. Facebook và zalo là hai mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất và cũng là tầm ngắm của nhóm tội phạm.

Một trong những thủ đoạn tinh vi nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm quyền tài khoản là gửi tin nhắn nhờ bình chọn về một cuộc thi cho trẻ em như "Tài năng nhí" "Giọng hát Việt nhí"…

Mỗi ngày có khoảng 70.000 mã độc đang xâm nhập, tìm cách tấn công vào các website, tài khoản tại Việt Nam. Lĩnh vực ngân hàng đang là tâm điểm của nhiều các loại tội phạm trên không gian mạng.

Link: https://vtv.vn/phap-luat/hon-2000-vu-lua-dao-tren-khong-gian-mang-tu-dau-nam-toi-nay-20220717113536177.htm

 

 

Theo VTV

 

.