Phụ nữ Mường Chà phòng chống mua bán người

Thứ Hai, 21/03/2022, 15:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Là một trong những huyện được tỉnh lựa chọn để triển khai thực hiện “Dự án phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên”, giai đoạn 2020 - 2023, cùng với các cấp, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Chà đã thành lập các mô hình, câu lạc bộ và thực hiện nhiều biện pháp thiết thực. Từ đó góp phần chung tay đẩy lùi và phòng chống nạn mua bán người tại địa bàn.

Dưới chân đèo Ma Thì Hồ có vài chục hộ người Mông quần cư, lập thành bản Cổng Trời, đây cũng chính là nơi sinh sống của em S. và gia đình.  Đông anh chị em, nghỉ học sớm, gia đình quanh năm nghèo đói thiếu thốn, cuộc sống hàng ngày vất vả sớm hôm với công việc nương rẫy, thêu thùa khiến S. luôn ấp ủ hy vọng một cơ hội đổi đời.

Những mong muốn của S. cũng là mong muốn của rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái ở các bản vùng cao của Mường Chà, nhưng thực tế việc đến một vùng đất khác lại khác xa mong đợi của các chị em. “Tối nó rủ em đi ăn tối, rồi bảo đi hát karaoke nhưng em không đi, sau đó nó rủ đi sinh nhật, mình đi thì thấy đoạn đường lạ lạ thì em bảo quay về. Sau đó nó chia tách mình ra, nó bóp cổ và tát vào mặt bạn của em, bảo là không được về, bắt đi lấy chồng bên Trung Quốc, em nghi là bị bán rồi. Sau đó, em cũng tìm cách trốn về, xuống dưới đường có người làm công trình thì nhờ họ gọi cho cảnh sát đến đưa sang Việt Nam.” - em S. cho chúng tôi biết.

1
Công an huyện Mường Chà làm việc với đối tượng phạm tội mua bán người.

Cũng như các tỉnh miền núi, biên giới khác trên cả nước, hoạt động của tội phạm mua bán người tại Điện Biên diễn ra khá phức tạp, nhức nhối. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 4 năm (từ 2015-2019), Công an tỉnh Điện Biên đã phối hợp điều tra, phát hiện, bắt giữ 85 vụ án, chuyên án mua bán phụ nữ và trẻ em gái, đã giải cứu được 48 nạn nhân đưa trở về gia đình. Ngoài ra  còn có hơn 300 trường hợp phụ nữ, trẻ vị thành niên hoặc bé gái vắng mặt khỏi địa bàn, nghi bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc. Phần lớn các vụ án mua bán người xảy ra tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trong đó có các thôn bản thuộc huyện Mường Chà.

Với thủ đoạn hết sức tinh vi và khó lường, tội phạm mua bán người thường trà trộn và sinh sống dài ngày tại địa bàn vùng cao, sử dụng điện thoại, mạng xã hội để tiếp cận, lợi dụng người dân, đa phần là chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số không biết chữ, không có sự hiểu biết về các kiến thức xã hội để lừa bán.

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dân, Phó Đội trưởng Đội Hình sự - Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Mường Chà: “Đối tượng mà tội phạm để ý tới là phụ nữ và trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới. Đặc biệt, hiện nay mạng xã hội phát triển, các đối tượng lợi dụng tài khoản giả trên facebook, zalo, sau đó sử dụng tên giả để lừa gạt, dụ dỗ đưa các chị em qua biên giới lừa bán.”

1
Truyền thông trực tiếp là cách làm hiệu quả đang được các cấp hội phụ nữ tại huyện Mường Chà áp dụng để ngăn chặn nạn mua bán người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Trước thực trạng và nguy cơ tiềm ẩn của của nạn mua bán người, Hội Phụ nữ huyện Mường Chà đã tăng cường phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an huyện và các chương trình, dự án để tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, tọa đàm, giao lưu, truyền thông, diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng như thành lập các mô hình, câu lạc bộ phụ nữ phòng chống buôn bán người.

Trên toàn huyện Mường Chà hiện có hơn 8.000 hội viên phụ nữ, sinh hoạt ở 110 chi hội tại các khu dân cư và thôn, bản. Trong đó, hoạt động sôi nổi và có hiệu quả hơn cả trong công tác phòng chống mua bán người là câu lạc bộ (CLB) phụ nữ tại các thôn bản thuộc 3 xã là Hừa Ngài, Huổi Lèng và Sa Lông.

Các hoạt động đều được triển khai dựa trên nhu cầu của chính hội viên và trong bối cảnh Chương trình hành động quốc gia cũng như địa phương đang đẩy mạnh về phòng chống mua bán người. Nhất là từ năm 2020 đến nay, huyện Mường Chà đã và đang được triển khai thực hiện “Dự án phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên”.

Theo bà Lò Thị Lai, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà: “Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện đã tích cực tuyên truyền cho chị em để nâng cao cảnh giác về thủ đoạn của tội phạm mua bán người thông qua các buổi sinh hoạt; phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương cũng như thành lập các câu lạc bộ để chị em nâng cao nhận thức cho bản thân và biết cách phòng tránh.”

1
Sôi nổi hoạt động nhóm trong một buổi tập huấn về phòng chống mua bán người được tổ chức cho hội viên phụ nữ tại huyện Mường Chà.

Một điều làm nên hiệu quả của các CLB phụ nữ phòng chống mua bán người tại huyện Mường Chà đó là nạn nhân hoặc được giải cứu hoặc tự trở về địa phương đã được giúp đỡ, động viên tham gia các CLB và trở thành thành viên cốt cán, tích cực trong việc chia sẻ hành trình của bản thân, cũng như cuộc sống thực tế mà các nạn nhân đã phải trải qua để giúp các chị em và hội viên khác có thêm kiến thức, nâng cao hơn nữa tinh thần cảnh giác đối với thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

“Các chị em tổ chức tham gia sinh hoạt hàng tháng để trao đổi kinh nghiệm, cũng như cung cấp kiến thức phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em cho các chị em ở các chi hội. Về cơ bản chị em cũng nắm được, từ lúc thành lập đến giờ nhận thức của chị em được nâng lên, tình trạng mua bán phụ nữ trẻ em đã giảm so với các năm trước.” - chị Lý Thị Pàng, Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Lông, huyện Mường Chà chia sẻ.

Trong thực tế, nạn mua bán người có nguyên nhân sâu xa từ sự bất bình đẳng giới, nghèo đói, thiếu kiến thức kỹ năng của chính phụ nữ cũng như sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng còn thiếu quyết liệt. Do đó các cấp Hội phụ nữ huyện Mường Chà đã tăng cường cung cấp kiến thức cho hội viên, cũng như thành lập các tổ tiết kiệm để giúp đỡ chị em có vốn sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay các cấp Hội phụ nữ đã thành lập được 28 tổ, nhóm tiết kiệm, hoạt động hiệu quả với tổng số vốn lưu động gần 300 triệu đồng, giúp cho hơn 30 hội viên vay vốn, vươn lên thoát nghèo.

Hơn 2 năm qua, Mường Chà đã không còn ghi nhận về các trường hợp, vụ án mua bán người. Mỗi hội viên phụ nữ đã tự khẳng định vai trò và sức mạnh của bản thân, đồng thời trở thành một tuyên truyền viên giúp chính quyền và cộng đồng nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý các tình huống liên quan đến nạn mua bán người.

Thông qua các hoạt động thiết thực, chị em phụ nữ đã giúp đỡ, động viên các nạn nhân vượt qua mặc cảm tự ti. Mỗi cá nhân hội viên cũng có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức, mạnh dạn thay đổi để tự khẳng định bản thân, nỗ lực vươn lên xóa đói nghèo; đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và xây dựng tương lai hạnh phúc, bảo vệ phụ nữ khỏi mọi hình thức xâm hại và mua bán./.

 

 

Lý Quỳnh - Huy Long/DIENBIENTV.VN
 

.