Giải quyết 85,6% các vụ tranh chấp, khiếu kiện
Điện Biên TV – Tình hình tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn biến phức tạp, 10 năm qua tỉnh Điện Biên đã giải quyết dứt điểm 85,6% các vụ tranh chấp, khiếu kiện từng bước ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn
Báo cáo tổng kết 10 năm (2007-2017) công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trên địa bàn tỉnh nêu rõ, 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra 2.528 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, trong đó: tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính 85 vụ, chủ yếu xảy ra tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân hơn 2.400 vụ, còn lại là khiếu kiện liên quan đến thực hiện các chương trình, dự án, khiếu kiện liên quan đến tôn giáo, dân chủ, nhân quyền...
Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp, giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp xảy ra trên địa bàn |
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã giải quyết dứt điểm 2.164/2.528 vụ tranh chấp, khiếu kiện (đạt 85,6%). Nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính kéo dài hàng chục năm trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông với huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) đã được giải quyết triệt để.
Bên cạnh những kết quả mà các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đạt được trong công tác giải quyết tranh chấp, khiếu kiện trong những năm qua, còn bộc lộ những tồn tại hạn chế như giải quyết các vụ việc liên quan đến địa giới hành chính còn để kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân;
Việc thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu kiện còn hạn chế, thiếu sót, thậm chí xâm hại lợi ích chính đáng của người dân, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân nơi xảy ra tranh chấp
Công tác nắm tình hình mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân của một số cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng ở cơ sở chưa sát sao, có vụ việc còn chưa nắm được hoặc giải quyết chưa kịp thời, để người dân bức xúc đến mức tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng...
Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và toàn thể nhân dân. Tăng cường công tác tiếp công dân theo quy định; tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để kéo dài, không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp, từng bước giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Hương Trà/Dienbientv.vn