"Quan lộ" của cựu Tổng Giám đốc Oceanbank và cách xài "tiền chùa"

Chủ Nhật, 03/09/2017, 17:05 [GMT+7]

Ngoài vai trò chủ mưu của Hà Văn Thắm, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn là người có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của ngân hàng này.
 
Phiên toà xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) đã diễn ra được 5 ngày. Trong đại án này, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là cấp dưới có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng.
 

1
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại phiên toà.


Ngoài vai trò chủ mưu của Hà Văn Thắm, một nhân vật khác cũng có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của Oceanbank là Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, quê Hà Tĩnh; hiện sống tại Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, Hà Nội), cựu Tổng Giám đốc Oceanbank bị truy tố về ba tội danh: tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông này bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng.

Theo dõi quá trình xét xử đại án này, chúng tôi thấy quan lộ của Nguyễn Xuân Sơn quá thần tốc và cả cách nhận tiền, tiêu tiền thật đáng sợ.

Oceanbank có hơn 1.000 cổ đông góp vốn do Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT. Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thoả thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, góp 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này, qua đó đã cử Nguyễn Xuân Sơn tham gia thành viên HĐQT ngân hàng, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank.

Đầu năm 2009, khi Thắm trao đổi, bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank, với vị thế của người được Tập đoàn lớn cử sang làm đối tác chiến lược tham gia HĐQT và điều hành ngân hàng, Sơn chủ động đề nghị Thắm phải chi thêm khoản “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng đối với số tiền huy động của các đơn vị thành viên PVN.

Số tiền này, Sơn được toàn quyền quyết định mà không cần trao đổi với ai. Do Oceanbank có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh trong việc huy động vốn nên Thắm đã đồng ý đề nghị trên của Sơn. Để có nguồn tiền “chăm sóc khách hàng” theo yêu cầu của Sơn, Thắm sử dụng Công ty cổ phần BSC Việt Nam (viết tắt là Công ty BSC) do Thắm thành lập từ năm 2008 để thực hiện việc ký các hợp đồng làm dịch vụ đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn tại Oceabank nhằm thu phí.

Được sự đồng ý của Thắm, Sơn đã chỉ đạo Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu, phụ trách Khối nguồn vốn triển khai thực hiện việc thu thêm phí ngoài tỷ giá theo quy định trong hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng thông qua việc yêu cầu khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC nhằm tạo thêm nguồn thu theo yêu cầu của mình và chiếm đoạt gần 69 tỷ đồng. Tại phiên toà, Sơn thừa nhận, có nhận số tiền này từ Thắm và cấp dưới của Thắm chuyển cho được lấy từ Công ty BSC. Nhưng Sơn biện minh rằng “Bị cáo nghĩ đấy là tiền của Thắm chứ không phải tiền của Oceanbank”.

Một trong những doanh nghiệp lớn đã gửi tiền tại Oceanbank là Liên doanh Dầu khí Việt-Nga (Vietsovpetro). Thời điểm doanh nghiệp này gửi tiền nhiều nhất tại Oceanbank tới hơn 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng). Sơn khai, chỉ riêng doanh nghiệp này, bị cáo trực tiếp đưa tiền cho Kế toán trưởng là Võ Quang Huy và Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến khoảng 10 lần, mỗi lần từ 10 đến 20 ngàn USD hoặc từ 200 đến 300 triệu đồng. Còn những doanh nghiệp lớn khác là khách hàng lớn khác cũng gửi từ 1.000 đến 1.500 tỷ đồng cũng đều được Oceanbank “chăm sóc” rất chu đáo. Cũng vì lời khai này của Sơn mà HĐXX đã yêu cầu triệu tập ông Huy và ông Tuyến đến toà để đối chất.

Trong 5 ngày xét xử vừa qua, mỗi khi được HĐXX thẩm vấn cách tiêu những khoản tiền kếch xù từ Oceanbank việc gì, bị cáo Sơn đều khai đã chi từng này tiền và quà cho ông nọ, bà kia là quan chức, hoặc doanh nghiệp. Khai là vậy, nhưng Nguyễn Xuân Sơn không chứng minh được với lý do: “Tiền mang đi biếu, tặng mà Toà yêu cầu bị cáo chứng minh thì khó quá. Mình đi biếu, tặng quà, tiền mà lại bảo người được biếu, được tặng ký xác nhận làm sao được”.

Chủ tọa hỏi “Cáo trạng xác định, bị cáo lợi dụng chức vụ được giao để ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng. Vậy toàn bộ số tiền này đều mang đi biếu, tặng hết sao?”. Nguyễn Xuân Sơn trả lời “cũng có những khoản chi khác nữa nhưng để hạch toán vào chứng từ kế toán thì rất khó”. Sau khi gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho Oceanbank, bị cáo Sơn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PVN. Những tưởng khi ngồi vào ghế mới, ông ta không tham gia gì vào hoạt động của Oceanbank nữa nhưng thực tế không phải như vậy.

Khi Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm chức vụ mới cũng là thời điểm Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thu tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Oceanbank. Từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2014, thực hiện theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm, Thu trực tiếp chỉ đạo các khối nghiệp vụ của Hội sở Oceanbank và Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng tiền gửi trái quy định về lãi trần suất huy động vốn do Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ với tổng số tiền khoảng 540 tỷ đồng.

Thu khai “Thời điểm này, theo bàn giao công việc và chỉ đạo của Sơn, bị cáo đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài hơn 125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng thuộc nhóm Tập đoàn PVN do Nguyễn Xuân Sơn phụ trách. Cũng vì nhóm khách hàng của PVN gửi tiền tại Oceanbank rất lớn nên bị cáo không thể không nghe theo ý kiến của Sơn”.

Nguyễn Xuân Sơn từ vị trí là Tổng Giám đốc Công ty Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC), cuối năm 2008, do PVN ký thỏa thuận với Oceanbank và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược, góp 20% vốn điều lệ vào Oceanbank, sau đó Sơn được PVN giới thiệu làm thành viên HĐQT và được HĐQT Oceanbank bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Oceanbank từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2010.

Từ chức tại Oceanbank, Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc PVN rồi Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Khi Sơn chuyển về PVN đảm nhận cương vị mới, người kế nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Oceanbank là Nguyễn Minh Thu lại chính là cấp dưới một thời của Sơn kể từ thời còn công tác ở PVFC (một đơn vị thành viên của PVN) khi Thu lần lượt đảm nhận các chức vụ từ chuyên viên đến trưởng phòng.

Có thể thấy, không phải chỉ đến khi chuyển sang công tác tại Oceanbank, Thu mới là cánh tay của Nguyễn Xuân Sơn mà mối quan hệ cấp trên cấp dưới giữa họ đã được củng cố từ thời còn ở PVFC. Những sai phạm nghiêm trọng trong việc quản lý, điều hành Oceanbank là nguyên nhân trực tiếp đưa bộ ba nổi tiếng của Oceanbank là Hà Văn Thắm - Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu vào vòng lao lý.

Trước khi công tác trong ngành Dầu khí, rồi chuyển sang Oceanbank và lại trở lại làm lãnh đạo cao nhất của ngành Dầu khí, Nguyễn Xuân Sơn tốt nghiệp Trường Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), chuyên ngành Quản trị kinh doanh, cấp đào tạo trên đại học; Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Vật giá và Trường Đào tạo cán bộ dầu khí./.

 

Theo VOV

.