Giăng bẫy điện chống trộm làm chết người có bị xử lý hình sự?
Giăng điện để chống trộm là hành động thiếu suy nghĩ, nếu gây hậu quả chết người thì người phạm tội có thể bị xét xử về tội vô ý làm chết người.
Ngày 20/8, Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết đã ra lệnh bắt, tạm giữ với ông Nguyễn Văn Hoàn (61 tuổi, ở thị trấn Phú Xuyên) để điều tra hành vi Giết người.
Ông Nguyễn Văn Hoàn (Ảnh: An ninh thủ đô). |
Trước đó, hơn 11h, ngày 18/8, bà Trần Thị T (51 tuổi) là hàng xóm khi đi tìm gà, không may vướng phải dây điện được giăng ở giàn mướp trước cổng nhà ông Hoàn, khiến người phụ nữ này tử vong tại chỗ.
Theo khai nhận ban đầu của ông Hoàn tại cơ quan điều tra, khoảng 1 tháng nay, ông giăng bẫy điện để phòng trộm. Trong đó, nguồn điện được lấy từ gia đình, sự việc không may dẫn đến cái chết thương tâm cho hàng xóm.
Trong những năm qua, đã có không ít vụ việc giăng lưới điện nhằm bảo vệ tài sản và hoa màu, gây nên cái chết thương tâm cho người khác và bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn anh Thơm (Văn Phòng luật sư Hà Nội) cho biết, theo mục 12, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC “Giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc, TANDTC hướng dẫn như sau:
Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:
Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.
Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nhưng hậu quả có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.
Tính mạng con người là quan trọng nhất. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật.
Hành vi phạm tội của đối tượng trong vụ việc này cho thấy đã sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản, không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Dù đối tượng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được qui định tại khoản 2, Điều 9 BLHS "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".
Do đó, hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành Tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 2 Điều 93 BLHS.
Đây cũng là bài học cảnh báo chung cho việc sử dụng điện thiếu suy nghĩ, không có biện pháp đảm bảo an toàn để bảo vệ tài sản của mình gây hậu quả chết người đều sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật./.
Điều 93. Tội giết người Bộ luật Hình sự năm 1999 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
Theo VOV