Hành vi đốt xe ô tô vì nghi bắt cóc trẻ em có thể bị phạt tù
Hành vi đập phá, đốt xe ô tô như trường hợp ở Hải Dương là vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến vụ việc xảy ra ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương, Công an huyện Thanh Hà khẳng định, thông tin trên mạng xã hội cho rằng có đối tượng thôi miên nhằm chiếm đoạt tài sản, bắt cóc trẻ em là đồn đoán, suy diễn.
Trao đổi về sự việc, Luật sư Nguyễn Ngọc Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Việc đập phá, đốt xe ô tô Fortuner vì nghi bị thôi miên là hành vi vi phạm pháp luật.
Chiếc xe bị đốt do bị tình nghi bắt cóc trẻ em |
Những người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Tùy vào giá trị tài sản bị hủy hoại là xe ô tô Fortuner có giá trị bao nhiêu thì khung hình phạt tương ứng.
Cụ thể trong vụ việc này, nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 trăm triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 143 BLHS, với khung hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù.
Còn nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 143 BLHS, với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù Chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Về việc người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với chiếc xe ô tô Fortuner thì tùy vào kết luận định giá tài sản bị thiệt hại mà người đốt sẽ phải liên đới trách nhiệm để bồi thường thiệt hại cho chủ xe theo Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.
Về việc tung tin bịa đặt, câu like, câu view trên mạng xã hội, luật sư Anh nhận định: “Hiện nay, tình trạng một số người dân theo tâm lý đám đông, chưa tìm hiểu kỹ sự việc nhưng đã “tự xử” xuất hiện ngày càng nhiều. Một phần nguyên nhân cũng do xuất phát từ sự bịa đặt bắt cóc trẻ em, bị thôi miên nhằm câu like, câu view của một số trang mạng xã hội. Nó gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, gây thiệt hại cho người khác, còn bản thân người thực hiện hành vi thì vướng vào vòng lao lý”.
Về mức xử phạt đối vói hành vi này, theo điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013 mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Nếu tính chất và mức độ của hành vi xuyên tạc, xúc phạm, vu khống là nghiêm trọng và có đủ căn cứ, thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo tội “Làm nhục người khác” (Điều 121 BLHS) hoặc “Vu khống” (Điều 122 BLHS).
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009 thì người tung tin rất có thể phạm tội vu khống.
Tội này được biểu hiện ở những hành vi như bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác về vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, pháp luật...
Bịa đặt là hư cấu những chuyện không có thật, loan truyền những chuyện, những điều biết rõ là bịa đặt, vu oan cho người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước, cho rằng họ đã phạm một tội nào đó.
Hành vi vu khống có thể thực hiện thông qua các hình thức như truyền miệng, viết bài, gửi đơn, thư tố giác, thư nặc danh.
Trường hợp người đưa tin bịa đặt nhưng lầm tưởng những điều họ loan tin là có thật thì không phạm tội. Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh của vụ việc này, thì có thể xử lý hành chính người tung tin bằng việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015./.
Điều 143 Bộ Luật hình sự 1999 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Theo VOV