Đề nghị phạt tù những chủ DN trốn, nợ BHXH

Thứ Ba, 09/05/2017, 15:55 [GMT+7]

Các cơ quan đã kiến nghị Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự trong đó quy định vấn đề trốn đóng, nợ đóng BHXH bị xử tù 7 năm và phạt tới 13 tỷ đồng.
 
Theo BHXH Việt Nam, mặc dù đã có rất nhiều giải pháp trong thời gian qua nhưng tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, số doanh nghiệp tham gia BHXH là trên 235.000 doanh nghiệp, trong khi đó dữ liệu do cơ quan thuế quản lý khoảng gần 500.000 doanh nghiệp, như vậy gần 50% doanh nghiệp hiện nay chưa tham gia BHXH, có thể gọi là trốn đóng BHXH.

1
Đóng BHXH là nghĩa vụ và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động (ảnh minh họa)


Theo ông Đào Viết Ánh – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tình hình nợ đọng BHXH tương đối phức tạp, số nợ hằng năm có giảm, nhưng những tháng gần đây có xu hướng gia tăng. Tính đến cuối năm 2015 số nợ gần 10.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 4,88% của số phải thu. Đến cuối năm 2016 số nợ BHXH có giảm khoảng 7.500 tỷ đồng bằng khoảng 3,3% số phải thu. Quý 1/2017, tình hình số nợ tăng thêm gần bằng 4,5% số phải thu, bằng gần 14.000 tỷ đồng, tăng hơn so với 2016.

Chia sẻ qua điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Rõ ràng chính sách của chúng ta là chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, người lao động và chủ sử dụng lao động cũng hiểu việc đóng BHXH không những là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người lao động. Năm 2016 nợ đóng có xu hướng giảm đi, đầu năm 2017 tăng lên 14.000 tỷ đồng với gần 5% tổng số phải thu BHXH. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải tăng cường giải pháp thu nợ nguồn thu ngân sách để đảm bảo cho quỹ BHXH trong tương lai và quỹ này nếu thu được vào quỹ BHXH tập trung thì không chỉ là bảo toàn được quỹ, tăng được quỹ mà chúng ta mang đi đầu tư tăng trưởng.

Đề nghị tăng nặng hình phạt với trốn, nợ BHXH

Theo các chuyên gia, sở dĩ, tình trạng nợ đọng BHXH tăng mạnh như hiện nay là do không có sự đồng bộ giữa Luật BHXH, Luật Tố tụng dân sự, thậm chí cả Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn.

Cụ thể, theo ông Đào Viết Ánh, thời gian qua việc khởi kiện chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ kinh nghiệm của BHXH Việt Nam triển khai khởi kiện trong thời gian qua, trước khi triển khai giao cho công đoàn khởi kiện, thì BHXH Việt Nam khởi kiện 8.000 vụ, tòa xử lý gần 4.000 vụ, đã thu hồi gần 9.800 tỷ đồng, qua đó người lao động được hưởng quyền lợi. “Chúng tôi rất mong muốn việc khởi kiện tiếp tục được phát huy trong thời gian tới và chờ đợi Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự trong đó quy định vấn đề trốn đóng, nợ đóng BHXH có tính răn đe, như xử tù đến 7 năm và phạt tiền tới 13 tỷ đồng”.

Cùng chung quan điểm phải tăng nặng hình phạt với hành vi trốn đóng, chiếm dụng BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện hợp pháp cho quyền lợi của người lao động có thể đứng ra khởi kiện được và tòa án yêu cầu khi khởi kiện phải được ủy quyền của người lao động. “Nếu chúng ta chờ ủy quyền của tất cả mấy ngàn người lao động thì rất mất thời gian. Chúng ta nên giao cho công đoàn chức năng không phải công đoàn cơ sở nơi bị trốn đóng BHXH mà giao cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện” – ông Lợi nói.

Bởi theo lý giải của ông Lợi, Luật quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện với sự ủy quyền của tất cả người lao động nhưng vì công đoàn cơ sở lại ở ngay trong lòng doanh nghiệp và ăn lương của doanh nghiệp nên không có chuyện chủ tịch công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện chính giám đốc doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng không muốn khởi kiện ông chủ người ta. Vấn đề là chúng ta phải có cơ chế khởi kiện để không liên quan đến chủ tịch công đoàn cơ sở.
 
Thực tế, theo ông Lợi, thời gian qua Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chuyển hồ sơ sang tòa án, nhiều doanh nghiệp đã mang tiền đến nộp.

Cùng chung quan điểm này, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Chỉ có công đoàn cấp trên mới đủ khả năng để đứng ra khởi kiện. Lúc đó, công đoàn cấp trên không cần phải theo ủy quyền của công đoàn cơ sở hoặc người lao động. “Hồ sơ, thông tin thì BHXH chuẩn bị và cung cấp. Công đoàn cấp trên đứng ra ký đơn và cùng BHXH VN khởi kiện” – ông Chính nhấn mạnh.

Ông Mai Đức Chính khẳng định phải sửa Luật Bảo hiểm và quy định rõ công đoàn cấp trên cùng với BHXH Việt Nam được quyền khởi kiện mà không cần thiết phải có sự ủy quyền của người lao động. Chỉ khi nào có sự tranh chấp cá nhân giữa lao động với chủ doanh nghiệp hay cơ quan bảo hiểm thì có thể ủy quyền cá nhân nhưng trường hợp đó không nhiều./.

 

Theo VOV
 

.