Điện Biên: Giải pháp nào ngăn chặn khai thác cát trái phép?

Thứ Hai, 24/04/2017, 16:05 [GMT+7]

Điện Biên TV – Trong những năm gần đây, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên diễn ra ngày càng phức tạp. Để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra “công khai” vẫn còn nhiều nan giải.

 

sd
 Những cỗ máy xúc cát vẫn ngang nhiên hoạt động tại địa phận đội 19, xã Noong Hẹt.

 

“Sống chung” ... với cát tặc

Cùng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, nhu cầu về cát, sỏi, phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng nhiều. Nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung lại có sẵn, khiến rất nhiều người lao vào khai thác trái phép mặc dù biết đó là hoạt động khai thác trái với quy định của pháp luật.

Anh Lê Văn Hóa, quản lý của Doanh nghiệp Nam Sơn cho biết: Doanh nghiệp mất gần 2 năm mới được cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định của pháp luật. Phí cấp quyền khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp phải nộp là 500 triệu đồng. Được chính thức cấp phép khai thác vào tháng 3/2016 nhưng từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tiến hành khai thác. Cát không bán được nên để đảm bảo nộp đủ các loại thuế, phí... cũng rất khó khăn.

Trong khi những doanh nghiệp được cấp phép phải hoạt động cầm chừng, thì “cát tặc” do không mất chi phí đầu tư, giá thành rẻ hơn nên lợi nhuận thu về không hề nhỏ. Việc “sống chung” với cát tặc khiến nhiều doanh nghiệp chính danh khốn đốn. Trung bình doanh nghiệp phải nộp thêm các loại phí lên đến 32.000/m3, cho nên, việc hoạch toán để bán theo giá thị trường của cát tặc là khó thực hiện được.

Trong khi hoạt động khai thác cát, sỏi ngày một ngang nhiên, công khai thì dường như chính quyền các địa phương và các ngành chức năng chưa có biện pháp quản lý, ngăn chặn, xử lý chưa hiệu quả. Tuy nhiên, cái khó của địa phương và cơ quan chức năng là khi ra quân quyết liệt, thì các chủ máy khai thác trái phép tạm rút lui, nhưng sau đó, đâu lại vào đấy, bất kể ngày hay đêm, các đối tượng khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên sử dụng những loại máy công suất lớn để hút cát dưới đáy sông Nậm Rốm.

 

sd
 Giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép còn nhiều khó khăn.

 

Xã Noong Hẹt là một trong những điểm “nóng” của nạn khai thác cát trái phép. Các điểm khai thác cát trái phép tập trung ở địa phận các đội 17, 18, 19 của xã. Điểm khai thác chỉ cách đường Quốc lộ 279 khoảng hơn 1km, dễ dàng cho việc vận chuyển ra ngoài. Được hưởng lợi, người dân đã bán đất, bao che, tiếp tay cho các chủ khai thác, thậm chí là trực tiếp tham gia khai thác trái phép...
Ông Cà Văn Đôi, người dân đội 18, xã Noong Hẹt, cho biết: “Hầu hết các hộ dân trong bản có đất dọc bờ sông đều đã bán đất cho các chủ khai thác cát, cả bản chỉ còn mỗi mình là không bán. Người ta chỉ thấy cái lợi trước mắt, sau này lấy đất đâu mà cho con cái ở và sản xuất?

Giải pháp nào để ngăn chặn?

Trước thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Điện Biên, rõ ràng đã có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, trước lợi nhuận mà khai thác cát mang lại, nhiều người vẫn bất chấp pháp luật để lao vào khai thác cát trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng người dân bao che, tiếp tay cho “cát tặc” khiến việc phát hiện, xử lý kịp thời các điểm khai thác cát trái phép trở nên khó khăn hơn.

Việc để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, chính quyền các xã không tránh khỏi trách nhiệm. Thế nhưng, mức xử phạt cao nhất với mỗi trường hợp vi phạm không quá 5 triệu đồng dường như chẳng là thấm thoát vào đâu so với lợi nhuận khổng lồ từ khai thác cát mang lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Để ngăn chặn khai thác cát trái phép tiếp tục xảy ra, UBND xã Noong Hẹt đã tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng thôn, bản và trực tiếp là người dân không được mua, bán, trao đổi đất ven sông cho các chủ khai thác. Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành chôn cột giới hạn cố định tại các điểm đầu mối khai thác, ngăn không cho xe vào vận chuyển, giao cho thôn, bản quản lý. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời

Đến nay, tỉnh Điện Biên mới có 2 đơn vị được cấp phép khai thác là: Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Nam Sơn và công ty TNHH Vật liệu và Xây dựng Phương Bắc đã được cấp giấy phép khai thác cát tại điểm mỏ thuộc đội 6, xã Pom Lót và đội 19, xã Noong Luống (huyện Điện Biên).

Thực tế, so với nhu cầu bức thiết về nguyên liệu để xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện Điện Biên nói riêng, việc chỉ có 2 cơ sở được cấp phép là khó đảm bảo cung ứng. Chưa có chế tài xử lý triệt để các điểm khai thác cát trái phép, cùng với “món hời” mà khai thác cát trái phép mang lại thì việc ngăn chặn cát tặc hoành hành tại địa phương là rất khó khăn.

Ông Lò Văn Hạnh, Trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý các điểm khai thác cát trái phép; chỉ đạo UBND các xã trong huyện tăng cường thanh tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý. Kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch xã nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến luật khoáng sản đến toàn thể người dân. Cùng với đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành cơ chế cấp phép khai thác tại các điểm khai thác nhỏ lẻ không hình thành mỏ.

Câu hỏi làm thế nào để đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường xây dựng, vừa không thất thu nguồn ngân sách nhà nước do tình trạng khai thác cát trái phép gây ra, đến nay vẫn chưa có lời giải..../.



 CTV - Hà Thuận

.