Xe gây tai nạn là xe mượn, thuê, chủ xe có phải liên đới bồi thường?

Chủ Nhật, 26/03/2017, 18:38 [GMT+7]

Chủ xe có trách nhiệm liên đới bồi thường trong trường hợp đã thỏa thuận với người lái xe về việc cùng bồi thường nếu tai nạn xảy ra
 
Vì sao khi gây ra tai nạn, gần như tất cả các tài xế đều rời hiện trường, không đưa người bị nạn đi cấp cứu? Hành động này của tài xế có vi phạm pháp luật hay không? Người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Tư vấn của luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Gây tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể bị phạt tù đến 15 năm

** Theo quy định của pháp luật, khi lưu thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện gây tai nạn dẫn đến chết người phải chịu trách nhiệm ra sao, thưa luật sư?

- Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây tai nạn chết người sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 BLHS.
Cụ thể: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
 

1
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên cầu Rạch Miễu (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chiều 18/3 (Ảnh: Nhật Trường)


Phạm tội trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Sử dụng rượu bia, trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh; Gây tai nạn rồi bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm hoặc cố tình không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Gây hậu quả rất nghiêm trọng, phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

** Pháp luật quy định ra sao về trách nhiệm bồi thường dân sự của người gây tai nạn giao thông?

- Người lái xe phải bồi thường các khoản sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi người đó chết và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Chi phí hợp lý cho việc mai tang; Chi phí bù đắp tổn thất tinh thần do tính mạng bị xâm phạm.

Hiện pháp luật quy định, chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm cao nhất không quá 60 tháng lương tối thiểu; Chi phí cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết.

** Trường hợp nào người điều khiển phương tiện giao thông gây chết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người?

- Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người trong trường hợp người đó có ý thức tước đoạt sinh mạng của người khác bằng nhiều phương cách khác nhau. Đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây chết người, nếu người đó cố tình đâm vào người khác khiến nạn nhân bị chết, người điều khiển sẽ bị truy tố tội giết người. Ví dụ, người điều khiển xe ô tô cố tình lao xe vào người nào đó, hoặc người điều khiển xe lúc đầu vô tình đâm xe vào người khác nhưng sau đó vì không muốn phải bồi thường nhiều nên lùi xe đâm lại vào người này.

Tài xế gây tai nạn giao thông được phép rời hiện trường

** Có một thực tế, sau khi gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện bỏ trốn khỏi hiện trường. Vậy việc bỏ trốn đó có vi phạm pháp luật không, thưa luật sư?
- Theo quy định tại Điều 202 BLHS, việc gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là một trong những tình tiết định khung. Với tình tiết này, người phạm tội có thể bị mức phạt cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng quy định nếu bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc nhằm không cứu giúp người bị nạn, có nhiều trường hợp người gây tai nạn trốn và sau đó khoảng 24 tiếng thì đến cơ quan công an trình diện thì đó không phải là hình thức bỏ chạy để trốn trách nhiệm.

Có thực tế, rất nhiều trường hợp, người gây tai nạn nếu vẫn ở lại hiện trường có thể bị người thân, bạn bè của nạn nhân hành hung, gây tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tính mạng. Pháp luật đã tính toán đến trường hợp như thế, do vậy nếu tài xế gây tai nạn, bỏ đi nhưng sau đó đến trình diện cơ quan công an thì đó không phải là hành vi trốn tránh trách nhiệm.

** Trường hợp người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển phương tiện giao thông và gây tai nạn chết người có phải chịu trách nhiệm hay không?

- Theo Luật Giao thông đường bộ, người từ đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cc, Điều 12 BLHS quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi, phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người. về trách nhiệm dân sự, bố mẹ của người dưới 16 tuổi phải thực hiện thay cho con mình.

** Trường hợp xe gây tai nạn là xe đi mượn hoặc xe đi thuê mà người đó có đủ điều kiện được tham gia giao thông thì chủ phương tiện có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?

- Nếu xe gây tai nạn là xe đi mượn, đi thuê mà người điều khiển có đủ điều kiện tham gia giao thông, chủ xe vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường cùng với người điều khiển xe trong trường hợp chủ xe và người lái xe có thỏa thuận trước về việc cả hai cùng bồi thường nếu tai nạn xảy ra. Theo quy định tại Nghị quyết số 03 ngày 8/7/2016, người nào thuê xe của người khác gây tai nạn, người thuê xe phải bồi thường toàn bộ thiệt hại./.

 

Theo VOV

.