"Tại sao đời sống ngày càng cải thiện mà tội phạm lại càng gia tăng?"
“Tại sao đời sống của chúng ta hiện nay đang ngày càng được cải thiện, ngày càng tốt lên, nhưng tội phạm lại ngày càng gia tăng?"
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, khi thảo luận về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp và các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Pháp luật phải minh bạch, công bằng để tạo niềm tin cho người dân (Ảnh minh họa) |
Nhiều khoảng trống, kẽ hở trong luật bị lợi dụng
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ cũng nhận định: Tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực. Tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm đâm thuê, truy sát nhau siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ có dấu hiệu phức tạp; số vụ giết người tăng cao; tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp...;
“Tại sao đời sống của chúng ta hiện nay đang ngày càng được cải thiện, ngày càng tốt lên, nhưng tội phạm lại ngày càng gia tăng? Tại sao trọng án ngày càng nhiều, phạm nhân tuổi càng trẻ… diễn ra ở nhiều địa phương đang để lại hậu quả lớn cho xã hội”, một đại biểu Quốc hội bức xúc.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, trong Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016, Chính phủ cho rằng đó là do công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót; công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao ý thức trách nhiệm khi thi hành công vụ, nhiệm vụ; trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực có nơi chưa được xem xét, xử lý nghiêm, kịp thời; sự xuống cấp đạo đức đang ở mức đáng báo động, nhất là trong thanh thiếu niên; trình độ năng lực một bộ phận cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật liên quan còn bất cập...
Phân tích sâu hơn về nguyên nhân, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng, một trong những nguyên nhân căn bản khiến tình trạng tội phạm, đặc biệt là tội phạm kinh tế tăng vọt trong những năm gần đây là hệ quả của quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, từ nền kinh tế lạc hậu, thiếu thốn khi chuyển sang nền kinh tế năng động, đã có nhiều cơ hội được mở ra cho các nhân tố linh hoạt nhưng cùng với đó là những khoảng trống, kẽ hở là điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức tận dụng hoạt động phi pháp. Vì không theo kịp với các quan hệ kinh tế mới phát sinh nên pháp luật chưa thể điều chỉnh.
Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan lập pháp còn hạn chế khiến cho các sản phẩm pháp luật chưa mang tính thực tiễn; phải sửa chữa, bổ sung ngay khi đưa vào cuộc sống, dẫn tới sự điều chỉnh của pháp luật với các quan hệ kinh tế bị chậm lại, thiếu kịp thời, khiến cho tính nghiêm minh của pháp luật bị hạn chế.
Một nguyên nhân nữa làm gia tăng các vụ vi phạm pháp luật đó là quy luật đào thải khắt khe của xã hội khiến không ít tổ chức, cá nhân không có công ăn việc làm hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn tới thua lỗ, nợ nần. Đây cũng là nhóm đối tượng gây ra nhiều loại tội phạm cả về kinh tế lẫn xã hội như: lừa đảo, cướp của, giết người… khiến các quan hệ xã hội vốn phức tạp lại càng trở nên phức tạp hơn.
Trong khi đó, theo luật sư Vũ Ngọc Chi, việc tuyên truyền pháp luật đối với các thế hệ tương lai ở các cấp học chưa thực sự được chú trọng, giáo viên giảng dạy thiên về lý thuyết, đôi khi thiếu cập nhật thông tin về luật, do đó trừ các cá nhân sau này theo học chuyên môn còn đa số các cá nhân khác bị bỏ trống kiến thức pháp luật, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật đáng tiếc do thiếu hiểu biết.
Pháp luật phải đủ mạnh để người dân tin tưởng, chấp hành
Làm thế nào để mỗi cá nhân có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, làm thế nào để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật của cả xã hội, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, người dân ở bất cứ xã hội nào luôn cần một môi trường luật pháp rành mạch, công minh và vững chắc để họ được bảo vệ an toàn. Như vậy, pháp luật phải đủ mạnh để người dân tin rằng quyền và lợi ích của họ sẽ luôn được bảo đảm. Khi đó người dân sẽ tuyệt đối tuân theo pháp luật, ngược lại khi người dân mất niềm tin, ý thức chấp hành thượng tôn pháp luật chỉ là khẩu hiệu, không thực chất.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh nhấn mạnh, luật pháp là "xương sống" cho cỗ máy nhà nước có thể hoạt động. Để luật pháp được thượng tôn, không chỉ những nhà lãnh đạo phải nắm pháp luật mà người dân cũng phải hiểu biết pháp luật. Có như vậy pháp luật mới được thực thi một cách nghiêm minh, đi vào đời sống. Người dân biết luật sẽ có nhiều cơ hội giám sát hoạt động của cơ quan chính quyền, họ sẽ nhận biết được những việc làm là sai trái trong hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước. Ngược lại những "sai trái" của cơ quan Nhà nước cần phải được sửa và phải xử lý nghiêm minh theo tinh thần pháp luật bất kể là ai, thì lòng tin của xã hội vào pháp luật mới được củng cố.
Suy cho cùng pháp luật cũng là để phục vụ người dân; đối với người dân, pháp luật chính là lẽ phải, sự công bằng, là môi trường pháp lý bình đẳng giúp người dân yên tâm an cư lạc nghiệp. Nếu người dân không biết pháp luật thì lẽ phải, sự công bằng đó của họ sẽ khó được bảo vệ.
Thực tế hiện nay, hiểu biết pháp luật của người dân còn rất hạn chế do bối cảnh lịch sử, nhận thức chưa đầy đủ, có sự chênh lệch về văn hoá, học thức cũng như việc tiếp cận pháp luật. Trong tuyên truyền phổ biến pháp luật vẫn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, các cơ quan chính quyền cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ làm luật để luật pháp trở nên thiết thực, dễ đi vào đời sống người dân.
Điều 16 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội". Để tinh thần "Thượng tôn pháp luật" được thực thi, cần sự nỗ lực của cả xã hội, nhưng quan trọng hơn vẫn là "niềm tin" của người dân vào pháp luật./.
Theo VOV