Điện Biên: Tình trạng lừa đảo nhận tiền xin việc diễn ra khá phổ biến
Điện Biên TV - Trên địa bàn tỉnh rất nhiều người bị một số đối tượng lừa đảo lấy tiền xin việc làm trong các cơ quan nhà nước, nhưng để đòi lại được số tiền ấy không phải là chuyện dễ dàng. Đã không ít người bị những kẻ lừa đảo hăm doạ, thách thức khi đến đòi nợ. Hiện nhiều người mất tiền xin việc làm vẫn chưa có cách nào để đòi lại được tiền, những kẻ lừa đảo vẫn chưa được pháp luật trừng trị.
Mánh của những kẻ lừa đảo khi nhận tiền đều viết là giấy biên nhận vay tiền, chính sự ma mãnh có chủ đích của những kẻ lừa đảo trong việc giăng bẫy tìm việc làm như vậy đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân. |
Tích góp, vay mượn, thậm chí cắm cả sổ đỏ đi vay ngân hàng lấy tiền để xin việc cho con cái vào làm ở cơ quan nhà nước. Thế nhưng, việc làm đâu trả thấy, số tiền đã đưa thì không lấy lại được.
Anh Lò Văn É, đội 11 xã Thanh Yên huyện Điện Biên bức xúc cho biết: Năm 2013 đưa cho Lò Xuân Thắng, ở bản Lọng Lươm xã Quài Nưa huyện Tuần Giáo 120 triệu đồng để xin việc cho con mình, biết bị lừa anh É đã nhiều lần đến nhà anh Thắng đòi lại tiền nhưng không những không trả, anh Thắng còn thách thức anh É là cứ việc báo cơ quan chức năng.
Cùng nạn nhân của Lò Xuân Thắng, anh Quàng Văn Hom, ở đội 11 xã Thanh yên huyện Điện Biên đặt cọc cho anh Lò Xuân Thắng 20 triệu đồng để xin việc cho con mình, nhưng cho đến nay cũng không đòi lại được.
Anh Quàng Văn Hom, đội 11 xã Thanh Yên huyện Điện Biên cho hay: Gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, muốn con cái được vào cơ quan nhà nước để có cuộc sống ổn định, qua người quen trong bản giới thiệu có người xin được việc đã vay mượn ngân hàng đưa cho người đó để xin việc cho con, cuối cùng việc không xin được tiền thì mất.
Với cái giá của kẻ lừa đảo đưa ra là 200 triệu đồng một suất đi làm ở cơ quan nhà nước, năm 2014 anh Tòng Văn Sôm, bản Liếng xã Noong Luống huyện Điện Biên vì khó khăn nên đã bán hết trâu bò, thậm chí còn đi vay ngân hàng đưa cho chị Lò Thị Dung, ở bản Lọng Bon xã Sam Mứn huyện Điện Biên đặt cọc trước với số tiền 130 triệu đồng, nhưng cho đến nay việc làm của con anh Sôm cũng không xin được, số tiền đã đưa dù anh Sôm nhiều lần đến đòi lại nhưng cũng chưa lấy lại được.
Hiện nay, tình trạng lừa đảo lấy tiền xin việc diễn ra khá phổ biến, nạn nhân chủ yếu là những người dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin, với mong muốn con cái sau khi tốt nghiệp các trường chuyen nghiệp ra trường có việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước.
Qua tìm hiểu, cái mánh của những kẻ lừa đảo khi nhận tiền đều viết là giấy biên nhận vay tiền, chính sự ma mãnh có chủ đích của những kẻ lừa đảo trong việc giăng bẫy tìm việc làm như vậy đã khiến nhiều người trở thành nạn nhân. Khi được hỏi sao không viết đơn trình báo lên cơ quan Công an để đòi lại tiền, mọi người đều giải thích rằng đã gửi rồi nhưng chỉ nhận được những lời giải thích là do tranh chấp dân sự nên phải chuyển sang toà án dân sự để giải quyết, hay thiếu chứng cứ, hoặc đối tượng thường xuyên vắng mặt nơi cư trú. Trao đổi với chúng tôi, một chiến sỹ Công an huyện Điện Biên cho biết, cái khó của cơ quan công an là người đến tố cáo không có bằng chứng cụ thể, tất cả chỉ là nói mồm và viết giấy vay tiền./.
Duy Sinh – Ngọc Hải