Băn khoăn quy định phạm nhân nữ "cam kết không mang thai"

Thứ Năm, 03/11/2016, 09:33 [GMT+7]

Vấn đề đặt ra, giả sử nữ phạm nhân đã cam kết, đã sử dụng biện pháp tránh thai nhưng vẫn mang thai thì sao? Giải quyết hậu quả thế nào?
 
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan ban ngành. Thông tư này áp dụng đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ (gọi chung là cơ sở giam giữ) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 

1
Quy định phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phù hợp nguyên tắc bảo vệ quyền con người quy định tại Hiến pháp 2013 (Ảnh: Văn Hiếu)

 

Phạm nhân nữ cam kết không mang thai, khó khả thi

Theo dự thảo, phạm nhân (quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự) được gặp thân nhân một lần trong 1 tháng, mỗi lần gặp không quá 1 giờ, trường hợp đặc biệt được kéo dài thời gian nhưng không quá 3 giờ. Phạm nhân được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm một lần trong 1 tháng. Phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ.

Để được gặp tại phòng riêng, vợ (hoặc chồng) của phạm nhân phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của Ủy ban Nhân dân hay Công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, có trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật, nội quy của cơ sở giam giữ, đồng thời thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

Quy định phạm nhân nữ cải tạo tốt được gặp chồng tại phòng riêng được coi là một văn bản quy phạm có tính nhân đạo, phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền con người quy định tại Hiến pháp 2013 và các Điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời cũng là động lực để các phạm nhân yên tâm cải tạo, đảm bảo cho một tương lai tốt đẹp của cuộc sống vợ chồng sau cải tạo.

 

1
Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Ảnh do LS cung cấp)


Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty Luật INTERCODE, Đoàn Luật sư Hà Nội), cần xem xét cẩn trọng một số vấn đề trước khi thông qua Thông tư này.

Cụ thể, Khoản 3 Điều 5 của dự thảo quy định: “Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng” song không quy định rõ có hạn chế đối với những phạm nhân nhận án tử hình hay không? Cần quy định rõ để thống nhất cách hiểu và dễ áp dụng tại các cơ sở giam, giữ trên cả nước.

Luật sư Thắng cũng cho rằng quy định “Cam kết không mang thai” trong dự thảo dường như chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa mà chỉ mang “tính kêu gọi”, “tính nội quy” nhiều hơn là tính quy định và chế tài của một quy phạm pháp luật. Giả sử, đã cam kết, đã sử dụng biện pháp tránh thai nhưng nữ phạm nhân vẫn mang thai thì sao? Giải quyết hậu quả những trường hợp này thế nào?

Bên cạnh đó, dự thảo bắt buộc phạm nhân “Phải sử dụng biện pháp tránh thai” song không đề cập tới những biện pháp gì, được áp dụng trước, trong hay sau khi phạm nhân gặp vợ (chồng)? Trên thực tế, không có biện pháp tránh thai nào bảo đảm cho một kết quả tuyệt đối. Trong trường hợp đã uống thuốc tránh thai, hoặc đã sử dụng bao cao su nhưng nữ phạm nhân lại cố tình để mình mang thai thì sao?

Phân tích thêm về tình huống này, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này rất khó khả thi, bởi lẽ bản thân người phụ nữ cũng không hẳn đã nắm bắt được hết sinh lý cơ thể của họ, minh chứng là rất nhiều gia đình kế hoạch song vẫn bị vỡ kế hoạch. Trong dự thảo thông tư có yêu cầu cần áp dụng biện pháp tránh thai (có thể có nhiều hình thức), tuy nhiên, việc các phạm nhân có thực hiện không và giám sát thế nào là cả một vấn đề. Cụ thể nếu sử dụng biện pháp bên ngoài thì có thể bị vứt bỏ, bị hỏng, rách cũng không đảm bảo, khó giám sát. Nếu sử dụng biện pháp uống thuốc, phạm nhân có thể ngậm vào miệng rồi nhổ ra, nên vẫn có thể bị mang thai ngoài ý muốn. Việc này cũng khó giám sát thực hiện, dẫn tới các phạm nhân có thể chối bỏ trách nhiệm.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, để quy định này đạt được hiệu quả như mong muốn cần áp dụng khoa học kỹ thuật (siêu âm) để biết thời gian nào là thời gian mà người phụ nữ có khả năng thụ thai và thời gian nào không, trên cơ sở đó sẽ thông báo thời gian thăm gặp một cách hợp lý, sẽ tránh gây được hậu quả mang thai ngoài ý muốn. Hoặc phạm nhân sẽ phải tự nguyện đặt vòng trong thời gian ở trại, trại sẽ hỗ trợ các phạm nhân khi có yêu cầu. Phạm nhân nữ buộc phải áp dụng một trong hai biện pháp trên mới được đăng ký và sử dụng buồng hạnh phúc.

Mở rộng đối tượng được sử dụng buồng hạnh phúc

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng nếu quy định khắt khe như vậy thì những nữ phạm nhân chưa lấy chồng hoặc những người đã ly hôn mà chưa lập gia đình vẫn bị thiệt thòi, quy định này cũng áp dụng tương tự với các phạm nhân nam, vì thế cần mở rộng phạm vi đối tượng, nên xem xét theo chiều hướng nếu có yêu cầu của phạm nhân muốn được sử dụng buồng hạnh phúc.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn để xem xét, mạnh dạn đưa quy định “Không cần áp dụng biện pháp tránh thai” đối với người vợ “thăm gặp” nam phạm nhân. “Tôi chưa thấy có lý do đủ thuyết phục để ngăn cản nam phạm nhân có con với vợ mình trong bối cảnh giả định: Án phạt tù dài hạn, phạm nhân tuổi cao, vợ chồng chưa có con…”, luật sư Thắng nói.

Nếu được thông qua, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 46/2011 của Bộ Công an./.

 

Theo VOV

.