Chủ xe và kẻ lái xe Camry đâm chết 3 người sẽ bị xử lý hình sự?

Thứ Ba, 01/03/2016, 10:12 [GMT+7]

Vụ tai nạn giao thông khiến 3 người chết ở quận Long Biên, Hà Nội đặt ra một số tình huống pháp lý có thể xảy ra, đặc biệt với chủ xe Camry.

Chủ chiếc xe Camry có bị xử lý hình sự?

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại quận Long Biên, Hà Nội sáng 29/2, thông tin ban đầu xác định, người điều khiển ô tô Camry BKS 29A – 866xx gây tai nạn là Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, trú tại tổ 15, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội). Anh ta đã đến cơ quan công an để trình diện vào đầu giờ chiều cùng ngày.

Theo thông tin ban đầu, chiếc Camry là của một người khách được đưa đến cửa hàng của gia đình Vinh để rửa. Khi Vinh mở cửa vào ô tô thì thấy đèn báo của xe nhấp nháy.

Tưởng xe có vấn đề hư hỏng nên Vinh quyết định lái xe đến một gara ô tô trên phố Ái Mộ (quận Long Biên) để nhờ xem, dù lúc đó Vinh đã uống rượu và không có bằng lái xe.
 

1
Hiện trường vụ tai nạn.

 

Khi lái xe rẽ vào phố Ái Mộ, Vinh đã gây tai nạn khiến 3 người tử vong. Trên xe thời điểm đó cũng xác định có thêm cháu Phương Anh (SN 1991, trú cùng địa chỉ) ngồi ở phía sau.

Liên quan đến vụ tai nạn, dựa trên cơ sở pháp lý, trả lời VOV.VN luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội đã đặt ra một số khả năng pháp lý có thể xảy ra đối với vụ án này.

Trường hợp chủ chiếc xe Camry BKS 29A – 866xx, đồng ý cho Vinh đưa xe đi sửa và chiếc xe đã gây tai nạn trong khi Vinh không có bằng lái xe thì người này có thể sẽ bị xử lý hình sự về hành vi “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 205 Bộ luật hình sự.

Theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013, đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do có 3 người chết, nên chủ xe có thể bị xử lý theo khoản 3, Điều 205.

Ngoài ra người chủ xe phải liên đới bồi thường về tính mạng, tài sản của các nạn nhân.

Trong trường hợp Nguyễn Quang Vinh tự ý lái xe đi, người chủ xe Camry không biết hoặc đã ngăn cản thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp người phụ nữ ngồi cùng xe Camry với Vinh thời điểm xảy ra tai nạn được xác định là Phương Anh, nếu cơ quan điều tra không chứng minh được người này có tác động đến quá trình lái xe của Vinh hoặc tác động đến tình trạng kỹ thuật điều khiển của xe, người phụ nữ đó sẽ không bị xử lý về mặt hình sự.

Dấu hiệu hình sự của người điều khiển xe Camry gây tai nạn

Đối với trường hợp của Nguyễn Quang Vinh, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, theo thông tin ban đầu, anh này chưa có giấy phép lái xe và khi điều khiển phương tiện đã có uống rượu.
 

1
Công an lấy lời khai của Vinh

 

Việc điều khiển ô tô khi chưa có giấy phép lái xe là vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, nếu nồng độ cồn trong máu của người lái xe vượt quá quy định cũng là không được phép.

Ngoài ra theo những hình ảnh mà camera an ninh ghi lại, có thể nhận thấy tốc độ xe gây tai nạn khi đó khá cao. Vinh đã cho xe vượt ở khu vực chưa đủ an toàn (Có xe máy chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt). Đây cũng là những hành vi vi phạm các quy tắc an toàn giao thông.

Hành vi của Nguyễn Quang Vinh có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật hình sự.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, kể cả người gây tai nạn. Vì vậy pháp luật quy định đây là tội do vô ý.

Tuy nhiên, nếu giả sử người lái xe tự nhận thức được bản thân chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện (chẳng hạn như chưa có giấy phép lái xe, lái xe trong tình trạng say rượu…) hoặc phương tiện họ điều khiển chưa đủ điều kiện kỹ thuật mà vẫn cố tình thực hiện khiến tai nạn xảy ra, thì pháp luật cần phải có hình thức xử phạt nghiêm minh, bởi lẽ những người này buộc phải hiểu rằng hành động của họ có khả năng gây nguy hiểm cho người khác nhưng đã có ý thức bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra.

Theo phân tích của luật sư, trong vụ án này, người phụ nữ đi bộ bị thiệt mạng cũng có phần lỗi khi đi bộ dưới lòng đường ở nơi có vỉa hè dành cho người đi bộ. Điều đó cho thấy những lỗi tưởng chừng như rất nhỏ, không ai để ý hay cố tình vi phạm, nhưng đã để lại những hậu quả mà đôi khi không thể bù đắp được./.

Khoảng 7h30’ ngày 29/2/2016, Nguyễn Quang Vinh mở cửa vào ô tô Camry BKS 29A – 866xx của khách khi chiếc xe được đưa đến cửa hàng của gia đình Vinh để rửa.

Cùng vào xe với Vinh có cháu Phương Anh (SN 1991, trú cùng địa chỉ, cháu Phương Anh ngồi sau).

Khi vào xe, Vinh thấy đèn báo của xe nhấp nháy, tưởng xe có vấn đề hư hỏng nên quyết định lái xe đến một gara ô tô trên phố Ái Mộ để nhờ xem có hư hỏng gì không, dù lúc đó Vinh đã uống rượu và không có bằng lái xe.

Khi Vinh lái xe rẽ vào phố Ái Mộ, do lấy tay lái vào cua rộng nên xe lấn sang làn đường bên trái. Lúc đó do không biết lái xe và bị cuống, Vinh đã đạp nhầm phanh sang chân ga dẫn đến làm xe tăng tốc phóng nhanh, không kiểm soát được.

Ô tô do Vinh lái đã gây tại nạn cho ông Trần Viết Tiến (SN 1952, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên) điều khiển xe máy chở theo cháu ruột là Trần Gia Hân (2009) xe ô tô tiếp tục đâm vào bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1969, trú tại phố Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên) khi bà Trúc đang đi bộ ngược chiều. Sau đó ô tô đâm vào gốc cây trước số nhà 25, phường Ái Mộ, đuôi xe văng ra đường va chạm với xe ô tô BKS 30A-687xx do anh Đ.M.H (SN 1978, quê Phú Thọ) điều khiển.

Hậu quả vụ tai nạn khiến ông Tiến và bà Trúc tử vong tại chỗ, cháu Trần Gia Hân tử vong trên đường đi cấp cứu. Trưa cùng ngày, Vinh đến cơ quan điều tra trình diện.

 

Theo VOV
 

.