Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành Luật Hộ tịch

Thứ Sáu, 17/07/2015, 10:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 62 điểm cầu trong toàn quốc nhằm quán triệt, triển khai thi hành Luật Hộ tịch. Đồng chí Hà Hùng Cường, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hà Hùng Cường, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định: Đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng luôn được các quốc gia quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này, tạo cơ sơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, đồng thời có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết yếu cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trong thời gian qua góp phần quan trọng vào sự ổn định, trật tự an toàn xã hội; hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch từ Trung ương đến cấp xã luôn được củng cố, kiện toàn; hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài; thủ tục hành chính trong đăng ký và quản lý hộ tịch có sự cải cách một bước, ngày càng thuận lợi cho người dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký hộ tịch được triển khai ở một số địa phương; đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có chuyển biến tích cực.

x
Điểm cầu tỉnh Điện Biên

 

Tuy nhiên, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đó là: Chất lượng đăng ký hộ tịch chưa cao, vẫn còn để ra sai sót; hiệu quả công tác đăng ký hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu; công tác cải cách thủ tục hành chính còn phức tạp; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng đều; trình độ năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký hộ tịch vẫn còn yếu kém, nhất là tại cơ sở...

Qua đó, việc xây dựng Luật Hộ tịch nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm một cách thuận lợi cho người dâm thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch theo quy định của Bộ luật Dân sự, các luật chuyên ngành khác, góp phần tăng cường quản lý dân cư trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Luật Hộ tịch có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. So với quy định pháp luật hộ tịch hiện hành, Luật Hộ tịch có những nội dung mới căn bản như: Luật đề cao vai trò hết sức quan trọng của công tác đăng ký hộ tịch, nhất là đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh và số định danh cá nhân cho người được khai sinh khi đăng ký khai sinh. Luật quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Cùng với đó, Luật Hộ tịch cũng đã quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Luật quy định rõ việc miễn lệ phí đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật. Với quan điểm thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương/cơ sở, Luật quy định UBND cấp huyện giải quyết toàn bộ các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Luật cũng quy định rõ tiêu chuẩn, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch...

 

Diệp Xuân

 

.