Khó khăn khi xử lý người phá rừng làm nương
Điện Biên TV - Rừng trên địa bàn huyện Mường Chà đang bị tàn phá nặng nề do tình trạng phá rừng làm nương của một bộ phận người dân. Mặt khác, lực lượng kiểm lâm huyện mỏng, trong khi diện tích rừng cần bảo vệ lớn dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, xử lý vi phạm.
Thời gian qua, không ít trường hợp cơ quan chức năng phát hiện đối tượng phá rừng trên địa bàn huyện Mường Chà, nhưng người dân đưa ra nhiều lý do và không ký vào biên bản xử lý vi phạm. Đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đặc biệt là phá rừng phần lớn là người có cuộc sống khó khăn nên khi bị xử phạt hành chính không có tiền nộp phạt. Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Chỉ tính trong năm 2014, Hạt Kiểm lâm huyện xử lý 11 vụ vi phạm pháp luật quản lý bảo vệ và phát triển rừng với tổng số tiền 202 triệu đồng, nhưng đến nay các đối tượng vi phạm trên đều không có khả năng nộp phạt. Đơn cử như đối tượng Lý A Pùng, bản Huổi Mí, xã Huổi Mí phá rừng làm nương gây thiệt hại 2.031m2 rừng, bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa nộp phạt. Gia đình Pùng có hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày kiếm sống dựa vào sản phẩm của rừng, chẳng có trâu bò hay tài sản gì đáng giá có thể bán để nộp phạt.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà điều tra, xác minh đối tượng phá rừng tại bản Nậm Chim, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà. |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với lực lượng công an, dân quân, UBND xã và một số cơ quan, đoàn thể trong huyện tăng cường phổ biến đến người dân trên địa bàn, đặc biệt là 3 xã Na Sang, Ma Thì Hồ, Sá Tổng. Đây là các xã trọng điểm diễn ra tình trạng phá rừng làm nương. Ngoài ra, các tổ công tác còn tích cực kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Hạt cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức cho nhân dân các thôn, bản ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiệm thu kết quả cung ứng phí dịch vụ môi trường rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư… để bà con thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Toàn cho biết: Dù gặp nhiều khó khăn, song Hạt Kiểm lâm huyện đã nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Năm 2014, đơn vị kịp thời phát hiện, giải quyết 1 vụ cháy rừng; 31 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, có 11 vụ phá rừng trái pháp luật (thiệt hại 4,631ha) xảy ra tại 2 xã Huổi Mí và Na Sang đều do bà con phá rừng làm nương. Hạt cũng phối hợp với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, kịp thời phát hiện làm rõ một số đối tượng phá rừng như: Thào A Trầu, Lý Giáng Pủa (bản Huổi Mí, xã Huổi Mí) gây thiệt hại lần lượt là 1.406m2 và 3.096m2 rừng sản xuất; Sùng A Chu (bản Na Pheo, xã Na Sang) phá rừng làm nương gây thiệt hại 1.406m2 rừng... Riêng quý I năm 2015, Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện, xác minh 13 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 62.141m2 tại các xã: Ma Thì Hồ, Na Sang và Sá Tổng, nhanh chóng tìm ra các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Để giải quyết tình trạng phá rừng làm nương, UBND huyện Mường Chà chỉ đạo cho cơ quan chức năng, UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác giao đất, giao rừng; tăng thu nhập kinh tế từ phát triển rừng, hạn chế thấp nhất tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm nương./.
Phạm Quang