Phía sau phiên tòa 6 án tử hình vì ma túy

Chủ Nhật, 17/08/2014, 19:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau phiên tòa ấy là một bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ vì bất chấp pháp luật, hám lợi muốn làm giàu nhanh chóng bằng cách gieo "cái chết trắng" cho đồng loại. Cũng sau phiên tòa ấy là nỗi đau cho cả kẻ bị pháp luật trừng trị và những người ở lại...

Bản án nghiêm khắc

Trong 3 ngày từ 12 - 14/8 vừa qua, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Điện Biên đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với Vì Thị Sen và đồng bọn. Đây là vụ án mua bán ma túy lớn nhất từ trước tới nay được đưa ra xét xử trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với số lượng ma túy mà bị cáo Sen cùng đồng bọn đã vận chuyển, buôn bán lên tới 313 bánh hêrôin.

10 bị cáo bị đưa ra xét xử bao gồm: Vì Thị Sen (SN 1981), Lò Thị Hoa (SN 1988), Lương Thị Đoàn (SN 1978), Tòng Văn Quyết (SN 1983), Lò Văn Hạnh (SN 1975), Vì Văn Hiến (SN 1983), Tòng Thị Lan (SN 1994), Lò Văn Tới (SN 1997) cùng trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên; Lý Văn Thanh (SN 1989) và Lưu Văn Chè (SN 1984) cùng trú tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Ở vụ án này, với vai trò là đầu mối cung cấp ma túy từ Điện Biên, vợ chồng Vì Thị Sen và Tòng Văn Kiên (hiện đối tượng Kiên đã bỏ trốn và đang bị truy nã) đã móc nối với Lương Thị Đoàn để tìm người tiêu thụ ma túy. Do Đoàn có chồng là người Lạng Sơn (mà sau này tại phiên tòa, Đoàn đã khai thị chịu sự chỉ đạo của chồng do chồng thị đã móc nối được với người để tiêu thụ ma túy ở Lạng Sơn) nên đã móc nối với Lý Văn Thanh, Lưu Văn Chè tiêu thụ ma túy được cung cấp từ Điện Biên.

Để thuận lợi cho việc buôn bán ma túy, Vì Thị Sen cùng chồng đã lôi kéo anh em họ hàng cùng tham gia, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng. Trong đó, Lò Thị Hoa giữ vai trò vận chuyển ma túy từ Điện Biên xuống Hà Nội rồi lên Lạng Sơn giao cho Lưu Thị Đoàn để bán cho Lý Văn Thanh, Lưu Văn Chè; ngoài ra cũng có số ít lần Vì Văn Hiến trực tiếp vận chuyển ma túy theo lộ trình trên. Các đối tượng khác là: Tòng Văn Quyết, Lò Văn Hạnh, Vì Văn Hiến, Tòng Thị Lan, Lò Văn Tới có nhiệm vụ vận chuyển ma túy từ biên giới Việt - Lào về giao cho vợ chồng Sen, hoặc từ nhà Sen đưa ra bến xe khách TP. Điện Biên Phủ để đi tiêu thụ.

b
Bị cáo Vì Thị Sen cùng đồng bọn bị đưa ra xét xử.


Vì Thị Sen cùng chồng mua ma túy từ Lào với giá 150 triệu đồng/bánh, qua Lương Thị Đoàn bán cho Lý Văn Thanh, Lưu Văn Chè với giá 210 triệu đồng/bánh. Thanh và Chè tiếp tục tìm mối cung cấp cho các đối tượng buôn bán ma túy người Trung Quốc với giá 225 triệu đồng/bánh. Vợ chồng Sen trả công cho các đối tượng tham gia vận chuyển, tiêu thụ ma túy trong đường dây của chúng 5 triệu đồng/bánh. Trừ mọi chi phí, Sen khai nhận còn lãi 20 triệu đồng/bánh hêrôin.

Đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại Điện Biên được phá khi vào tối ngày 21/11/2012, tổ công tác Phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Điện Biên làm nhiệm vụ tại đội 5 xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, phát hiện 2 đối tượng đi xe máy có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã phát tín hiệu dừng xe để kiểm tra, người điều khiển xe máy quay đầu chạy về hướng xã Thanh Yên, bị đuổi theo 2 đối tượng đã vứt lại một chiếc cặp màu đen bên trọng đựng 12 bánh bột màu trắng, sau này được giám định là hêrôin.

Vào hồi 18h10 phút ngày 4/5/2013, tổ công tác Phòng CSĐT tội phạm ma túy Công an tỉnh Điện Biên phối hợp với Đội CSĐT tội phạm ma túy huyện Điện Biên làm nhiệm vụ tại quốc lộ 279, tổ 6, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ bắt quả tang Tòng Thị Lan điều khiển xe máy BKS 27N1-00156 chở Lò Văn Tới ôm hộp bìa cát tông màu vàng. Mở hộp bìa cát tông, lực lượng chức năng phát hiện bên trong đựng 40 bánh hêrôin.

Qua đấu tranh khai thác 2 đối tượng Lan và Tới, cùng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã nhanh chóng xác định được 13 đối tượng đã tham gia vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong đường dây của Vì Thị Sen (ngoài 10 bị cáo bị đưa ra xét xử kể trên còn có 3 đối tượng khác hiện đang bỏ trốn là Tòng Văn Kiên, Quàng Văn Hặc, Quàng Văn Hải) với số lượng lên tới 313 bánh hêrôin từ năm 2012 đến đầu năm 2013.

Để bạn đọc hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của vụ án này, chúng tôi sẽ diễn giải ra đây số lần các bị cáo vận chuyển, tiêu thụ ma túy được cung cấp từ vợ chồng Vì Thị Sen. Chúng ta không làm phép cộng số học, mà chỉ hiểu rằng đây là số lần và số ma túy mà từng bị cáo qua nhiều khâu móc nối, cùng tham gia với đồng bọn; còn số lượng chung nhất vẫn là 313 bánh hêrôin từ đầu mối chung của Vì Thị Sen. Cụ thể, Vì Thị Sen phạm tội nhiều lần với số lượng 313 bánh hêrôin; Lò Thị Hoa 17 lần, 223 bánh hêrôin; Lương Thị Đoàn 14 lần, 193 bánh hêrôin; Lý Văn Thanh 17 lần, 211 bánh hêrôin; Lưu Văn Chè 11 lần, 145 bánh hêrôin; Lò Văn Hạnh cùng Tòng Văn Quyết phạm tội 7 lần, 110 bánh hêrôin; Vì Văn Hiến 4 lần, 90 bánh hêrôin; Tòng Thị Lan và Lò Văn Tới phạm tội 1 lần, 40 bánh hêrôin.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo trước tòa, xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án; Áp dụng điểm b, khoản 4, Điều 194 Bộ luật hình sự, tòa tuyên phạt: Vì Thị Sen, Lò Thị Hoa, Lý Văn Thanh, Lưu Văn Chè, Tòng Văn Quyết, Lò Văn Hạnh chịu mức án tử hình. Các bị cáo: Lương Thị Đoàn (đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi), Vì Văn Hiến tù chung thân. Bị cáo Tòng Thị Lan 20 năm tù giam, Lò Văn Tới 17 năm tù giam.

Bi kịch một gia đình và nỗi đau chung

Bản án được tuyên được đông đảo dư luận đánh giá là rất thích đáng đối với những kẻ vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, gieo rắc "cái chết trắng" cho đồng loại. Tuy nhiên, phía sau bản án này là bi kịch của một gia đình; là nỗi đau quặn thắt của những bậc làm cha, làm mẹ khi chứng kiến con mình đứng trước vành móng ngựa và như muốn chết đi khi nghe tòa tuyên án; là những người vợ thiếu chồng, chồng thiếu vợ; những đứa trẻ hoặc thiếu cha hoặc thiếu mẹ và thiếu cả hai...

10 bị cáo bị đưa ra xét xử tại tòa có tới 7 người có quan hệ gia đình, họ hàng; một cặp vợ chồng, một cặp cha con; hai người phạm tội khi tuổi đời còn quá trẻ, trong đó Lò Văn Tới phạm tội khi đang là học sinh lớp 10; hai người phụ nữ hiện đang phải nuôi con nhỏ trong trại giam...

Vì Thị Sen cùng chồng vì hám lời, đã lôi kéo Tòng Văn Quyết (em chồng Sen), Vì Văn Hiến (em trai Sen), Tòng Thị Lan (em dâu Sen, đồng thời là vợ của Vì Văn Hiến), Lò Văn Hạnh (anh rể Sen), Lò Văn Tới (cháu, đồng thời là con đẻ Lò Văn Hạnh), Lò Thị Hoa (em dâu bên chồng Sen) cùng tham gia buôn bán ma túy. Trong số 7 người này, có 4 kẻ phải chịu án tử hình, một chung thân và hai kẻ phải chịu tổng số 37 năm tù giam. Đáng nói, Vì Thị Sen có bố hiện đang phải thi hành án tại Trại giam Tân Lập, Phú Thọ; Lò Thị Hoa có chồng cũng đang phải thi hành án tại Trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam.

b b
Người thân của các bị cáo đã không thể kìm lòng khi nghe tòa tuyên án.

 

Ba ngày tham dự phiên tòa, chị Vì Thị Hoa (chị gái Sen, vợ Lò Văn Hạnh, đồng thời là người giám hộ của Lò Văn Tới do bị cáo phạm tội khi chưa đủ tuổi vị thành niên) khóc cạn nước mắt. Bản thân mắc bệnh trọng, chị Hoa như chết đi khi nghe tòa tuyên án. Hai án tử, một bản án chung thân và sẽ là 17 năm mòn mỏi chờ đợi đứa con trai đầu chấp hành xong án phạt tù... Nỗi đau quá lớn, quá sức chịu đựng của một con người, chứ đừng nói là một người phụ nữ bệnh tật.

Tôi và rất đông những người dự phiên tòa đã phải rơi nước mắt, khi cậu con trai 7 tuổi của bị cáo Lò Thị Hoa ngoài phòng xử án gọi vọng vào hai tiếng "Mẹ ơi...", rồi khóc đòi mẹ. Đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu vì sao đã lâu lắm rồi nó thiếu vắng bàn tay ôm ấp, chăm sóc của mẹ; nó nhớ mẹ, hay nói đúng hơn là nó thèm mẹ. Cha tù tội, mẹ lĩnh án tử hình, đứa trẻ ấy rồi đây sẽ lớn lên trong sự thiếu thốn về tình thương, sự chỉ bảo của cha mẹ, tương lai phía trước với nó là một dấu hỏi quá lớn... Tôi và chắc chắn còn nhiều người khác nữa đều trách, vì sao Hoa không suy nghĩ thấu đáo về hậu quả mà mình có thể phải gánh chịu, để nỗi ân hận giờ đã quá muộn màng...!

Thời điểm bị bắt, Tòng Thị Lan mới mang thai được 2 tháng, giờ cháu bé đã được gần 1 tuổi. Chồng của Lan là Vì Văn Hiến trước khi bị bắt là cán bộ tư pháp xã Mường Nhà, huyện Điện Biên. Làm cán bộ tư pháp, có hiểu biết về pháp luật, nhưng thay vì can ngăn anh chị em mình không được phạm pháp, Hiến chẳng những hùa theo mà còn lôi kéo cả người vợ trẻ của mình vi phạm pháp luật để giờ phải chịu cảnh tù tội. Khuôn mặt Hiến nặng trĩu ưu tư trước giờ tuyên án. Tôi có lẽ cũng đã phần nào đọc được những suy nghĩ trong đầu Hiến lúc đó. Hẳn kẻ phạm tội này sẽ ước, giá y có thể làm lại chắc chắn sẽ không đi vào con đường tù tội này, để giờ đây đứa con mới sinh ra đã thiếu thốn đủ bề.

Khi lực lượng chức năng dẫn giải Lý Văn Thanh vào trước vành móng ngựa, ánh mắt y ngước nhìn xuống phía dưới kiếm tìm. Người cha của Thanh có vẻ ngoài đầy khắc khổ, đã khóc nấc lên từng hồi tới mức các đồng chí công an làm nhiệm vụ tại tòa buộc phải yêu cầu ông ra phía ngoài để đảm bảo trật tự cho phiên tòa. Có lẽ đã dự đoán trước được mức án mà con mình phải chịu, người đàn ông vẫn không thôi nhắc đi nhắc lại một câu: "Con ơi, sao con dại dột thế, bố mất con rồi con ơi!"...

Những người dự phiên tòa này hầu hết là anh em, họ hàng với các bị cáo. Khi vị chủ tọa phiên tòa chuẩn bị tuyên án, mọi người đều nín lặng và khi bản án được tuyên cho mỗi bị cáo, là những tiếng khóc vang lên, những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt. Kẻ khóc con, người khóc chị, khóc anh em, con cháu... Và cả những đứa trẻ khóc gọi cha, mẹ ở phía ngoài phiên tòa.

Dù bản án công minh, đúng người, đúng tội song cùng với đó là nỗi đau đến cả từ hai phía - kẻ phạm tội và những người thân của  bị cáo. Mọi sự nuối tiếc đều đã quá muộn màng, tay đã nhúng chàm là khó lòng gột sạch, cùng với đó là hậu quả phải gánh chịu cho chính mình và những người thân yêu...!

 

Dương Huyền

.