Tín dụng đen và những rủi ro cần cảnh giác
Điện Biên TV - Tín dụng đen đang trở thành phao cứu sinh, quyết định sự sống còn trong kinh doanh của bà con tiểu thương. Tuy nhiên, hình thức tín dụng này luôn ẩn chứa những rủi ro khó lường. Vụ việc hơn 40 hộ gia đình ở huyện nghèo Tủa Chùa đang mất ăn, mất ngủ vì lo lắng trước nguy cơ mất trắng tài sản là một ví dụ điển hình. Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng nhưng đây có thể được coi là bài học cho những ai đã, đang và sẽ tham gia vào loại hình tín dụng này.
Phóng viên trao đổi với chị Nguyễn Thị Thơm (người cho bà Nguyễn Thị Hát vay tiền) |
Những ngày này, quanh khu vực thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, người dân không ngớt lời xì xèo, bàn tán về sự việc vay mượn tiền của bà Nguyễn Thị Hát (sinh năm 1956) trú tại tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa với nhiều hộ dân trong huyện. Phần lớn mọi người đều cho rằng bà Hát, tức là một người đi vay tiền của nhiều hộ dân đã bỏ trốn khỏi địa bàn. Câu chuyện về hoạt động tín dụng đen ở một huyện vùng cao nghèo Tủa Chùa lại nóng lên và thu hút được nhiều sự quan tâm của mọi người hơn bao giờ hết.
Bà Bùi Thị Xuân có một ki ốt ở chợ trung tâm thị trấn Tủa Chùa. Ki ốt này nhỏ hẹp chứ chẳng phải cửa hàng rộng rãi gì để mà bà Xuân làm ăn lớn. Vải vóc, quần áo ở chợ của một huyện vùng cao nghèo, bán thì lúc được lúc không. Thế mà đùng một cái bà Xuân mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng, sẵn sàng vay thêm 50 triệu đồng đem cho bà Nguyễn Thị Hát vay. Gần 3 tháng nay, khi bà Hát vắng mặt thì bà Xuân mới ngã ngửa hay tin bà Hát đã bỏ trốn. Bà Xuân thì cho rằng, vẫn còn nhiều người chung hoàn cảnh như bà còn khổ hơn bà gấp nhiều lần, nếu như bà Hát bỏ trốn thật. Qua câu chuyện, bà Bùi Thị Xuân không ngần ngại dẫn chúng tôi tìm đến những gia đình có liên quan đến sự việc vay nợ ở Tủa Chùa.
Căn nhà gỗ chật hẹp nằm hun hút phía cuối thị trấn là của mẹ con chị Nguyễn Thị Thơm. Không công ăn việc làm ổn định, bản thân lại bị thương tật do tai nạn giao thông, chị Thơm mở cửa hàng may đo những mong kiếm được ít tiền để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, 36 triệu đồng dành dụm được để trả tiền hàng thì đã đem cho bà Hát vay. Sau năm lần bảy lượt đòi tiền đều không được và đến nay khi hay tin bà Hát đã đi khỏi địa bàn thì chị Thơm không khỏi bàng hoàng. Đang chủ nợ bỗng chốc trở thành con nợ. Chị Thơm phải chạy đôn chạy đáo đi vay tiền ngân hàng để mang đi trả nợ. Chị Nguyễn Thị Thơm bức xúc nói: Hiện tại, tôi đang vay ngân hàng chính sách 20 triệu đồng để trả tiền hàng, còn tiền cho bà Nguyễn Thị Hát vay giờ lại phải trả lãi cho bà ta. Bây giờ, tôi rút ra bài học là chắc chắn không cho ai vay theo kiểu như thế này nữa.
Qua thông tin ghi nhận từ phía nhân dân thì ở thị trấn Tủa Chùa cũng vẫn còn nhiều trường hợp cho bà Hát vay tiền, người ít thì một vài triệu, người nhiều thì vài chục, thậm chí là cả trăm triệu. Để tìm hiểu thực hư sự việc, phóng viên chúng tôi đã tìm gặp và làm việc với lãnh đạo Công an huyện Tủa Chùa. Theo như thông tin Thượng tá Lò Văn Pọm, Trưởng Công an huyện Tủa Chùa cho biết: Đến thời điểm ngày 18/6, Công an huyện Tủa Chùa đã tiếp nhận khoảng 40 đơn đề nghị của các hộ gia đình ở thị trấn Tủa Chùa và xã Huổi Só; xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nội dung đơn đều phản ánh việc cho bà Nguyễn Thị Hát (sinh năm 1956) trú tại khu Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa vay tiền. Đến nay, nhiều trường hợp đã hết thời hạn theo như thỏa thuận mà vẫn chưa được hoàn trả trong khi bà Hát không còn ở địa bàn đã 3 tháng nay. Các đơn thư đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ và yêu cầu bà Hát trả lại số tiền đã vay. Trước sự việc trên, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội điều tra làm rõ.
Qua xác minh, sự việc cho vay, mượn tiền giữa 40 hộ dân với bà Hát là có thật. Tổng số tiền mà các hộ cho bà Hát vay lên tới hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó, 10 hộ gia đình cho vay đã hết hạn theo như thỏa thuận. Căn cứ giấy tờ thỏa thuận giữa các bên khi vay mượn được lập, phần lớn là không cụ thể và không có người chứng kiến việc vay mượn. Có những trường hợp cho vay chỉ mang tính chất trao tay và hoàn toàn không có giấy tờ chứng minh giữa 2 bên.
Đến thời điểm ngày 18/6, Công an huyện Tủa Chùa đã tiếp nhận khoảng 40 đơn phản ánh việc cho bà Nguyễn Thị Hát vay tiền (Trong ảnh: Phóng viên làm việc với Thượng tá Lò Văn Pọm, Trưởng Công an huyện Tủa Chùa) |
Trên thực tế, tín dụng đen là dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các ngân hàng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vỡ nợ hàng loạt ở một số địa phương. Các vụ vỡ nợ tín dụng đen xảy ra do một số nguyên nhân chủ yếu như: Người cho vay ham lãi suất cao. Thứ hai là do người cho vay thiếu thông tin về người đi vay, có trường hợp không nhất thiết phải biết nhiều thông tin về người đi vay, chủ yếu là lần đầu tiên trả nợ đúng hẹn là lần sau dễ dàng vay tiếp. Một nguyên nhân nữa là do xuất phát từ tâm lý của người cho vay là nhìn mặt đặt tên, thấy người đi vay có bề ngoài sang trọng, giàu có thì dễ dàng tin tưởng mà cho vay với số tiền lớn. Thực tế cho thấy, nhiều người vay không có phương án kinh doanh hiệu quả để trả vốn lẫn lãi mà chỉ chạy chỗ này đắp chỗ kia. Bên cạnh đó, do ngân hàng tăng lãi suất và hạn chế cho vay thế chấp đối với nhà đất nên người đi vay không có vốn làm ăn, trả nợ cũ dẫn đến trường hợp mất khả năng thanh toán phải tìm đến tín dụng đen. Một nguyên nhân không thể không kể đến đó là do sự thiếu tỉnh táo và thiếu hiểu biết pháp luật của những người cho vay.
Trong đời sống nhân dân, quan hệ vay và cho vay đang rất phổ biến. Từ nhiều vụ việc đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có cả Điện Biên, đã cho thấy tín dụng đen luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự việc mấy chục hộ dân nghèo cho người ta vay tiền với lãi suất cao chưa được giải quyết dứt điểm, song từ tính chất phức tạp trong quan hệ dân sự này đã khiến cho địa phương có xảy ra vụ việc phải rút ra những bài học kinh nghiệm.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra, người dân cũng cần cảnh giác với những trường hợp vay với lãi suất cao. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thông tin về người đi vay trước khi cho vay, khi hết hạn mà người vay không trả được nợ thì cần cân nhắc để thu hồi vốn và dừng hẳn việc cho vay. Đặc biệt, việc vay mượn nên tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần có những biện pháp cụ thể để định hướng dư luận, kịp thời điều tra và đưa ra ánh sáng những kẻ lừa đảo để xử lý nghiêm minh. Các cơ quan chức năng cũng cần có sự quan tâm đúng mức hơn đến xây dựng và đồng bộ hóa các cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm từ tín dụng đen./.
Minh Thịnh - Duy Hưng